Như báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Thông tư 20/2014 (TT20) của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có hiệu lực từ ngày 1-9 đã bị cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực máy móc, thiết bị xây dựng nông nghiệp phản đối. Những nội dung gây lo lắng cho cộng đồng DN hiện nay cũng chính là những điểm mà trước đó các DN đã góp ý khi TT20 còn là dự thảo.
Góp ý cũng như không
Trong đợt tham vấn ý kiến cộng đồng DN của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào đầu năm 2014, nhiều DN đã cho rằng hai điều kiện máy móc cũ được nhập khẩu phải còn chất lượng 80% trở lên và có niên hạn sử dụng không quá năm năm là không khả thi và thiếu thực tế.
Công ty Luật TNHH Bizconsult cho rằng hai điều kiện này thiếu tính khoa học vì có những dây chuyền ở nước ngoài chỉ mới sử dụng một thời gian ngắn sau đó phải dừng sản xuất do kinh doanh thua lỗ hoặc khủng hoảng. Vì vậy những dây chuyền này còn rất mới nhưng niên hạn sử dụng có thể đã quá năm năm. “Chúng tôi đề nghị không hạn chế về thời gian và giá trị sử dụng đối với những máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ thuộc diện quản lý chuyên ngành” - công ty này đề nghị. Tuy nhiên, TT20 ra đời hoàn toàn không có ý nào về nội dung này.
Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng quy định máy móc cũ được nhập khẩu phải có niên hạn sử dụng không quá năm năm là quá ngắn. Ảnh: HTD
Tương tự, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng quy định máy móc cũ được nhập khẩu phải có niên hạn sử dụng không quá năm năm là quá ngắn. Hiệp hội Dệt may đã đề nghị tăng lên 10 năm nhưng ý kiến này cũng không được tiếp thu.
Còn theo Hiệp hội In Việt Nam, quy định chất lượng máy cũ được nhập phải còn 80% trở lên là rất chung chung, khó vận hành. Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) cũng đã đề nghị chất lượng máy móc cũ nên quy định còn 70% so với máy mới thay vì 80%.
Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho hay quy định về niên hạn sử dụng không quá năm năm là chưa đúng thực tế, bởi lẽ tùy từng ngành nghề, vòng đời kỹ thuật, công nghệ của thiết bị dài hay ngắn khác nhau. Riêng đối với thiết bị máy móc ngành giấy TT20 quy định niên hạn sử dụng 15 năm thì trước đó hiệp hội đã đề nghị nâng vòng đời của thiết bị ngành giấy và bột giấy từ 15 năm lên 30 năm.
Tránh chuyện chính sách ép DN
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho biết ở các nước người ta có khái niệm “công nghệ tích hợp”, tức là công nghệ phát triển phù hợp với trình độ của nước ấy và phù hợp với mặt hàng các DN sản xuất ra chứ không nhất thiết phải là công nghệ tiên tiến nhất. Bởi vì công nghệ tiên tiến nhất thì DN không đủ sức để làm, trình độ của người lao động không đủ để xử lý, DN cũng không đủ tiền để mua. Vì vậy khi chọn công nghệ máy móc, DN có thể chọn loại trung bình, chậm hơn các nước khác một ít nhưng vẫn có thể sử dụng được. Do đó trên thế giới có những thị trường các công nghệ đã qua sử dụng là vì thế.
Ông Doanh nhìn nhận việc siết nhập các máy móc đã qua sử dụng có phần là để hạn chế một số DN lợi dụng để nhập nhiều máy quá cũ gây ảnh hưởng môi trường và tiêu hao nhiều năng lượng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chất lượng máy còn 80% trở lên cần được tính toán, xác định như thế nào cho hợp lý và cơ quan nào độc lập để xác định đáp ứng cả yêu cầu của Bộ KH&CN và được DN chấp nhận. Đấy là một yêu cầu hiện nay đáng quan tâm trong TT20.
“Các DN cứ lên tiếng để Bộ KH&CN hiểu rõ và thông cảm hơn với DN, đặc biệt nêu lên một số trường hợp cụ thể thông qua VCCI để lên tiếng. Đây không phải là điều mâu thuẫn về nguyên tắc mà hai bên cần tiếng nói chung, tạo ra sự đồng thuận tránh việc chính sách ép DN. Đồng thời tránh việc một số DN lợi dụng việc nhập công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều năng lượng” - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
THU HẰNG
Trong tuần, Hiệp hội Cơ khí sẽ làm việc với Bộ KH&CN Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, cho biết trong tuần này hiệp hội sẽ có buổi làm việc với Bộ KH&CN để đề nghị xem xét lại Điều 6 của TT20 quy định điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ mà cộng đồng DN đang phản ứng. |