“Thông tư 20/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ (TT20) quy định về việc nhập máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sẽ gây khó cho ngành nông nghiệp vì máy móc thu hoạch, chế biến nông sản hầu như 90% đang phụ thuộc vào việc nhập khẩu máy móc cũ từ nước ngoài. Điều này sẽ làm khó doanh nghiệp (DN) lẫn nông dân”. Đó là ý kiến của ông Võ Hùng Anh, đại diện Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), cảnh báo.
Khó chồng khó
Ông Võ Hùng Anh cho biết hiện nay máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa ở nước ta chủ yếu nhập loại đã qua sử dụng từ Thái Lan với giá từ 300 triệu đồng/máy. Các máy này đều đã sử dụng 10 năm trở lên ở nước họ nhưng về Việt Nam vẫn có thể sử dụng tốt và bền. Trong những năm qua, các DN cũng nhập nhiều máy mới từ Trung Quốc (200 triệu đồng/máy) với giá rẻ hơn máy gặt đập cũ từ Thái Lan 100 triệu đồng. Song do máy Trung Quốc độ an toàn không cao, máy nhanh hư hỏng, tốn nhiên liệu, việc thay phụ tùng tốn rất nhiều tiền nên ít DN chuộng, hiện đồng bằng sông Cửu Long không còn một chiếc máy gặt đập nào của Trung Quốc.
Theo ông Hùng Anh, trong lúc Việt Nam chưa sản xuất được các loại máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa, DN và nông dân chưa có đủ kinh phí để đầu tư mua máy mới (Thái Lan sản xuất với giá hơn 500 triệu đồng/máy) thì nhập máy cũ là giải pháp hiệu quả nhất.
Ngành xây dựng là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu siết việc nhập máy móc cũ. Ảnh: HTD
Ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Nông sản Thực phẩm Tân An, cho hay nếu DN nhập máy bắn màu hạt điều mới sản xuất từ Trung Quốc giá lên tới 50.000 USD, mua máy từ Nhật là 120.000 USD, còn máy của Đức giá cao hơn, khoảng 130.000 USD.
Các ngành cao su, nhựa cũng sẽ gặp khó trước những điều kiện siết chặt của TT20.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, chia sẻ: “Tôi không đồng tình việc chỉ cho nhập những máy móc đã qua sử dụng năm năm kể từ ngày sản xuất. Nếu máy móc từ các nước ít sử dụng, còn mới gần như 80% nhưng tính từ lúc sản xuất có thời gian hơn 10 năm mà không cho nhập thì không hợp lý”. Ông Anh cho rằng đối với ngành nhựa, sản xuất ly cốc thì không cần phải nhập những máy móc hiện đại. Chỉ cần nhập máy cũ từ Hàn Quốc, Nhật đã qua 10 năm sử dụng thì chất lượng còn tốt gấp mấy mua máy Trung Quốc mới 100%. “Kiểu hạn chế này không khéo buộc DN vào tình thế phải mua máy Trung Quốc thì càng chết”.
Thông tư hạn chế nhập máy cũ: Cần có lộ trình áp dụng
Theo ông Võ Văn Tý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Đông Dương (CNS Land), các cơ quan quản lý chặt phần “ngọn” mà quên quản phần “gốc”. Chính sách đưa ra như vậy sẽ làm khó DN, hạn chế DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhà nước cần chú trọng đến công tác kiểm định, nên thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng có năng lực cao, uy tín để kiểm định các máy móc cũ nhập khẩu về. Ví dụ, nhập máy đã dùng 5-10 năm nhưng kiểm định có thể cho sử dụng thêm 20-30 năm nữa. Nhưng cũng có máy đã qua sử dụng ba năm nhưng sau khi kiểm định chỉ dùng thêm được năm năm nữa thôi.
“Ở các nước phát triển họ chỉ nhập máy mới, còn những nước đang phát triển, ngành công nghiệp chế tạo máy móc có thể nói là sơ khai như Việt Nam thì cần phải nhập máy móc cũ là điều bình thường. Chính sách đưa ra cần có lộ trình để thực hiện, phù hợp với thời điểm thực tế, thích ứng với năng lực của đa số DN nếu không sẽ kìm hãm sự phát triển” - ông Tý nói.
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng về lâu dài việc nhập khẩu máy mới là cần thiết, giảm dần sự nhập máy cũ biến Việt Nam thành bãi rác. Hiện nay Chính phủ cũng đã có những chính sách tạo điều kiện cho DN nhập máy móc, thiết bị mới với ưu đãi thuế nhập khẩu, ưu đãi lãi suất, vốn vay. Vì vậy để giảm gánh nặng cho DN khi phải nhập khẩu máy mới thì cần có những chính sách hỗ trợ DN nhiều hơn.
QUANG HUY
Ngành xây dựng là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu siết việc nhập máy móc cũ. Đối với máy xây dựng, định nghĩa thế nào là mới 80% rất khó. Máy móc xây dựng tính theo giờ hoạt động không thể đo lường được, không như ô tô có thể xác định độ mới qua số đo côngtơ mét nên rất khó xác định được điều kiện trên. Máy xúc, máy đào ở Nhật nếu mua loại đã qua sử dụng 10 năm vẫn còn dùng tốt. Giờ nếu mua loại đã dùng chỉ mới 3-7 năm chắc tốn cả đống tiền. Chỉ có những công trình có vốn đầu tư lớn, dài hạn họ mới chịu chi mua máy còn mới như vậy. Ông VÕ VĂN TÝ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Đông Dương (CNS Land) Cần hỗ trợ chi phí cho những nhà khoa học, DN tư nhân khi họ tự nghiên cứu phát triển công nghệ thiết bị, máy móc phục vụ cho sự phát triển của ngành. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần hỗ trợ những DN tự làm máy móc thay thế máy móc nhập khẩu nước ngoài về kinh phí quảng bá, marketing. Ông VÕ HÙNG ANH, đại diện Viện Cơ điện nông nghiệp |