Xung đột Israel-Hamas 15-11: Israel tuyên bố kiểm soát bắc Gaza, bắt đầu 'giai đoạn hai' cuộc chiến với Hamas

(PLO)- Xung đột Israel-Hamas tiếp tục căng; Israel nói Hamas đã mất quyền kiểm soát Dải Gaza và tuyên bố giai đoạn hai cuộc chiến; Mỹ xác định trung tâm chỉ huy Hamas đặt ở bệnh viện Al-Shifa; Giao tranh giữa Israel với các nhóm Hồi giáo trong khu vực vẫn căng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xung đột Israel-Hamas ngày qua tiếp tục căng thẳng khi Israel tuyên bố kiểm soát phía bắc Gaza và đang ở “giai đoạn hai” của cuộc chiến.

Israel tuyên bố kiểm soát phía bắc Gaza

Ngày 14-11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố rằng Hamas đã mất quyền kiểm soát ở phía bắc Gaza, bao gồm cả TP Gaza, theo tờ The Times of Israel.

“Tôi có thể nói với bạn rằng ở phía bắc Dải Gaza, Hamas đã mất quyền kiểm soát. Trên thực tế, chúng tôi đang kiểm soát toàn bộ khu vực trên và dưới mặt đất ở phía bắc Dải Gaza, và đặc biệt là ở TP Gaza” - theo ông Gallant.

Vị bộ trưởng lưu ý rằng Israel “đang ở giai đoạn thứ hai của cuộc chiến” tại Gaza, cho biết giai đoạn một là “tấn công toàn lực” và giai đoạn hai là “tăng cường hoạt động bên trong TP Gaza”.

Chúng tôi đã chọc thủng các tuyến phòng thủ của kẻ thù từ phía bắc và phía nam. Sẽ không có nơi nào an toàn cho Hamas cho đến khi chúng tôi hoàn thành sứ mệnh của mình và giải cứu các con tin” - ông Gallant nói thêm.

Xung đột Israel-Hamas
Binh sĩ Israel gần biên giới Israel-Gaza ngày 14-11. Ảnh: AFP

Cùng ngày, Cố vấn cấp cao của thủ tướng Israel - ông Mark Regev cho biết chính sách của Israel “là chiến thắng ở phía nam và răn đe ở phía bắc” Israel.

Giáp phía nam Israel là Dải Gaza, giáp phía bắc Israel là Lebanon - nơi nhóm vũ trang Hezbollah liên tục giao tranh với lực lượng Israel.

“Israel muốn tập trung mọi nỗ lực quân sự vào Hamas ở phía nam, phá hủy bộ máy quân sự của Hamas và đưa các con tin của chúng tôi trở về. Ở phía bắc, chúng tôi chọn phương án răn đe vì không muốn thấy sự leo thang ở phía bắc” - ông Regev nói với đài CNN.

. Các tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh giao tranh giữa hai bên vẫn tiếp diễn.

Ngày qua, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết đã giành quyền kiểm soát trại tị nạn Al-Shati, cách trung tâm TP Gaza gần 5 km.

Israel cho rằng trại tị nạn này là cơ sở hoạt động của các đơn vị Hamas.

“Lực lượng Israel đang tháo dỡ các trung tâm mà Hamas đã xây dựng trong nhiều năm” - theo tuyên bố của Lực lượng Phòng vệ Israel viết.

Israel cho biết thêm rằng đã xác định được hơn 160 đường hầm và tấn công khoảng 2.800 cơ sở hạ tầng của Hamas kể từ khi xung đột bùng phát.

Tại Bờ Tây, ông Faisal Salama - người đứng đầu trại tị nạn Tulkarem cho biết lực lượng Israel đã đột kích phía bắc Bờ Tây và gây thiệt hại cho 70 ngôi nhà trong trại tị nạn, theo kênh Al Jazeera.

Xung đột Israel-Hamas
Người dân kiểm tra thiệt hại sau một hoạt động quân sự của Israel tại trại tị nạn Tulkarem ở Bờ Tây. Ảnh: REUTERS

Ông Salama cho biết máy ủi của Israel đã phá hủy các đường ống nước, đường dây điện, đường sá và các cơ sở hạ tầng khác.

“Ít nhất 80 cửa hàng cũng đã bị phá hủy. Trung tâm y tế do Liên hợp quốc (LHQ) điều hành cũng bị tấn công” - ông Salama nói thêm.

Cũng trong ngày 14-11, một loạt rocket phóng từ Dải Gaza vào Tel Aviv (Israel) đã khiến 2 dân thường bị thương, Al Jazeera đưa tin.

Về phía Hamas, người phát ngôn của Hamas - Osama Hamdan ngày qua đã bác bỏ những bình luận của Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich liên quan việc di dời người Palestine, bày tỏ tin tưởng người Palestine sẽ tiếp tục ở lại Gaza.

Trước đó cùng ngày, ông Smotrich nói rằng “sự di dời tự nguyện” của người Palestine ra khỏi Gaza là “giải pháp nhân đạo đúng đắn” cho khu vực.

Đáp lại, ông Hamdan chỉ trích Israel không quan tâm đến các con tin Israel đang bị giết do các cuộc không kích của Israel vào Gaza.

“Chúng ta vẫn còn những ngày đầu của cuộc chiến và giai đoạn tiếp theo sẽ khốc liệt hơn” - ông Hamdan nói thêm.

Mỹ: Trung tâm chỉ huy Hamas đặt ở bệnh viện Al-Shifa

Ngày 14-11, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cho rằng Hamas đang cất giữ vũ khí và vận hành một trung tâm chỉ huy từ bệnh viện Al-Shifa (bệnh viện lớn nhất Gaza), CNN đưa tin.

Xung đột Israel-Hamas
Bệnh viện Al-Shifa (Gaza) ngày 8-11. Ảnh: REUTERS

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói: “Hamas và phong trào Hồi giáo Jihad sử dụng một số bệnh viện ở Dải Gaza, bao gồm cả Al-Shifa và các đường hầm bên dưới các bệnh viện để che giấu và hỗ trợ các hoạt động quân sự cũng như giam giữ con tin”.

Tuy nhiên, ông Kirby cho biết Mỹ không ủng hộ việc Israel ném bom các cơ sở y tế.

“Chúng tôi không ủng hộ việc tấn công một bệnh viện từ trên không” - ông Kirby nói, cho biết thêm rằng Mỹ cũng không muốn “đấu súng” nơi những người vô tội đang tìm kiếm sự chăm sóc y tế.

Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh lặp lại nhận xét của ông Kirby, cho biết Mỹ có nhiều thông tin tình báo về kết luận này nhưng không nêu chi tiết.

Nhận xét của Mỹ phù hợp với tuyên bố của Israel rằng có một trung tâm chỉ huy Hamas bên dưới bệnh viện Al-Shifa - quan điểm mà Hamas và các quan chức y tế Palestine nhiều lần bác bỏ.

Cùng ngày, ông Ashraf al-Qudra - người phát ngôn của Bộ Y tế Gaza cho biết 40 bệnh nhân tại bệnh viện al-Shifa đã chết chỉ trong ngày 14-11.

Chia sẻ với Al Jazeera, ông al-Qudra cho biết vẫn còn một số thi thể bên trong bệnh viện cần được chôn cất nhưng lực lượng Israel đang ngăn cản việc di chuyển.

Giao tranh giữa Israel với các nhóm Hồi giáo trong khu vực vẫn căng

Ngày 14-11, phong trào Hồi giáo Houthis (Yemen) nói rằng đã bắn tên lửa đạn đạo vào nhiều khu vực khác nhau của Israel, bao gồm cả TP Eilat trên Biển Đỏ.

“Điều này xảy ra chỉ 24 giờ sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của lực lượng chúng tôi cũng nhằm vào các mục tiêu này” - nhóm Houthis cho biết trên Telegram.

Tuyên bố cũng cho biết lực lượng Houthis “sẽ không ngần ngại nhắm mục tiêu” vào các tàu của Israel ở Biển Đỏ.

“Các hoạt động của lực lượng vũ trang Yemen chống lại kẻ thù Israel sẽ không dừng lại cho đến khi cuộc xâm lược của Israel chống lại những người anh em của chúng tôi ở Gaza chấm dứt” - tuyên bố cho biết thêm.

Israel cho biết hệ thống phòng không Arrow của nước này đã chặn các tên lửa trên Biển Đỏ.

Xung đột Israel-Hamas
Khói bốc lên tại một ngôi làng ở miền nam Lebanon, gần biên giới Israel-Lebanon ngày 14-11 sau các đợt giao tranh. Ảnh: AFP

Trong ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết đã tấn công một trạm quan sát của Hezbollah ở miền nam Lebanon và sử dụng máy bay chiến đấu để đáp trả các đợt bắn súng cối của Hezbollah vào Israel.

Hãng thông tấn quốc gia Lebanon NNA đưa tin về vụ pháo kích dữ dội dọc biên giới Lebanon-Israel nhưng cho biết không có thương vong.

Tiếp nối các nỗ lực ngoại giao

Ngày 14-11, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres - ông Stephane Dujarric cho biết ông Guterres lần nữa kêu gọi ngừng giao tranh.

“Nhân danh nhân loại, tổng thư ký kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức” - ông Dujarric nói, cho biết ông Guterres vô cùng lo lắng trước “sự mất mát nghiêm trọng về nhân mạng” tại một số bệnh viện ở Gaza.

Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen nói rằng Tổng thư ký Guterres không phù hợp để lãnh đạo LHQ.

“Ông Guterres không xứng đáng làm người đứng đầu LHQ. Ông ấy đã không thúc đẩy bất kỳ tiến trình hòa bình nào trong khu vực. Ông ấy nên lên tiếng rõ ràng: ‘Giải phóng Gaza khỏi Hamas’” - ông Cohen nói tại cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ở Thụy Sĩ.

Ngày 14-11, Nhà Trắng cho biết ông Brett McGurk - cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Trung Đông và Bắc Phi sẽ đến thăm Bỉ, Israel, Bờ Tây, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Bahrain, Qatar và Jordan.

Tại Israel, ông McGurk “sẽ thảo luận về nhu cầu an ninh của Israel, sự cấp thiết của việc bảo vệ dân thường trong quá trình hoạt động quân sự, cũng như những nỗ lực liên tục nhằm đảm bảo việc thả con tin và sự cần thiết phải kiềm chế những người định cư cực đoan bạo lực ở Bờ Tây”, theo thông báo của Nhà Trắng.

Tại Bờ Tây, ông McGurk sẽ thảo luận về “sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Biden đối với chính quyền Palestine và vai trò đại diện của chính quyền Palestine với người dân Palestine”, trao đổi về “thúc đẩy sự ổn định lâu dài ở cả Bờ Tây và Gaza”.

Cùng ngày, Belize (một nước Trung Phi) thông báo đình chỉ quan hệ ngoại giao với Israel.

Theo đó, Belize đã rút lại sự công nhận đối với đại sứ Israel tại nước này, đã đình chỉ các hoạt động tại lãnh sự quán của Belize ở Tel Aviv và lãnh sự quán Israel ở Belize.

Belize cho biết lý do là vì Israel “không ngừng ném bom bừa bãi vào Gaza” và vi phạm luật nhân đạo quốc tế, theo Al Jazeera.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm