Xử vắng mặt bị cáo sai luật

Mới đây, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm, tuyên hủy án vụ chị em Vũ Thị Thu Hương và Vũ Xuân Đức hủy hoại tài sản, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu.

Va chạm nhỏ thành chuyện lớn

Tối 1-4-2013, trước cửa một căn nhà ở đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), giữa bị cáo Thu Hương và Nguyễn Thị Thanh Hương xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Thanh Hương cầm cây kéo quơ trúng thái dương bên phải của Thu Hương rồi bỏ về nhà.

Lúc này, Thu Hương về nhà lấy dao qua nhà Thanh Hương. Thấy chị bị chảy máu, Đức hỏi thăm rồi cầm theo một tuýp sắt, cùng chị đến nhà Thanh Hương. Đến nơi, Thanh Hương đóng cửa không ra. Đức bèn dùng tuýp sắt đập bể bờ tường đá hoa cương trước cửa nhà và đập xe máy của Thanh Hương, Thu Hương cũng dùng dao chém vào xe máy của Thanh Hương rồi cả hai bỏ về.

Ba ngày sau, Thanh Hương tố cáo ra công an. Theo kết quả định giá, tổng thiệt hại là hơn 3 triệu đồng nên Thu Hương và Đức bị khởi tố, truy tố về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo khoản 1 Điều 143 BLHS nhưng được tại ngoại điều tra.

Tháng 2-2015, TAND quận 3 đã xử vắng mặt hai bị cáo. Theo tòa, về tố tụng, tòa đã tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử và triệu tập hai bị cáo đúng quy định nhưng hai bị cáo vẫn cố tình vắng mặt, chứng tỏ ý thức chấp hành pháp luật không cao. Tuy nhiên, tòa xét thấy hai bị cáo phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn, người bị hại cũng có một phần lỗi nên chỉ phạt mỗi bị cáo sáu tháng tù treo, đồng thời buộc họ liên đới bồi thường cho người bị hại hơn 3 triệu đồng. Sau phiên xử, người bị hại kháng cáo đề nghị tăng mức hình phạt với hai bị cáo và tăng mức bồi thường thiệt hại.

Khi nào xử vắng mặt bị cáo?

Theo TAND TP.HCM, tòa sơ thẩm xử vắng mặt hai bị cáo trong trường hợp trên là không đúng. Bởi lẽ hai bị cáo không bỏ đi khỏi nơi cư trú, chỉ không chịu ký nhận các văn bản tố tụng vì cho rằng họ không phạm tội. Khi mở phiên tòa, nếu hai bị cáo không chấp hành lệnh triệu tập có mặt tại phiên xử thì tòa ra quyết định áp giải họ đến. Ngoài ra, lời khai của các nhân chứng có mâu thuẫn và việc định giá thiệt hại trong vụ án cũng chưa rõ...

Về mặt pháp lý, một thẩm phán chuyên xử hình sự đồng tình với phân tích của tòa phúc thẩm. Ông cho biết BLTTHS quy định bị cáo phải có mặt tại phiên xử theo giấy triệu tập của tòa. Nếu bị cáo vắng mặt không có lý do chính đáng thì sẽ bị áp giải để tham dự phiên tòa. Việc bị cáo có mặt tại phiên tòa không những làm cho việc xét xử được thuận lợi mà còn để đảm bảo tính khách quan, có lợi cho chính bị cáo vì bị cáo có cơ hội để trực tiếp trình bày quan điểm, tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa.

Theo BLTTHS, tòa chỉ được xét xử vắng mặt bị cáo trong ba trường hợp: Thứ nhất là bị cáo đang bỏ trốn và việc truy nã chưa có kết quả. Thứ hai là bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa. Thứ ba là nếu sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.

Ở trường hợp cuối cùng này, đánh giá sự vắng mặt của bị cáo có gây trở ngại cho việc xét xử hay không thì phải đạt được sự đồng thuận giữa tòa, đại diện VKS và luật sư (nếu có).

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới