Xứ sở hạnh phúc

Đã nghe khá nhiều những lời “dọa dẫm” về hành trình này nhưng tôi không hình dung đến được Tây Tạng lại cực nhọc như vậy.

Chạm vào xứ sở huyền bí

22 giờ 30 ra sân bay Tân Sơn Nhất nhưng phải đến hơn 4 giờ chiều hôm sau máy bay mới đến Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng. Mười mấy giờ đồng hồ vạ vật từ chặng bay này qua chặng bay khác, máy bay dằn xóc dữ dội, ai nấy mệt mỏi rã rời.

Thế nhưng cảm giác uể oải trong tôi lập tức tan biến khi chuẩn bị đáp xuống sân bay tại Lhasa. Tây Tạng bù đắp cho tôi bằng một cảnh tượng thần tiên với những đám mây trắng trôi trên hàng trăm, hàng ngàn đỉnh núi nhấp nhô. Tây Tạng đây rồi! Cuối cùng tôi cũng đã có thể chạm vào giấc mơ được đặt chân đến xứ sở của các thánh thần.

Quá phấn khích, tôi quên mất lời dặn dò: “Đi chậm, hạn chế nói chuyện, thở đều để đỡ sốc vì độ cao” khi bước ra khỏi máy bay. Đã có một anh thanh niên trong đoàn không chịu nổi, ngồi bệt xuống đất, mặt không còn chút máu. Ngày hôm sau, trong đoàn có thêm hai người nhập viện vì không thở được, đau đầu, ói mửa. Ai cũng bị chảy máu cam, đặc biệt là đau đầu và ngạt thở từ buổi chiều trở đi. Những ngày tôi ở đây được xem là lúc mà thời tiết Tây Tạng đẹp và dễ chịu nhất trong năm. Vậy mà không có đêm nào tôi ngủ được vì đau đầu và ngạt thở. Thức ăn ở Tây Tạng cực kỳ khó ăn, một kẻ rất dễ tính và hay đi bụi như tôi cũng chào thua. Tây Tạng cũng chẳng có Internet hay tivi (ít ra ở khách sạn nơi tôi lưu trú).

Cung điện Potala ở Lhasa, từng là nơi trị vì của đức Dalai Lama, thủ lĩnh tinh thần của Tây Tạng. Ảnh: CẨM TÚ

Nhưng những thiếu thốn ấy nào có đáng kể chi so với việc đón nhận bao nhiêu điều tuyệt vời từ Tây Tạng.

Lhasa - thành phố của ánh sáng

Về Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi lại tha thiết nhớ màu trời trong vắt lạ lùng của Tây Tạng. Trời xanh, nắng vàng thì đã trông thấy nhiều nhưng màu trời trong vắt như pha lê không vương chút bụi ở Tây Tạng thì lần đầu tiên tôi cảm nhận. Lhasa sở hữu hai tên gọi đẹp đẽ “Thành phố của các chư thiên” và “Thành phố của ánh sáng”, mặt trời đến hơn 21 giờ mới chịu đi ngủ. Lhasa sạch như lau và rất nhiều cây xanh. Lhasa hiện đại hơn tôi nghĩ rất nhiều. Nhưng Lhasa vẫn là Lhasa khi tôi trông thấy những người Tạng hành hương nằm rạp trên đường.

Cung điện Potala ở Lhasa lộng lẫy mà giản dị, vừa trang nghiêm lại vừa gần gũi. Trong đời mình, chưa khi nào tôi có cảm giác rõ rệt về một niềm hạnh phúc vỡ òa trong tim như thế khi mà hết sức tình cờ, trong đêm, tôi vén rèm cửa phòng và chợt nhìn thấy cung điện đang ở đó. Tôi ngồi bên khung cửa sổ, một mình ngắm vùng lung linh mờ ảo trong nền trời thẳm tối khi đất trời đã ngủ yên mà lòng thật dịu dàng và bình yên.

Trong cung điện Potala, phần chỗ ở của đức Dalai Lama, thủ lĩnh tinh thần của Tây Tạng rất khiêm tốn và đơn sơ. Chủ yếu trong cung điện dành để thờ phụng những vị Phật và những vị có nhiều công lao, dấu ấn với người Tạng, những pho kinh sách và tháp táng của các vị Dalai Lama đời trước. Với những biến cố xảy ra, cung điện Potala từ lâu rồi không còn là chỗ trị vì của đức Dalai Lama, nơi đây đã trở thành di tích. Nhưng từ những góc nhỏ của cung Potala vẫn âm vang lời lầm rầm cầu nguyện “Om mani padme hum” của các vị sư hay của những người Tạng hành hương. Những ngọn nến thắp bằng mỡ con trâu yak với mùi nồng nồng gây gây vẫn cháy mãi ở nơi đây.

Chuyển kinh luân xoay mãi trên tay là hình ảnh đặc biệt nhất ở Tây Tạng. Ảnh: CẨM TÚ

Buổi sáng, hàng đoàn người Tạng tay cầm tràng hạt, tay cầm chuyển kinh luân xoay mãi không ngừng vẫn nối nhau về đây hành hương. Những ngôi chùa khác cũng thế. Rồi những cô gái bé nhỏ không quản trời nắng, núi cao, trên vai cõng những viên gạch nặng trĩu lên xây tu viện Tashilunpo. Họ không quan tâm đến những chiếc máy ảnh tò mò của du khách, cũng không bị ảnh hưởng bởi những kẻ tò mò, họ dường như chỉ dành trọn tâm trí, một lòng một dạ hướng đến niềm tin của mình. Thật sự mỗi khi chen vào chụp ảnh, tôi vô cùng áy náy, như thể mình đang cắt ngang giây phút thiêng liêng thành tâm của họ vậy. Cho nên sau này tôi luôn dặn mình phải cúi đầu chào và xin phép được chụp ảnh những khi họ đang rảnh rỗi nghỉ ngơi. Và đáp trả lại tôi luôn là những nụ cười thân tình, ấm áp trên gương mặt đỏ và đen như đồng, hai bên gò má nám đen vì quanh năm họ nung người dưới ánh mặt trời. Những người Tạng mà tôi gặp ở ngôi chùa cổ Balkhor trên đường đến Shigatse còn nồng nhiệt sẻ chia cho tôi từng chiếc bánh, ngụm nước mà họ mang theo làm lương khô. Dường như họ từ xa lặn lội đi bộ tới nơi này. Tôi nhìn vào những chiếc túi, chỉ thấy có dăm chiếc bánh bột gạo cứng queo, vài củ khoai tây luộc và một bình trà bơ. Nhưng tôi cũng nhìn thấy sự bình an hoan hỉ tràn đầy trên gương mặt họ.

Shigatse - khúc trữ tình

Rời Lhasa, tôi lên đường đi Shigatse để viếng thăm những tu viện nổi tiếng, hồ thiêng và dòng sông băng Karola huyền thoại. Đoạn đường gần 450 km băng qua những ngọn núi cao bốn, năm ngàn mét quanh co khúc khuỷu. Nhà truyền thống của người Tạng thường có kiến trúc hình chữ nhật, bốn góc trên mái nhà treo đầy cờ phướn. Hàng rào giắt đầy những bánh phân trâu yak tròn xoe, thứ nhiên liệu phổ biến ở nơi đây.

Cỗ xe ngựa tại thị trấn cổ trên đường đến Shigatse. Ảnh: CẨM TÚ

Những hàng đá cầu nguyện xếp dài đường đi và hồ thiêng. Ảnh: CẨM TÚ

Đường đến Shigatse ngang qua những thảo nguyên mênh mông với những bầy cừu trắng. Giữa những ngọn núi cao hơn 5.000 m lại xuất hiện một hồ nước xanh biếc, không gợn chút sóng. Người Tạng gọi đây là hồ thiêng Yamdrok. Mặc cho trời lạnh như cắt, mặc cho tim đập mạnh, chân run chỉ muốn ngất đi, tôi vẫn quyết không bỏ lỡ một giây phút quý báu nào khi xe dừng lại dăm phút. Tôi chạy đến chạm vào nước hồ, nhặt một vài viên đá cuội và cũng xếp một viên vào những hàng đá dài quanh hồ được những người hành hương chồng lên nhau thay cho những lời ước nguyện. Đối với tôi, hồ thiêng đẹp lắm rồi nhưng vẫn có người xuýt xoa cho hay màu xanh của nước hồ đã không còn xanh biêng biếc như trước nữa vì Trung Quốc đang cho xây thủy điện ở nơi đây. Không biết con người còn đối xử tàn bạo với thiên nhiên đến thế nào?

Trên đường đến tu viện nổi tiếng Tashilunpo ở Shigatse, tôi còn được trông thấy dòng sông băng Karola trên những đỉnh núi. Những ngọn núi này đã hàng ngàn năm tuyết phủ, vĩnh viễn không bao giờ tan chảy. Nhưng mới đây, nghe nói rằng do biến đổi khí hậu mà băng trên đỉnh Hymalaya cũng đã tan một ít. Nhưng điều lưu luyến nhất trong tôi trên chặng đường dài chính là cổ trấn bé nhỏ gần chùa Balkhor. Trên đường là những cỗ xe ngựa. Trong sân những ngôi nhà thấp thoáng bóng dáng những chú ngựa. Thị trấn cổ xưa bé nhỏ và thanh bình.

* * *

Xin mượn lời kết đẹp như thơ như hoa trong vở nhạc kịch Happiness on the way của đạo diễn Trương Nghệ Mưu để nói với mọi người về Tây Tạng: “Đến Tây Tạng, bạn đang đến với hòa hợp và hạnh phúc. Rời Tây Tạng, bạn đã nắm giữ hạnh phúc trên đường đời. Hãy hồi tưởng lại Tây Tạng trên những đám mây trắng. Con đường đến hạnh phúc luôn trải dài. Bài tụng ca về hạnh phúc mãi vang xa. Niềm tin và mưu cầu về hạnh phúc sẽ bừng cháy. Hạnh phúc đang ngay trên con đường chúng ta đi”.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới