Xử lý nghệ sĩ vi phạm: Cần thiết nhưng còn nhiều trăn trở

(PLO)- Việc cấm sóng vĩnh viễn ít khi sử dụng, trừ trường hợp sai phạm nghiêm trọng, thay vào đó nên đặt ra thời hạn cụ thể để nghệ sĩ nhận ra được sai lầm và sửa sai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày vừa qua, câu chuyện xử lý nghệ sĩ vi phạm pháp luật một lần nữa được quan tâm và bàn luận khi mới đây Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết Bộ TT&TT đề xuất cấm biểu diễn, cấm sóng, cấm mạng xã hội với nghệ sĩ vi phạm pháp luật.

Cụ thể, thông tin trên được đưa ra tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023 vào ngày 22-12. Tại đây, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử), cho biết năm 2022 Bộ TT&TT đã đề xuất với Bộ VH-TT&DL xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sĩ, nghệ sĩ…) vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm mạng xã hội.

Cơ quan quản lý sẽ mạnh tay

Thông tin thêm về vấn đề trên, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết hiện nay chế tài xử phạt các vi phạm hành chính của nghệ sĩ trên môi trường mạng theo các mức 5-10 triệu đồng hoặc 10-15 triệu đồng.Tuy nhiên, theo ông Tự Do, mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe với những người nổi tiếng, nhất là những nghệ sĩ có tác động ảnh hưởng lớn. Nếu tăng tiền xử phạt lên cũng không đủ sức răn đe.

“Các nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm về phát ngôn hay quảng cáo sai phạm ngoài xử phạt hành chính sẽ có các giải pháp khác, ví dụ như khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và tới đây nữa sẽ là cắt sóng, cấm biểu diễn” - ông Tự Do khẳng định.

Quản lý văn hóa vừa phải nghiêm khắc, có biện pháp chặt chẽ nhưng cũng cần nhân văn bởi mục đích cao nhất của quản lý là phát triển chứ không phải cấm đoán. Cấm thì dễ nhưng làm thế nào để quản lý chặt chẽ mà vẫn phát triển, văn nghệ sĩ tuân thủ mà vẫn cảm nhận được sự tự do khi hoạt động đó mới là điều khó.

NSND VƯƠNG DUY BIÊN, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nêu quan điểm: Bộ TT&TT tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để làm lành mạnh không gian mạng. Theo đó, bộ sẽ xử phạt mạnh các nền tảng xuyên biên giới nếu để sai phạm, cố tình vi phạm về quảng cáo, để quảng cáo “bẩn” hoành hành.

Cùng với đó, các sở TT&TT cũng cần thực hiện nghiêm túc việc cấp phép phải tương xứng với hậu kiểm, xử lý nghiêm, không né tránh, không nể nang các sai phạm về thông tin điện tử…

“Chúng ta phải làm lành mạnh không gian mạng, nếu cấp phép mà không quản được sẽ gây rủi ro rất lớn. Sở TT&TT các địa phương, nhất là Sở TT&TT Hà Nội và Sở TT&TT TP.HCM cấp phép nhiều trang thông tin điện tử cần phải rà soát các doanh nghiệp được cấp phép trang thông tin điện tử, xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử, mạng xã hội” - ông Lâm nói.

Trả lại môi trường trong lành cho nghệ thuật

Bày tỏ quan điểm về việc cắt sóng, cấm biểu diễn đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm về phát ngôn hay quảng cáo sai phạm, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết đây là những chế tài mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo ông nên cấm sóng, cấm quay lại biểu diễn trong một khoảng thời gian nhất định hoặc vô thời hạn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng hành vi của nghệ sĩ. “Điều này sẽ trả lại môi trường trong lành cho nghệ thuật, có tác dụng tốt đối với sự phát triển đạo đức cho xã hội” - ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng đưa ra các trường hợp cụ thể đối với hành vi của các nghệ sĩ. Có những hành vi do vô tình, bồng bột, thiếu hiểu biết… có thể được dư luận xã hội tha thứ, cảm thông nhưng cũng có những hành vi nghiêm trọng, lặp lại nhiều lần không thể tha thứ được trong môi trường nghệ thuật.

“Đối với những nghệ sĩ như vậy thì cách tốt nhất là chúng ta nên loại họ ra khỏi đời sống nghệ thuật. Điều này không chỉ tốt cho xã hội nói chung mà còn tốt cho chính nghệ sĩ đó. Khi xây dựng được môi trường nghệ thuật hướng thiện, chúng ta có điều kiện để con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng tới ước mơ thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” - ông Sơn bày tỏ.

Theo NSND Vương Duy Biên, với người nghệ sĩ, có lẽ hình phạt lớn nhất là sự quay lưng của công chúng. Bị khán giả quay lưng là thất bại của nghệ sĩ.

Còn với NSƯT Lê Thiện, bà cũng cho rằng việc quản lý đối với nghệ sĩ, lĩnh vực văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng ảnh hưởng trực tiếp đến quần chúng rất nhiều. Do đó, nó rất thách thức người thực hiện và phải làm thật nghiêm túc dưới sự quản lý của Nhà nước.

“Tuy nhiên, việc cấm biểu diễn, cấm sóng thì thật tình cái này cũng không phải là mới. Đất nước chúng ta cũng đã làm và từng làm, không những bây giờ mà mấy chục năm về trước, vì cái này thuộc về phạm trù đạo đức. Khi học diễn viên, lúc còn trên ghế nhà trường sẽ có bộ môn gọi là đạo đức diễn viên gắn liền với các hoạt động biểu diễn của người nghệ sĩ trên sân khấu.

Nghệ sĩ là người phản ánh nội dung các tác giả bằng xương bằng thịt đến với quần chúng bằng cả tâm hồn. Do đó, nghệ sĩ phải là tấm gương sáng để có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, gần đây có quá nhiều sự việc tranh cãi liên quan đến nghệ sĩ, do đó cái điều cấm là cần thiết, mang tính giáo dục không những cho bây giờ mà để cho mai sau. Tôi nghĩ đó là điều rất cần” - NSƯT Lê Thiện bày tỏ.

Không nên dùng từ “phong sát”

Bên cạnh việc đồng ý với vấn đề xử lý nghệ sĩ vi phạm, NSND Lê Thiện vẫn còn trăn trở với việc dùng từ “phong sát” mà một số báo chí đã và đang đề cập.

Nữ nghệ sĩ cho rằng: “Để dùng từ “phong sát” tôi lại thấy chưa hiểu, chưa thông. Đặt vấn đề đúng, về bản chất đúng nhưng dùng từ “phong sát” nghe nó thế nào ấy. Tôi chưa ngộ ra được vấn đề này nhưng đại khái trong lòng tôi thấy nặng nề quá”.

Cùng chung ý kiến, NSND Bạch Tuyết trải lòng: “Tiếng Việt có nhiều từ đẹp lắm sao không dùng, cần gì phải dùng từ nước ngoài”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm