Từ việc cán bộ phường Bắc Sơn (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) thu giữ rổ tôm của người bán hàng rong nhưng không lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đặt ra vấn đề phải chăng quá khó để thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục xử phạt theo đúng Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC)?
Thực tế cho thấy nếu làm bài bản theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) thì nhiều địa phương không thể “trị” được những người lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán…
Không “hốt” thì khó “trị”
Theo Luật Giao thông đường bộ, lòng đường, vỉa hè được sử dụng cho mục đích giao thông nên việc tự ý lấn chiếm, sử dụng là vi phạm. Cũng chính vì quy định này, sau một thời gian “mở” cho sử dụng tạm một phần vỉa hè để kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa thì TP.HCM quyết định cấm tiệt. Đồng thời, TP.HCM yêu cầu phạt nghiêm các vi phạm này vì đã gây cản trở giao thông, làm ảnh hưởng trật tự đô thị.
Thế nhưng dù TP.HCM liên tiếp chọn “Năm văn minh đô thị” có nội dung quan trọng là chấn chỉnh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhưng kết quả đạt được vẫn rất hạn chế.
Thực tế bàn, ghế vật dụng của người bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thường bị “tịch thu” mà không hề có biên bản. Ảnh: MP
Đáng lưu ý có một số điểm như trước BV Chợ Rẫy (trên đường Nguyễn Chí Thanh, là nơi giao nhau giữa quận 5 và quận 11), việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè gây cản trở giao thông vẫn cứ tồn tại mặc dù lãnh đạo TP.HCM nhiều lần vi hành, rồi hàng loạt các cuộc họp từ liên phường, liên quận và cả TP.HCM.
Rộng hơn, toàn TP.HCM có khoảng 3.900 tuyến đường lớn nhỏ thì chỉ gần 160 tuyến đường được lãnh đạo 24 quận, huyện cam kết chịu trách nhiệm trước UBND TP về việc giải quyết tình trạng buôn bán, đỗ xe, giữ xe lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Nhưng sự chuyển biến rất chậm nên lãnh đạo TP.HCM tiếp tục “nhấn” rằng nếu địa phương nào vẫn để vỉa hè, lòng đường chiếm dụng trái phép thì xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.
Trước sức ép này, các địa phương đồng loạt ra quân ồ ạt, xử lý vi phạm. Và từ đây, như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, người dân TP.HCM đã nhiều lần chứng kiến cảnh tượng lực lượng trật tự đô thị, cảnh sát trật tự rầm rộ ra quân và vô tư thu gom bàn ghế, dù, xe… lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thảy lên xe mà không hề lập biên bản vi phạm hành chính, cũng không có biên bản tạm giữ hay tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Linh động nhưng trái luật
Theo chủ tịch một phường ở trung tâm TP.HCM, đối với hành vi bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, tuy vi phạm tràn lan nhưng do lực lượng mỏng nên các phường không đủ người để rải ra “đóng chốt” thường xuyên.
Đa số người bán hàng rong có gia cảnh khó khăn, trong khi đó mức phạt đối với một số vi phạm khá cao. Vì thế các phường đã thực hiện việc tạm giữ phương tiện, tang vật của người dân để đảm bảo việc thi hành các quyết định xử phạt.
Về nguyên tắc, việc tạm giữ này phù hợp với quy định của Điều 125 Luật XLVPHC. Tuy nhiên, cũng theo luật này, muốn tạm giữ hay tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì phải lập thành biên bản.
Luật XLVPHC còn yêu cầu biên bản tạm giữ phải có chữ ký của người vi phạm (hoặc người đại diện) và người chứng kiến, nếu không có người vi phạm thì phải có đến hai người chứng kiến.
“Trong nhiều đợt ra quân, lực lượng chức năng “làm tắt” bằng cách tạm giữ đồ của người dân. Chứ nếu thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục thì chỉ có thể xử lý được dăm ba trường hợp, còn lại thì họ thu dọn, tẩu tán mất” - vị chủ tịch phường trên trần tình.
Theo ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP.HCM), trong việc xử lý vi phạm lòng, lề đường, nhóm bán hàng rong là khó “trị” nhất bởi hầu hết họ từ các địa phương đến nên khó giáo dục, răn đe.
Với quy định hiện hành, muốn tạm giữ hàng hóa của họ thì phải lập biên bản, ra quyết định mất nhiều thời gian, làm giảm hiệu quả trong việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm khác.
Nhiều trường hợp vi phạm sau khi bị nhắc nhở, đẩy đuổi, thậm chí xử phạt nhưng sau đó lại vi phạm. Nếu phường ra quân hoài thì tạo hình ảnh “đuổi bắt” không tốt trong mắt người dân.
“Chính thực tế này khiến chúng tôi gặp lúng túng trong việc giữ trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, trong việc thu giữ hàng hóa của người vi phạm, nếu pháp luật cho phép được tịch thu ngay thì theo tôi cũng có bất ổn. Vì biên bản tạm giữ là để ghi nhận lại sự việc, để người dân có cơ sở đến làm việc. Nếu lược bỏ có thể xảy ra tình huống người dân ở đâu đến “la làng” đòi trả đồ thì rất phiền phức” - ông Tú nói.
MINH PHONG
Chủ tịch phường mới được quyền phạt tại chỗ Điều 56 Luật XLVPHC có quy định về việc xử phạt VPHC không lập biên bản (còn gọi là phạt tại chỗ). Theo đó, người có thẩm quyền có quyền xử phạt VPHC không lập biên bản đối với trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân… Quyết định xử phạt VPHC tại chỗ phải ghi rõ hành vi vi phạm, địa điểm xảy ra vi phạm, chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm, họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt… Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt. Tuy nhiên, một chuyên gia hành chính lưu ý không phải ai đang thi hành công vụ cũng được quyền ra quyết định xử phạt tại chỗ. Theo luật trên, chỉ có chủ tịch UBND phường, chiến sĩ công an đang thi hành công vụ… mới có thẩm quyền xử phạt tại chỗ. Đáng nói là trên thực tế, chủ tịch UBND phường ít khi trực tiếp tham gia cùng lực lượng trật tự đô thị xử lý hàng rong. Từ lý do này cộng với việc những người bán hàng rong thường bỏ chạy khi nhìn thấy lực lượng chức năng mà các nhân viên thi hành công vụ khó thực hiện đầy đủ các thủ tục xử phạt VPHC. TS |