Xuất khẩu vượt khó: Chia sẻ đơn hàng, giữ chân công nhân

(PLO)- Khó khăn trong xuất khẩu của Việt Nam một phần là do phụ thuộc quá lớn vào các quốc gia khác về nguyên vật liệu như vải, linh kiện các loại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giải pháp tìm kiếm thị trường mới, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do… được nhiều doanh nghiệp (DN) nêu ra tại diễn đàn xuất khẩu 2022 do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM tổ chức ngày 8-12.

Cố gắng giữ chân người lao động

Ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn do sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, lo lắng năm 2023 bức tranh xuất khẩu của ngành có thể là màu xám nếu thị trường không khởi sắc trở lại.

Cảnh báo xuất khẩu “ngủ đông”

Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo cho rằng có những dấu hiệu cho thấy đã đến lúc ngành xuất nhập khẩu của VN cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới.

Thực tế, trong tháng 11-2022, lần đầu tiên trong vòng hai năm, VN chứng kiến mức sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước trong tăng trưởng xuất khẩu, suy giảm ở tất cả lĩnh vực. Ví dụ lĩnh vực điện tử và dệt may, da giày, hai trụ cột xuất khẩu của VN, đã giảm tốc.

“Các đơn hàng toàn cầu giảm mạnh, ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu châu Á. VN cũng không ngoại lệ” - Ngân hàng HSBC giải thích.

“Đơn hàng trong quý I-2023 của các DN dệt may tại TP.HCM đều sụt giảm 20%-30%. Các công ty phải giảm giờ làm nhưng vẫn cố gắng giữ người lao động (NLĐ). Những đơn hàng xuất khẩu nhỏ cũng phải nhận làm và các công ty còn chia sẻ đơn hàng với nhau” - ông Hồng chia sẻ.

Theo ông Hồng, lạm phát toàn cầu, nhất là biến động tỉ giá đẩy đồng USD tăng giá khiến nhiều thị trường xuất khẩu giảm đặt hàng. Trong khi đó, giá nguyên phụ liệu nhập khẩu đều tăng, chi phí vận chuyển đều tăng cao nhưng giá xuất khẩu không tăng.

“Hiện các công ty trong ngành đang cố gắng cắt giảm chi phí sản xuất, tận dụng, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước và các nước lân cận với giá rẻ hơn. Hy vọng từ quý II-2023 đơn hàng dần khôi phục, sức mua các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ vực dậy xuất khẩu” - ông Hồng kỳ vọng.

Đại diện một công ty gia công xuất khẩu các sản phẩm giày dép cũng chia sẻ tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu diễn ra ở tất cả đơn vị trong ngành. Bình quân lượng đơn hàng đã giảm khoảng 30% so với đầu năm. Tình hình sụt giảm đơn hàng trong quý IV-2022 gia tăng nhiều hơn và có thể tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2023.

“Hiện nay các DN đang tìm cách đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu dù ít hay nhiều để bù đắp” - vị đại diện DN chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM kiêm Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Đức Minh Sài Gòn, cũng cho biết từ cuối tháng 9 đến nay, hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ khó khăn, đơn hàng giảm gần một nửa so với trước. Không chỉ vậy, đơn hàng cung ứng nội địa cũng còn khoảng 80% nhưng công ty vẫn cố gắng duy trì việc làm cho gần 200 NLĐ.

“Chúng tôi vẫn giữ NLĐ, đảm bảo thu nhập cho họ. Một số khâu thì chúng tôi chỉ cho NLĐ làm năm ngày trong một tuần, khâu nào không cần thiết thì không làm thêm giờ, chứ không sa thải NLĐ vì mai mốt không tuyển được, khi đó có đơn hàng cũng không thể làm” - ông Quốc Anh nói.

Thay đổi sản phẩm, khai phá thị trường mới

Ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam (VN), cho rằng khó khăn trong xuất khẩu của VN một phần là do phải phụ thuộc quá lớn vào các quốc gia khác về nguyên vật liệu như vải, linh kiện các loại... Đây là một vấn đề lớn đối với một quốc gia đang sản xuất hàng hóa gia công như VN.

Ông cũng cho rằng VN có nhiều ngành xuất khẩu tiềm năng nhưng có thể nói nông nghiệp sẽ là ngành mang lại nhiều lợi nhuận. Số người làm nông nghiệp ở VN cũng rất lớn. Vì thế, ông góp ý nên mở rộng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, sản phẩm nông sản không chỉ giới hạn ở các sản phẩm tươi sống mà cơ hội còn đến từ các sản phẩm đã qua gia công, chế biến.

Khách hàng đang tìm hiểu về sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu Việt tại diễn đàn. Ảnh: QH

Khách hàng đang tìm hiểu về sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu Việt tại diễn đàn.
Ảnh: QH

“Xin lấy ví dụ thực tế về sản phẩm trái xoài ở công ty chúng tôi. Với trái xoài tươi thì trong một năm chúng tôi chỉ có thể xuất khẩu được 2 tấn nhưng đối với sản phẩm xoài đông lạnh có thể xuất được 360 tấn, hay các sản phẩm khác như hạt điều, sản lượng xuất khẩu đã qua chế biến tăng gấp nhiều lần qua từng năm. Riêng năm ngoái, chúng tôi đã xuất khẩu được 520 tấn sản phẩm hạt điều” - ông Yuichiro Shiotani dẫn chứng.

Theo phân tích của ông Kim Kwan Mook, Tổng giám đốc Thương vụ Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc (Kotra) tại TP.HCM, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của VN thì xuất khẩu của các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như điện tử Samsung chiếm tỉ trọng rất lớn với khoảng 74%. Do đó, để mở rộng ngành xuất khẩu, VN không chỉ cần thu hút thêm nhiều công ty FDI mà còn phải hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của họ tiếp tục phát triển.

Hơn nữa, về lâu dài, VN cần có một số chương trình hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất. Từ đó để họ có thể phát triển sản phẩm và công nghệ độc quyền nhằm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

“Ngoài ra, VN cần mở rộng cơ sở hạ tầng hậu cần, vận tải thì khả năng cạnh tranh xuất khẩu mới được phát huy. Không chỉ vậy, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng cần được mở rộng và đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp tiên tiến như ngành công nghiệp xe điện và pin thứ cấp” - ông Kim Kwan Mook nói.

Sản xuất “xanh - tuần hoàn” để bán vào thị trường lớn

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, cho rằng để tiếp tục giữ vững tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa, các DN cần nắm bắt lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP... Qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu, củng cố và gia tăng thị phần hàng hóa xuất khẩu tại thị trường truyền thống cũng như thâm nhập, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới tiềm năng.

“Ngoài ra, DN phải chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng sản phẩm, tiến tới xây dựng sản phẩm Việt có thương hiệu uy tín. DN cũng cần đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, định hướng sản xuất “xanh - tuần hoàn” vì đây là đòi hỏi sắp tới của các thị trường xuất khẩu lớn” - ông Lữ cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.