Mới đây, sự việc ông Lương Hữu Phước (TP Đồng Xoài, Bình Phước) nhảy lầu tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước gây hoang mang dư luận. Ông Phước đang chở bạn là ông Trần Hữu Quý thì xảy ra tai nạn khiến ông Quý tử vong, ông Phước bị tòa kết án tù.
Những vụ tương tự
Không chỉ trường hợp ông Phước mà còn nhiều vụ án khác tương tự, nhưng kết quả xử lý thì khác.
Tối 27-3-2015, chị Thạch Thị Bé Trúc chạy xe máy chở bạn Nguyễn Thị Ngọc thì va chạm với một xe ô tô làm chị Ngọc tử vong. Vụ án này, TAND huyện Củ Chi đã từng nhiều lần mở phiên xử và trả hồ sơ điều tra bổ sung…
Sau đó, công an huyện Củ Chi cho rằng trong quá trình điều tra do chuyển biến tình hình mà hành vi của Bé Trúc không còn gây nguy hiểm cho xã hội, phần dân sự đã giải quyết dứt điểm. Vì vậy, CQĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can với Bé Trúc.
Hiện trường sau tai nạn vụ án ông Lương Hữu Phước. Ảnh hồ sơ án
Giữa tháng 4-2012, chị Tiết Lệ Trân chạy xe máy chở bạn tên Vân va chạm với một chiếc xe tải. Hậu quả, chị Trân bị gãy tay (thương tật 13%) còn bạn chị Vân bị xe tải cán qua đùi gây tổn hại sức khỏe 85%.
Sau đó, chị Trân bị VKSND huyện Bình Chánh truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. TAND huyện Bình Chánh nhiều lần đưa ra xét xử và trả hồ sơ...
Đến tháng 10-2018, công an huyện Bình Chánh ra quyết định đình chỉ điều tra đối với chị Trân vì đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội...
Xử lý cần thấu tình đạt lý
Theo Luật sư (LS) Trương Thị Minh Thơ, đoàn Luật sư TP.HCM, đối với các vụ án TNGT có tình chất như trên luôn khiến bà trăn trở.
Theo LS Thơ, khi có đủ căn cứ chứng minh họ phạm tội, việc dựa trên các quy định của pháp luật để kết tội và đưa ra mức hình phạt theo điều luật là không khó. Tuy nhiên luật cũng quy định khi xét xử từng vụ án, thẩm phán và HĐXX cần phải xem xét toàn diện cả về lý lẫn tình, về nhân thân, nhất là hoàn cảnh của các bị cáo.
LS Phạm Tuấn Anh đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng để truy tố, kết tội đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì trước tiên phải chứng minh được là hành vi của bị cáo đã vi phạm quy định nào trong Luật Giao thông đường bộ.
Kế đến là phải chứng minh được hành vi vi phạm đó có là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn, hay nói cách khác đó là mối qua hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.
Muốn vậy phải mổ xẻ, phân tích, điều tra hành vi, phương tiện của tất cả các bên tham gia giao thông (cả nạn nhân, bị cáo, bên thứ ba liên quan), lời khai của những người chứng kiến.
Lúc đó mới đánh giá toàn diện, khách quan, xử đúng người, đúng tội. Không ít các vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ tập trung chứng minh hành vi của bị cáo là chưa đủ căn cứ kết tội.
LS Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM thì cho rằng, giải quyết loại án này thì yếu tố lỗi của người tham gia giao thông có ý nghĩa quan trọng để xác định TNHS. Tòa sẽ căn cứ vào tính chất nguy hiểm của vụ án, mức độ lỗi của từng chủ thể để tuyên hình phạt phù hợp.
Theo LS Long, tội vi phạm qui định về tham gia giao thông đường bộ, ngay tại khung hình phạt nhẹ nhất là khoản 1 Điều 260 BLHS (hình phạt tù từ 1 năm đến 5 năm) đã là tội phạm nghiêm trọng.
Tuy nhiên cũng có loại hình phạt chính khác là phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ. Tức là luật đã giao cho tòa án có quyền phán quyết về loại hình phạt áp dụng có biên độ rất rộng để lựa chọn (phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù).
Quy định thể hiện tính nhân văn Một số vụ án mà người vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chính người thân của mình thì việc áp dụng mức án cần phải cân nhắc thấu đáo theo từng trường hợp cụ thể. Nỗi đau mất người thân do sự cẩu thả, tắc trách của họ và sự nghiêm khắc của pháp luật là sự trừng phạt kép mà người vi phạm phải chịu, khác hẳn những trường hợp phạm tội khác. Điều 260 BLHS cũng đã dự liệu đến những tình huống tương tự nên có khung hình phạt rất rộng để tòa án cân nhắc áp dụng cho những trường hợp nghiệt ngã như trên. Cạnh đó, khoản 3 Điều 29 BLHS có quy định người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS, thì có thể được miễn TNHS. Đây là quy định rất tiến bộ, được áp dụng cho những trường hợp thuộc khoản 1 Điều 260 BLHS, thể hiện sự khoan hồng, đậm chất nhân văn của pháp luật hiện hành. LS VŨ PHI LONG, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM |