Theo ghi nhận của PV, nguồn nước từ Bình Dương đổ về kênh Ba Bò (TP.HCM) nhiều lúc vẫn còn sẫm màu và có dấu hiệu ô nhiễm hóa chất. Trong khi đó, sát bên hồ điều tiết công trình cải tạo kênh vẫn còn doanh nghiệp (DN) chực chờ xả nước thải không qua xử lý.
Những hình ảnh này vẫn còn tồn tại cho đến những ngày đầu tháng 9, khi dự án cải tạo kênh Ba Bò cơ bản đã hoàn thành, sắp đi vào hoạt động.
Sợ nguồn nước thải công nghiệp
Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM (đơn vị xây dựng và vận hành công trình cải tạo kênh Ba Bò), cho biết chậm nhất trong tháng 9 công trình sẽ chính thức vận hành hệ thống hồ điều tiết và các hồ vi sinh. Trên lý thuyết, các nguồn nước (chủ yếu từ tỉnh Bình Dương) khi đổ về công trình cải tạo kênh Ba Bò sẽ được xử lý giảm bớt ô nhiễm. Nguồn nước “sạch” (đạt tiêu chuẩn loại B) sau khi qua xử lý sẽ được đưa trở lại kênh, chảy xuống khu vực hạ nguồn thuộc địa bàn TP.HCM.
Tuy nhiên, theo thiết kế, hệ thống hồ vi sinh của dự án cải tạo kênh Ba Bò chỉ có thể xử lý được nước thải sinh hoạt ô nhiễm chứ không xử lý được nước thải công nghiệp ô nhiễm hóa chất. Do đó, nếu các nguồn nước thải từ các cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục đổ vào kênh Ba Bò như thời gian qua thì nhiều khả năng chất lượng nước thải sau khi qua hệ thống hồ xử lý cũng không đạt quy chuẩn.
Trong khi đó, nhiều lần đi dọc tuyến kênh Ba Bò (đoạn thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương) chúng tôi cũng nhận thấy nước thải đổ vào kênh nhiều lúc vẫn còn có màu nâu sẫm kèm theo mùi hôi hóa chất giống nguồn nước từ các cơ sở sản xuất công nghiệp không được xử lý hoặc xử lý không triệt để. Ngoài ra, dọc kênh vẫn còn những DN sản xuất nhỏ lẻ nối đường ống xả nước ra kênh đen ngòm.
Nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm từ Bình Dương đổ vào kênh Ba Bò. Ảnh: KB
Ngăn chặn doanh nghiệp xả thải sát bên
Một cán bộ của trung tâm chống ngập cho biết để ngăn chặn nguồn nước thải ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp từ Bình Dương, trong thời gian qua trung tâm chống ngập đã nhiều lần kiến nghị UBND TP yêu cầu phía Bình Dương kiểm soát chặt nguồn xả thải này. Song trên thực tế, nhiều thời điểm đơn vị thi công công trình cải tạo kênh Ba Bò ghi nhận nguồn nước đổ vào kênh vẫn còn dấu hiệu ô nhiễm của hoạt động sản xuất công nghiệp.
Ngoài mối lo từ các nguồn nước ô nhiễm từ Bình Dương còn thêm mối lo từ các DN hoạt động sát bên hồ điều tiết của công trình cải tạo kênh Ba Bò. Cụ thể, theo xác định của trung tâm chống ngập, hiện ít nhất có ba vị trí miệng xả từ các DN thuê đất của Quân đoàn 4 có thể xả nước thải ô nhiễm trực tiếp vào hồ. Dù trung tâm chống ngập đã nhiều lần phối hợp với Quân đoàn 4, các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường, xác định hiện trạng, yêu cầu các đơn vị thuê đất để sản xuất, kinh doanh phải xây dựng hệ thống cống dẫn nước thải về thượng nguồn hệ thống xử lý nước thải kênh Ba Bò. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trên phải đảm bảo nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải… song tình trạng này vẫn còn tồn tại kéo dài.
TP.HCM muốn tham gia kiểm soát ô nhiễm từ Bình Dương UBND TP.HCM vừa đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm soát nguồn nước thải ô nhiễm từ tỉnh này đổ về kênh Ba Bò. Đồng thời, TP cũng đề nghị phía Bình Dương cho các sở, ngành liên quan của TP được tham gia kiểm soát nguồn nước thải công nghiệp ô nhiễm đổ vào tuyến kênh Ba Bò. Việc này cần được thực hiện ngay trong tháng 9. UBND TP.HCM cho biết qua bốn khảo sát đợt gần đây, các đoàn công tác của TP xác định ngoài nước thải sinh hoạt ô nhiễm còn có nguồn nước thải công nghiệp với lưu lượng khoảng 14.500 m3/ ngày đêm (chiếm hơn 80% lượng nước thải đổ vào kênh) từ các khu công nghiệp ở Bình Dương đổ về kênh Ba Bò với nhiều thông số ô nhiễm vượt mức cho phép. Đồng thời, UBND TP.HCM đã có công văn đề nghị Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 chỉ đạo, giám sát các DN thuê đất của Quân đoàn 4 để sản xuất phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả vào hồ điều tiết kênh Ba Bò. Chỉ xử lý nước thải sinh hoạt Công trình cải tạo kênh Ba Bò chỉ nhằm xử lý nước thải sinh hoạt. Cụ thể, công trình này sử dụng công nghệ hồ sinh học với vi sinh vật hiếu khí và các thiết bị chính như máy bơm, máy khuấy, máy sục khí… nên khó có thể xử lý được nguồn nước ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Ông Lưu Văn TẤn, Trưởng phòng Quản lý nước thải của trung tâm chống ngập (chủ đầu tư công trình cải tạo kênh Ba Bò) |