Ngày 25-6, TAND TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ đối với bị cáo Châu Hoài Phương (cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng) và Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên Chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng). Hai bị cáo bị VKSND truy tố theo Khoản 1 Điều 281 BLHS 1999.
Quang cảnh phiên tòa ngày 25-6. Ảnh: NAM GIAO
Buổi sáng, sau khi Tòa thực hiện phần thủ tục chung, đại diện Luật sư bào chữa cho các bị cáo, các bị cáo có yêu cầu nhiều người làm chứng vắng mặt cần phải triệu tập đến tòa, đồng thời triệu tập đại diện Công ty sản xuất phân bón Con Cò Vàng, Kiểm định viên, Phó thủ trưởng Cơ quan ANĐT...
Lý do là phải có mặt những người này tại tòa nhằm làm rõ những vấn đề có liên quan đến vụ án. Trước các yêu cầu, Tòa tạm dừng xử để hội ý khoảng 45 phút và sau đó Chủ tọa phiên Tòa thông báo tiếp tục xét xử vụ án và đề nghị đại diện VKS giữ quyền công tố tiến hành công bố cáo trạng và việc công bố cáo trạng kéo dài đến trưa mới xong.
Buổi chiều, Tòa xét hỏi bị cáo Châu Hoài Phương xung quanh Thông tư 26/2012/TT-BKHCN về việc công nhận kết quả kiểm tra mẫu lần hai là căn cứ để xử lí đối với sản phẩm vi phạm về chất lượng hàng hóa hay không.
Bị cáo Phương cho rằng sau khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu lần hai không đạt, sáng 13-6-2016, khi họp Đoàn Kiểm tra liên ngành (KTLN) để thông báo cho DN thì lúc này phía Công ty Con Cò Vàng có đơn và đại diện đến làm việc, xác nhận là Nhà sản xuất đối với các loại phân bón đang bị Đoàn xử lý. Công ty Con Cò Vàng cho rằng sản phẩm có thể do lỗi ở khâu bảo quản trong kho lâu ngày nên có yêu cầu cho kiểm nghiệm lại lần ba.
Trước yêu cầu của Công ty Con Cò Vàng, chiều cùng ngày, Đoàn KTLN họp để giải quyết yêu cầu của nhà sản xuất. Tất cả các thành viên trong đã có ý kiến thống nhất và bị cáo là người có ý kiến kết luận cuối cùng.
Theo lý giải của bị cáo Phương, do xuất hiện nhà sản xuất nhận trách nhiệm hàng hóa đang bị kiểm tra xử lí là của mình nên không thể áp dụng Thông tư 26 mà phải áp dụng Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa để giải quyết yêu cầu của nhà sản xuất là cho kiểm nghiệm lần ba.
Mặt khác, Điều 9 Thông tư 26 chỉ qui định về quyền khiếu nại của người bán hàng khi bị xử lí vi phạm, còn trường hợp Đoàn kiểm tra cho đi kiểm nghiệm lần ba là giải quyết theo yêu cầu của nhà sản xuất. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm lần ba kết quả chất lượng đạt thì có thông báo cho các thành viên trong đoàn biết, thống nhất và làm biên bản đưa các thành viên kí, từ đó thông báo cho DN và gỡ niêm phong hàng hóa.
Bị cáo Phương cho rằng việc Đoàn kiểm tra cho đi kiểm nghiệm lần ba là đúng, vì kết quả lần ba đạt chất lượng, việc làm này không gây thiệt hại.
Bị cáo Phương và Thanh. Ảnh NAM GIAO
Trả lời tòa, các thành viên trong Đoàn KTLN như ông Trần Thanh Giảng - Phó trưởng Phòng CSKT - Công an tỉnh Sóc Trăng, ông Võ Minh Thiên - Phó chánh Thanh tra Sở NN&PTNT cũng thừa nhận thống nhất cho kiểm nghiệm mẫu lần ba và khi có kết quả kiểm tra đạt thì thống nhất ký biên bản. Theo ông Giảng, do có đơn của Nhà sản xuất yêu cầu mới đồng ý cho kiểm nghiệm lần ba.
Trả lời tòa, ông Võ Minh Thiên cũng thừa nhận chiều 13-6, họp có giải quyết khiếu nại của nhà sản xuất ông có thống nhất cho lấy mẫu kiểm nghiệm lần ba. Lý do, Thông tư 26 xử lí người bán hàng, nhưng trên thông tư thì có Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Khi nhà sản xuất nhận trách nhiệm sản phẩm và có khiếu nại thì phải được giải quyết. Nếu không giải quyết, Nhà sản xuất sẽ khiếu nại Đoàn KTLN vì xử lí sai qui định. Ngoài ra, cũng theo ông Thiên, sau khi có kết quả đạt, thông thường các thành viên được thông báo, thống nhất ký biên bản...
Việc xét hỏi bị cáo Phương kéo dài đến gần cuối giờ chiều và tòa hỏi thêm bị cáo Thanh một câu rồi tạm nghỉ để ngày 26-6 tiếp tục xét xử.
Theo cáo trạng, tháng 3-2016, Giám đốc Sở Công Thương có quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành (KTLN) vật tư nông nghiệp trên địa bàn, do Châu Hoài Phương làm Trưởng đoàn.
Ngày 13-4-2016, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra DN Hồ Mỹ Nhiên (tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) lấy ba mẫu (mỗi mẫu chia làm ba đơn vị mẫu, mỗi đơn vị mẫu một kg) của ba loại phân bón vô cơ để kiểm nghiệm chất lượng.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy ba mẫu phân bón không đạt chất lượng nên đoàn KTLN thông báo cho DN, đồng thời niêm phong các lô phân bón đã lấy mẫu có dấu hiệu giả về chất lượng.
Không thống nhất với kết quả, DN yêu cầu kiểm nghiệm lại và Đoàn KTLN gửi các mẫu còn lưu đi đánh giá và kết quả như ban đầu. Lúc này, đoàn KTLN họp và ông Phương kết luận sẽ làm việc với DN, thông báo kết quả thử mẫu lần hai rồi sẽ đề xuất hướng xử lý tiếp theo.
Sau đó, ông Phương tiếp tục họp, cho lấy mẫu phân còn lưu ở DN để đưa đi kiểm nghiệm lần ba và lần này kết quả các mẫu phân đạt chất lượng. Từ đây, lô hàng được gỡ niêm phong, giao lại cho DN.
Ngày 5-6-2017, tức khoảng sau 14 tháng, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án, khởi tố bị can Châu Hoài Phương và Ung Văn Thanh về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 BLHS 1999. Ngày 28-12-2017, Cơ quan ANĐT quyết định thay đổi tội danh với hai bị can là tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong thi hành công vụ.
Cáo trạng cho rằng bị can Châu Hoài Phương với chức vụ là Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng, Trưởng Đoàn KTLN vật tư nông nghiệp, bị can nhận thức được Thông tư số 26/2012 về quy định việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường chỉ cho phép thử nghiệm tối đa hai lần và kết quả của lần thử nghiệm lại (lần thứ hai) chính là căn cứ để xử lý, kết luận cuối cùng.
Tuy nhiên, xuất phát từ động cơ muốn củng cố uy tín cá nhân của mình, bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để quyết định cho lấy mẫu phân bón lưu giữ tại DN Hồ Mỹ Nhiên đưa đi thử nghiệm lần ba và sử dụng kết quả này để kết luận DN này không vi phạm, dẫn đến doanh nghiệp đưa 149 bao phân không đạt chất lượng ra thị trường tiêu thụ, gây thiệt hại đến uy tín của Chi cục QLTT, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng phân bón, làm thất thu ngân sách nhà nước với số tiền ít nhất là 120 triệu đồng...