Người Thái - cộng đồng người nước ngoài đông nhất ở Israel - nói gì về xung đột Israel-Hamas?

(PLO)- Với khoảng 30.000 người lao động làm việc tại Israel trước khi xung đột Israel-Hamas bùng phát, Thái Lan đang chứng kiến những mất mát, lo sợ bắt nguồn từ xung đột này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) vẫn leo thang với những đợt rocket, không kích từ hai phía tiếp diễn từng giờ. Cách đó nửa vòng Trái Đất, Thái Lan - một nơi tưởng chừng không liên quan gì đến cuộc xung đột lại chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng do cuộc chiến gây ra.

Người Thái Lan là nguồn lao động nước ngoài lớn nhất ở Israel, với khoảng 30.000 người.

Theo số liệu do chính phủ Israel công bố, có đến 54 người Thái bị nhóm Hamas bắt làm con tin. Đến thời điểm này Bộ ngoại giao Thái Lan xác nhận 25 công dân nước này đã bị bắt, 39 người thiệt mạng và 19 người bị thương kể từ khi xung đột bùng phát.

Chính phủ Thái Lan đang huy động các nỗ lực ngoại giao để giải cứu những con tin người Thái.

Mòn mỏi chờ tin người thân

Tại vùng đông bắc xa xôi của Thái Lan, bà Watsana Yojampa, một người mẹ có con trai bị nhóm Hamas bắt giữ, đang mòn mỏi chờ tin con mình. Bà không biết gì về cuộc chiến ở Thánh địa xa xôi, không biết nguyên nhân cuộc chiến hay những bên tham chiến, và cũng không biết con trai bà giờ ra sao.

Chia sẻ với tờ The New York Times, bà Watsana cho biết con trai bà - anh Anucha Angkaew (28 tuổi) - cách đây 2 năm đã sang Israel làm công nhân trồng bơ. Trong thời gian này, anh Anucha tích lũy tiền gửi về để gia đình xây một căn nhà mới.

Ngày 6-10, anh Anucha vẫn còn gọi về để cùng bà Watsana chọn gạch lát cho ngôi nhà mới. Nhưng chỉ sau đó một ngày, anh đã nằm trong số các con tin bị nhóm Hamas bắt giữ, bị các chiến binh Hamas chĩa súng vào người trong một video mà nhóm này đăng tải trên mạng xã hội.

Bà Watsana nói rằng gia đình vẫn giấu cô con gái 7 tuổi của anh Anucha về việc anh bị bắt. Mọi người nói với cô bé rằng điện thoại của anh bị hỏng nên không thể gọi về nhà.

“Tại sao họ lại làm tổn thương người Thái, tại sao họ lại bắt con trai tôi? Chúng tôi không liên quan gì đến cuộc chiến của họ” - bà Watsana nghẹn ngào.

thai-lan-israel.jpg
Bà Watsana Yojampa xem ảnh của con trai bà - anh Anucha Angkaew (người đã bị nhóm Hamas bắt làm con tin). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Đầu tháng 11, bà Watsana nhận được cuộc gọi từ một quan chức địa phương Thái Lan nói rằng bà cần gửi mẫu DNA cho cơ quan chức năng. Bà không biết liệu việc gửi DNA là một thủ tục thu thập thông tin thông thường hay để xác nhận rằng con trai bà đã chết, vị quan chức gọi cho bà cũng không biết.

“Tôi đang hy vọng có tin tốt, nhưng tại thời điểm này, tôi chỉ cần được biết tin về con tôi” - bà Watsana nói.

Gia đình những người mất tích hoặc được cho là bị Hamas bắt làm con tin cho biết họ nóng ruột chờ tin từ các quan chức chính phủ Thái Lan hoặc Israel. Nhiều gia đình nói với The New York Times rằng họ không biết người thân của họ còn sống hay đã chết và cũng không biết làm cách nào để có được thông tin.

Vì được coi là nhóm lao động tạm thời, các công nhân Thái Lan thường trú trong các xe chở hàng hoặc container thay vì những ngôi nhà có hầm trú ẩn chống rocket như những nhóm người khác. Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) cũng không đủ để bảo vệ những nông trại mà họ đang làm việc khỏi các đợt rocket thường xuyên từ Dải Gaza phóng sang.

Dù vậy, nhiều người Thái vẫn chọn Israel là nơi làm việc mà họ muốn đến nhất vì mức lương cao, ít nhất gấp 5 lần so với ở quê nhà.

Phần lớn công nhân nông nghiệp Thái Lan làm việc hợp pháp tại Israel, vào Israel bằng thị thực hợp lệ. Song hiện có đến 7.000 trong số 30.000 người hiện không có giấy tờ hợp pháp do ở lại quá hạn hoặc chuyển nơi làm việc mà không báo cho cơ quan chức năng nước sở tại, The New York Times dẫn dữ liệu từ các nhóm lao động.

Ông Gong Saelao - một người dân tộc Hmong sống ở miền bắc Thái Lan, gần biên giới với Myanmar và Lào - đã đến Israel làm việc với mức lương 50 USD/ngày, cao gấp 5 lần so với mức lương ông nhận được từ công việc vận chuyển rau củ quả khi còn ở Thái Lan.

Vợ ông Gong - bà Suntharee Saelee cho biết gia đình đã lâm vào cảnh nợ nần để kiếm đủ tiền cho ông sang Israel. Theo lời kể của bà, ngày 7-10, ông Gong đã đăng lên Facebook về tình huống mà ông cho là một vụ tấn công rocket, bà Suntharee khi đó đã dặn chồng phải giữ an toàn. Tối đó, khi nghe tin Hamas tấn công, bà đã gọi điện cho ông Gong nhưng không có phản hồi.

Vài ngày sau, trên mạng xã hội Thái Lan xuất hiện danh sách các nạn nhân. Không thấy tên chồng, bà Suntharee vẫn lo lắng rằng ông Gong sẽ không được liệt kê trong các danh sách người Thái vì không có giấy tờ. Bà Suntharee đã liên hệ với trung tâm môi giới cho ông Gong sang Israel, nhưng trung tâm này cũng không có thông tin.

Một tuần sau vụ tấn công của Hamas, một phóng viên của The New York Times đã đưa cho bà Suntharee hình ảnh cắt từ đoạn phim về một vụ hành quyết của nhóm Hamas với một người đàn ông. Bà Suntharee xác nhận người đàn ông trong ảnh chính là chồng bà.

“Tôi hiểu những gì diễn ra ở đó, nhưng chồng tôi, ông ấy vô tội” - theo bà Suntharee.

Phân vân giữa ở và về

Một công nhân khác cũng làm việc tại một trang trại ở Israel - ông Kriangsak Phansuri kể lại rằng hôm 7-10, khi ông đang thư giãn trong ngày nghỉ cuối tuần thì nghe thấy những âm thanh giống như rocket trên bầu trời.

Sau đó một nhóm những người đàn ông mặc quân phục tiến đến, ban đầu ông Kriangsak tưởng họ là những binh sĩ Israel nhưng sau đó ông nhận ra không phải vậy. Ông Kriangsak cùng những người nông dân khác đã dùng những thùng khoai tây vừa thu hoạch để chặn cửa, ngăn nhóm người trên vào nông trại.

Vài giờ sau đó, nhiều chiến binh trở lại và nổ súng. Ông Kriangsak may mắn trốn thoát khi chạy vào một vườn cam gần đó.

“Rocket không làm tôi sợ hãi. Nhưng với cuộc tấn công này, tôi biết mình không thể ở lại Israel lâu hơn nữa” - ông Kriangsak chia sẻ.

Ông Kriangsak hiện đã trở về quê ở tỉnh Udon Thani trên chuyến bay hồi hương do chính phủ Thái Lan tổ chức.

israel-thai-lan.jpg
Ông Kriangsak Phansuri - người đã làm việc 4 năm tại một trang trại khoai tây ở Israel - vừa trở về quê nhà trên chuyến bay của chính phủ Thái Lan. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Hôm 9-11, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết khoảng 8.500 công dân nước này ở Israel đã về nước kể từ khi xung đột xảy ra, nhưng khoảng 20.000 người chọn ở lại Israel làm việc bất chấp nguy hiểm vẫn hiện hữu.

Dù chính phủ Thái Lan đã cam kết sẽ cung cấp cho mỗi người hồi hương 50.000 baht (1.400 USD) cùng khoản vay lãi suất thấp, nhiều người kiên quyết ở lại vì không muốn phải đền hợp đồng lao động cũng như mất công việc thu nhập cao.

thai-lan-israel-hamas.jpg
Người thân ở đến thủ đô Bangkok (Thái Lan) để đón một công nhân Thái Lan trở về từ Israel. Ảnh: EPA

Anh Nick (người Thái Lan, 33 tuổi) đang làm việc tại một nông trại gần Sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv (Israel) nói với kênh Channel News Asia rằng anh kiếm được từ 45.000 baht (1.200 USD) đến 70.000 baht (1.900 USD) mỗi tháng với công việc hiện tại, trong khi lúc còn ở Thái Lan, thu nhập của anh là dưới 100.000 bath (2.700 USD)/năm.

“Tôi chưa bao giờ kiếm được nhiều tiền như vậy từ việc trồng trọt” - anh Nick nói, cho biết thêm rằng dù hiện nay anh vẫn thường thấy rocket xuất hiện trên bầu trời trong lúc làm việc, nhưng anh sẽ ở lại Israel vì tin rằng nơi ở của anh vẫn an toàn.

Và quan trọng hơn hết, anh Nick cho biết anh chỉ mới sang Israel vào tháng 3 năm nay, nếu về nước anh sẽ không thể kiếm được công việc với thu nhập tốt để lo cho gia đình.

“Tôi muốn gia đình mình được thoải mái và trả hết nợ nần. Tôi muốn cuộc sống tốt đẹp hơn” - anh Nick nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm