Xử nhẹ tay, giấy tờ giả lộng hành

Pháp Luật TP.HCM ngày 24-8 phản ánh tình trạng nhiều người khi mua nhà đã kiểm tra kỹ giấy tờ, lên quận hỏi thăm, tới coi nhà nhiều lần, ra công chứng xong xuôi mới chồng tiền. Thế nhưng tới khi nhận nhà, họ mới té ngửa khi biết mình đã bị lừa đảo bằng giấy tờ giả được làm rất tinh vi. Vì sao cơ quan chức năng vẫn chưa thể triệt được vấn nạn này?

Văn phòng công chứng Gia Định đã trang bị thiết bị nhận diện giấy tờ giả để hạn chế thấp nhất tình trạng làm giả giấy tờ. Ảnh: CT

Ông HOÀNG MẠNH THẮNG, Trưởng phòng Công chứng số 7: Hiếm có vụ nào bị xử lý hình sự

 

Theo tôi, tìm ra người giả mạo giấy tờ là mấu chốt của vấn đề và cơ quan công an đủ khả năng làm điều này. Nhưng có vẻ phía công an còn thiếu quan tâm tới những sự vụ này mặc dù dấu hiệu hình sự đã rõ. Hành vi giả mạo giấy tờ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giá trị lớn là tội phạm hình sự, không phải hành chính hay dân sự.

Khi phát hiện người sử dụng giấy tờ giả mạo, Phòng Công chứng số 7 đều có văn bản báo cho công an đề nghị khởi tố hình sự. Thế nhưng sau đó những người này đều được thả ra rồi lại chạy qua nơi khác để lừa tiếp. Từ đó đến giờ, tôi thấy chỉ có duy nhất một vụ người làm giả giấy tờ để bán căn nhà của mình bị xử lý hình sự. Còn lại các trường hợp khác chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính, tịch thu giấy tờ.

Việc cơ quan chức năng xử lý quá nhẹ tay khiến những kẻ phạm tội không e sợ. Họ bị chỗ này phát hiện thì lại chạy qua chỗ khác lừa. Người mua ngay tình hợp pháp chỉ còn cách kiện ra tòa dân sự. Như vậy tính răn đe cho hành vi làm giả giấy tờ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất thấp. Tôi rất bức xúc trước việc này và kiến nghị phải khởi tố hình sự với những trường hợp trên.

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM: Không xử lý hình sự là bỏ lọt tội phạm


Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến phải xử lý hình sự hành vi giả mạo giấy tờ để lừa người khác khi mua bán nhà, đất. Đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nên công an cần vào cuộc. Người làm giả giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác phải bị xử lý hình sự, không thể chỉ xử lý hành chính hay cho rằng đây là quan hệ dân sự giữa hai bên mua bán nhà, đất.

Việc giả mạo giấy tờ để lừa bán nhà, đất gây ra hậu quả rất lớn, thiệt hại lên tới hàng tỉ đồng. Nếu hành vi này không bị xử lý thích đáng thì sẽ không đủ sức ngăn ngừa, răn đe tội phạm. Thực tế cho thấy có những người lừa đảo bị phát hiện ở nơi này lại qua nơi khác lừa tiếp. Tôi cho rằng việc chỉ xử lý hành chính hành vi giả mạo giấy tờ nhà, đất để mua bán sẽ dẫn đến bỏ sót tội phạm.

Ông TRẦN QUỐC PHÒNG, Trưởng Văn phòng công chứng Gia Định: Báo công an, công chứng viên còn cực thêm


Quá lo ngại giấy tờ giả, văn phòng công chứng (VPCC) của tôi đã trang bị hẳn nhân sự và thiết bị nhận diện giấy tờ giả. Khi phát hiện, theo lý thuyết là phải báo các cơ quan chức năng nhưng chúng tôi cũng ít thực hiện mà chỉ lập biên bản, giữ bộ giấy tờ giả mạo. Nếu đương sự vẫn chối cãi, không đồng ý đây là giấy tờ giả thì chúng tôi mới dọa sẽ báo công an hay mời Sở Tư pháp lập biên bản phạt hành chính. Khi nghe đến đó, hầu hết đương sự đều bỏ của chạy lấy người.

Tôi cũng biết có nhiều người lừa chỗ này không được thì chạy qua nơi khác lừa tiếp. Nhưng thật tình chúng tôi ngại báo cho công an vì mất công mất sức mà kết quả đương sự cũng được thả ra, chỉ giữ lại bộ giấy tờ để kiểm định. Trong khi đó, công chứng viên (CCV) phải khai báo đủ thứ vừa mất thời gian vừa bị ức chế.

CCV PHAN VĂN CHEO, Trưởng VPCC Sài Gòn: Cần một hội nghị bàn tròn giữa các bên


Nói cơ quan công an không nhiệt tình xử lý giấy tờ giả mạo thì cũng chưa hẳn. Bởi tại thời điểm CCV báo công an thì cũng chỉ là nghi vấn có hiện tượng làm giả giấy tờ, giả chủ nhà… Lúc này cơ quan công an không thể bắt giữ họ mà chỉ có thể mời lên làm việc rồi phải thả.

Tuy nhiên, sau khi đã có kết quả kiểm định cho thấy có hành vi làm giả mạo giấy tờ của Nhà nước, có thiệt hại xảy ra thì theo tôi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Khi ấy nếu lực lượng chức năng không khởi tố hình sự thì quả thật không đủ sức răn đe người vi phạm. Đúng như các CCV nhận xét, họ sẽ in vài bộ giấy tờ rồi chạy qua các tổ chức hành nghề công chứng khác và chắc chắn sẽ có nơi trót lọt.

Nếu không có những chỗ dựa vững chắc, CCV dù kinh nghiệm tới mấy cũng khó lòng kiểm soát được. Giấy tờ giả mạo vì kỹ thuật in quá tinh vi, thủ đoạn ngày càng khó phát hiện. Đặc biệt, tình trạng hợp đồng giả cách, danh nghĩa là họ lập hợp đồng mua bán hay ủy quyền nhưng thực chất là giải quyết quan hệ vay-mượn tín dụng đen, nguyên nhân dẫn tới giấy tờ giả mạo lại càng phức tạp. Việc bên bị hại khởi kiện ra tòa để tuyên hợp đồng vô hiệu không phải dễ dàng. Bên mua rất khó lấy lại tiền nếu bên bán đã tiêu xài hết. Và quan trọng là lúc này mục đích đấu tranh ngăn ngừa phòng, chống tội phạm bị ảnh hưởng. Khách hàng thì mất niềm tin vào CCV.

Tôi rất mong có một buổi tọa đàm bàn tròn giữa các cơ quan, từ CCV đến công an, Sở Tư pháp… để thảo luận về vấn đề này nhằm tìm ra nguyên nhân, hướng xử lý thỏa đáng nhất.

 

Đã báo công an nhưng chưa được giải quyết xong

- Bà Đoàn Thị Phú mua qua đấu giá căn nhà 62D/31 Nguyên Hồng, quận Bình Thạnh (TP.HCM) do ngân hàng phát mại. Tháng 3-2014, Cơ quan CSĐT quận Bình Thạnh có công văn xác minh giấy chứng nhận mà bà Phú được giao là giấy tờ giả mạo, được làm theo phương pháp in lưới. Tháng 2-2015, cơ quan này có kết luận điều tra cho hay vụ việc thuộc thẩm quyền điều tra của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) - Công an TP.HCM nên chuyển toàn bộ hồ sơ kèm theo giấy chứng nhận (giả) cho nơi mới thụ lý. Đến nay chưa thấy kết quả ra sao.

l Ông Phạm Văn Hòa mua căn nhà F29 cư xá Phú Lâm B, quận 6 (TP.HCM). Tới khi nhận nhà, ông phát hiện chủ nhà không phải là người bán nên gửi đơn tố giác tới Công an quận 6. Tháng 6-2015, Công an quận 6 có thông báo cho hay do tài sản bị chiếm đoạt trên 500 triệu đồng nên đã chuyển đơn của ông Hòa về PC45 thụ lý theo thẩm quyền.

Tiêu điểm

Cuối tháng 7-2015, Pháp Luật TP.HCM gửi văn bản đến PC45 - Công an TP.HCM đề nghị được trao đổi về những phản ánh của người dân và các CCV liên quan đến việc xử lý người giả mạo giấy tờ nhà, đất. Tuy nhiên, đến nay cơ quan này vẫn chưa phản hồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới