Xử nghiêm tham nhũng ‘cỡ bự’ để thu hồi tài sản

Ngày 5-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về báo cáo của các cơ quan tư pháp, báo cáo phòng, chống tham nhũng 2019, báo cáo chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Chính phủ. Các đại biểu (ĐB) đồng tình với đánh giá tham nhũng đã có chiều hướng thuyên giảm nhưng lại biến tướng và đề nghị xử lý nghiêm.

“Cỡ bự chứ không vừa đâu”

ĐB Nguyễn Văn Được (Hà Nội) mừng khi một số vụ án lớn đã được đem ra xét xử nhưng ông nhận định: “Theo tôi, chưa triệt để, đâu đó vẫn còn vùng cấm, giơ cao đánh khẽ. Tôi đề nghị tới đây phải làm quyết liệt”.

ĐB Được là chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông bảo trong khi nhân dân và cựu chiến binh hiến hàng triệu m2 đất cho lợi ích công thì lại có những lợi ích nhóm, có những cá nhân “cỡ bự” thiếu trách nhiệm gây thất thoát lớn. “Thậm chí cỡ bự này còn dã tâm tham nhũng của Nhà nước, của nhân dân hàng ngàn tỉ đồng” - ông Được nói và đề nghị phải xử lý nghiêm minh, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước.

Ông Được còn đề nghị những trường hợp nào xử lý nội bộ cũng phải công khai, thông báo họ tham nhũng những gì, có bao nhiêu tiền để dân chúng biết.

“Có những vụ án chúng ta chỉ xử lý nội bộ nhưng tiền của có thể họ ăn cả đời không hết. Vậy, không biết họ học Bác Hồ ở chỗ nào? Người đứng đầu nêu gương ở chỗ nào? Đây là một vấn đề mà chúng ta cần phải suy ngẫm” - ông Được nói.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho hay: Không ít người lo ngại rằng chống tham nhũng và xử lý tội phạm kinh tế, tội phạm chức vụ rộng, mạnh, quyết liệt sẽ kìm hãm sự phát triển, làm khó cho công chức thực thi công vụ. Ông Hiểu bày tỏ: “Theo tôi, đây là quan điểm sai lầm và ác ý, thực tiễn đã chứng minh và bác bỏ quan điểm này”.

ĐB Hiểu nói tuy chống tham nhũng quyết liệt nhưng kinh tế liên tục tăng trưởng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Bởi vì chống tham nhũng là chống cái sai, cái xấu, cái tiêu cực và sự trì trệ, chứ không chống cái đúng, tích cực và sự sáng tạo.

“Chống cái sai, cái tiêu cực là sự dọn đường, tạo mảnh đất tốt cho cái mới, cái tích cực, cái tiến bộ sinh sôi, phát triển” - ĐB Hiểu nói.

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình): Tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng tinh vi và được che đậy bằng nhiều thủ đoạn. Ảnh: QH

Tham nhũng vặt trên thực tế rất nghiêm trọng

ĐB Được đề cập tới tham nhũng vặt và nhũng nhiễu. Ông đồng tình với báo cáo của Chính phủ nhưng dẫn ra ví dụ sinh động. “Lâu nay người dân làm nhà, sửa nhà, kinh doanh, buôn bán được cơ quan chức năng cho phép. Nhưng nhiều lực lượng chức năng nhiều lần “hỏi thăm sức khỏe”, đặt vấn đề này kia, nêu điều kiện, nếu không sẽ thế này thế khác, chưa nói chuyện phong bì, chưa nói chuyện bữa ăn” - ĐB được nói.

Tham nhũng còn biểu hiện tinh vi

Cử tri nói lò lửa chống tham nhũng đang cháy, sức nóng của dư luận đang dâng cao và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tế nạn tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành.

ĐB BỐ THỊ XUÂN LINH (Bình Thuận)

Che đậy bằng nhiều thủ đoạn, có tổ chức

Tôi muốn lưu ý với Quốc hội, mặc dù nạn tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có hướng thuyên giảm như báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên tôi cho là tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng tinh vi và được che đậy bằng nhiều thủ đoạn, có hệ thống và có tổ chức.

ĐB NGUYỄN TIẾN SINH (Hòa Bình)

Quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý

Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo tinh thần làm rõ đến đâu xử lý đến đó đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm tham nhũng.

Tuy nhiên, một số mặt trong công tác phòng, chống tham nhũng chuyển biến còn chậm. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nói chưa đi đôi với làm, thiếu gương mẫu, thậm chí có hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu 

Ông Được coi đây là vấn đề nhức nhối, dân bức xúc nhưng không dám phản hồi, không dám phản ánh. “Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần giáo dục cho lực lượng chức năng này thật tốt, thật kỹ để thực thi nhiệm vụ của từng ngành, lấy lại lòng tin và tín nhiệm với dân, nếu không chúng ta mất lòng tin” - ĐB Được kiến nghị.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng: Một cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ trong thực thi nhiệm vụ công vụ nhũng nhiễu thì gọi là tham nhũng vặt, loại tham nhũng này tạo nhiều bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

ĐB Sinh phân tích: “Nếu hành vi này có sự chỉ đạo, làm ngơ, thậm chí có sự ăn chia của người lãnh đạo, quản lý một cách có hệ thống thì công tác phát hiện, đấu tranh ngăn chặn gặp vô cùng khó khăn”. ĐB Sinh cho rằng tham nhũng vặt trong báo cáo của Chính phủ chỉ là “tảng băng chìm”, còn thực tế thì rất nghiêm trọng.

“Hãy nhìn vào hiệu quả công tác quản lý lãnh đạo của Nhà nước sẽ thấy điều gì tạo nên một hiện trạng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ suy thoái, biến chất, năng lực hạn chế nếu không xuất phát từ tham nhũng trong công tác cán bộ? Điều gì đằng sau những tòa nhà sai phép, không phép, hàng trăm căn hộ sai thiết kế vượt tầng, nếu không phải là tham nhũng làm ngơ trong công tác quản lý?” - ĐB Sinh đặt vấn đề.

Siết chặt việc kê khai tài sản

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Hà Nội) thì dẫn báo cáo của Ủy ban Tư pháp, trong đó nói “hơn một triệu người kê khai tài sản chỉ xác minh, phát hiện được 10 trường hợp vi phạm, nghĩa là tăng có hai người so với năm 2018. ĐB Hiếu coi đây là một dấu hỏi lớn về tính trung thực trong kê khai tài sản.

Là ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ĐB Hiếu kể: Khi tham gia thẩm định việc phê chuẩn, bổ nhiệm đại sứ, đọc bản kê khai tài sản của các vị trí đại sứ tương lai, ông thấy rất nhiều vị trí ở mục tài khoản trong ngân hàng có trên 50 triệu đều ghi là không có.

“Giai đoạn tới chúng ta cần rà soát, siết chặt kỷ cương, nghiêm túc trong việc kê khai tài sản cá nhân, công bố các nguồn thu và đặc biệt cần công khai thuế thu nhập cá nhân ở các vị trí quản lý lãnh đạo” - ông Hiếu đề xuất. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm