Ngày 28-10, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học: “Áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia”.
Đối mặt với thực tiễn kinh tế xã hội thay đổi liên tục, các nhà làm luật Việt Nam đã nhận ra pháp luật thành văn không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội mà cần phải áp dụng “lẽ công bằng”.
Trình bày tham luận, ông Quách Hữu Thái, Chánh án TAND quận 1 (TP.HCM) cho biết: Khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) đã quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.
Nguyên tắc này cũng được đề cập theo hướng cụ thể hơn tại khoản 3 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) để hướng dẫn tòa án xét xử trong trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng.
Ông Thái cho rằng mặc dù BLDS, BLTTDS có ghi nhận về “lẽ công bằng’ nhưng ông chưa xử vụ nào mà áp dụng "lẽ công bằng" và cũng rất ít thẩm phán áp dụng nguyên tắc này để đưa vào xử án.
Chánh án TAND quận 1 (TP.HCM) Quách Hữu Thái trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: MC |
Thực tế, nguyên tắc “lẽ công bằng” đã được áp dụng để xét xử trong một số vụ án tại nước ta, nhưng theo ông Thái, việc áp dụng trong những vụ này chưa thực sự hợp lý. Ngược lại, có những vụ việc nên áp dụng “lẽ công bằng” thì lại không áp dụng.
Lấy ví dụ thực tiễn, ông Thái cho biết: TAND quận 2 (nay là TP Thủ Đức) đã từng xử một vụ mà người khởi kiện bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên facebook và yêu cầu tòa tuyên người xúc phạm cũng phải xin lỗi lại trên facebook.
Tuy nhiên, luật hiện nay chỉ quy định hình thức xin lỗi, cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài… nên tòa án trong trường hợp này không thể chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện.
“Theo tôi, nên áp dụng lẽ công bằng trong vụ này để buộc người xúc phạm xin lỗi người bị xúc phạm trên Facebook. Như vậy mới công bằng” - vị chánh án nêu quan điểm.
Còn TS Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM thì dẫn chứng một vụ án có thật mà HĐXX đã áp dụng “lẽ công bằng”.
Nội dung của vụ này là có một cặp vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân nhưng người vợ lại có quan hệ bên ngoài với người đàn ông khác và có con với người này. Người chồng phát hiện ra đứa con này không phải của anh ta nên kiện đòi người vợ công sức chăm sóc, nuôi dưỡng.
Vụ này, tòa án ở tỉnh Phú Thọ đã áp dụng “lẽ công bằng” để tuyên chấp nhận yêu cầu của người chồng, buộc người vợ phải bồi thường cho người chồng một số tiền.
Hội thảo về “lẽ công bằng” do Trường ĐH Kinh tế - Luật tổ chức đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia, các nhà làm luật… Gần 100 đại biểu đã tham dự trực tiếp, 45 tham luận đã được gửi về cho Ban tổ chức…