Năm 2023 có thể được ghi vào lịch sử thế giới như một năm của những cuộc xung đột. Tại châu Âu, xung đột Nga - Ukraine chưa chấm dứt thì cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) bùng phát gây nóng cả Trung Đông.
Trước khi thế giới chia tay “năm xung đột 2023”, báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với một số chuyên gia từ nhiều nước về tác động của hai cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas đến các vấn đề toàn cầu.
Liên quan không chỉ bốn nước tham chiến
. Phóng viên: Hai cuộc xung đột không chỉ biến Ukraine và Dải Gaza thành các điểm nóng, ảnh hưởng đến an ninh không chỉ ở châu Âu và Trung Đông mà cả nhiều khu vực trên thế giới. Các chuyên gia có thể phân tích cụ thể hơn về những ảnh hưởng từ hai cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas đến tình hình an ninh trong khu vực và toàn cầu?
+ GS Amnon Aran, chuyên gia về chính trị quốc tế khu vực Trung Đông tại ĐH City University of London (Anh): Cả hai cuộc xung đột đều cho thấy dấu hiệu lan rộng dù địa bàn giao tranh chỉ diễn ra tại lãnh thổ các bên tham chiến. Cụ thể, với xung đột Nga - Ukraine thì đó là cam kết sát cánh của Mỹ và châu Âu với Kiev và sự ủng hộ của Iran dành cho Nga.
Tương tự, trong cuộc chiến ở Dải Gaza, Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Israel. Mục đích của Washington có thể nhằm củng cố một trục ở Trung Đông, bao gồm Israel và các quốc gia Ả Rập thân phương Tây, đồng thời cố gắng kiềm chế Iran và Nga. Ở phía ngược lại, các phong trào Hồi giáo được Iran hậu thuẫn như Houthis (Yemen), Hezbollah (Lebanon) và các nhóm chiến binh ở Syria thể hiện sự ủng hộ vững chắc với Hamas.
+ TS Andrew Thomas, chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH Deakin (Úc): Xung đột Nga - Ukraine làm căng thẳng hạt nhân giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga tăng cao đến mức đáng lo ngại. Xung đột Nga - Ukraine cũng thúc đẩy các thành viên NATO tăng hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Trong khi đó, xung đột ở Dải Gaza có nguy cơ lan sang Lebanon, Bờ Tây và thậm chí xa hơn nữa. Hoạt động quân sự của Israel tại Dải Gaza đã gây ra các vấn đề nhân đạo nghiêm trọng đối với người dân tại khu vực. Cuộc xung đột cũng khiến sự ủng hộ quốc tế dành cho Israel giảm đi đáng kể, ngay cả tại những quốc gia vốn có mối quan hệ tốt đẹp với Israel.
Bộc lộ sự phân mảnh của thế giới
. Hai cuộc xung đột là đề tài thảo luận chính trên diễn đàn quốc tế trong suốt năm 2023. Không chỉ các bên xung đột, các nước có lợi ích liên quan và có quan hệ chặt chẽ với các bên tham chiến cũng có những động thái rất rõ ràng. Các chuyên gia nhận định thế nào về sự chi phối của xung đột Nga - Ukraine và xung đột Israel - Hamas đến quan hệ quốc tế trong năm 2023?
+ GS Stefan Wolff, chuyên gia an ninh quốc tế tại ĐH Birmingham (Anh): Các cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas khiến hệ thống quốc tế trở nên phân mảnh hơn và sự cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng ở một số khu vực. Thay vì củng cố hệ thống đa phương, nhiều liên minh đặc biệt đã xuất hiện.
Nhìn ở mặt khác, chúng ta chứng kiến sự tái ổn định tạm thời trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu quan hệ hai nước này được củng cố trong năm tới, toàn bộ hệ thống quốc tế có thể trở nên ổn định hơn.
+ TS Andrew Thomas: Cả hai cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas đều thách thức bản chất của các khái niệm trọng tâm trong quan hệ quốc tế.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến các thành viên NATO đẩy mạnh ủng hộ Kiev, vì sự thất bại của Ukraine trong xung đột sẽ ảnh hưởng đến các bối cảnh địa chính trị khác trên toàn cầu. Nhiều nước dành sự hỗ trợ chính trị, tài chính và quân sự cho Ukraine. Xung đột Nga - Ukraine cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO.
Cuộc chiến ở Dải Gaza lại đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của luật nhân đạo trong xung đột. Hành động tấn công lãnh thổ Israel và giết dân thường của Hamas vào ngày 7-10 chắc chắn là tội ác chiến tranh. Trong khi đó, Israel là một bên ký kết Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) nên các hoạt động chiến đấu của nước này cần tuân theo các nguyên tắc của UDHR. Việc Israel tấn công các khu vực đông dân cư, nhắm mục tiêu vào bệnh viện, trường học và trại tị nạn có thể vi phạm luật quốc tế. Thực tế này cũng đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của UDHR đối với các quốc gia đang có xung đột.
Các cuộc xung đột khiến hệ thống quốc tế trở nên phân mảnh hơn và sự cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng ở một số khu vực.
Một vấn đề nữa là việc Houthis gia tăng tấn công tàu ở Biển Đỏ và Địa Trung Hải đã khiến căng thẳng giữa Mỹ và Iran tăng lên.
Kinh tế cũng phải chịu sức ép
. Nền kinh tế thế giới còn đang chật vật phục hồi sau đại dịch COVID-19 thì xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Cuộc xung đột này chưa dứt thì một cuộc xung đột khác lại bùng phát ở Trung Đông giữa lúc kinh tế đang suy thoái. Theo các chuyên gia, những lĩnh vực nào của kinh tế toàn cầu chịu tác động mạnh nhất từ hai cuộc xung đột này?
+ GS Amnon Aran: Tôi cho rằng có nhiều tác động khác nhau từ hai cuộc chiến lên kinh tế thế giới. Đối với xung đột Nga - Ukraine, một thời gian dài cuộc xung đột này đã khiến giá năng lượng tăng rất mạnh ở châu Âu cũng như trên toàn thế giới, may là sau này mức giá đã dần ổn định hơn. Song một vấn đề nghiêm trọng khác là cuộc chiến đã đẩy giá lương thực lên cao, tác động rất tiêu cực đến người dân ở các quốc gia kém phát triển.
Còn đối với xung đột Israel - Hamas thì tôi chưa thấy các tác động kinh tế mang tính hệ thống như vậy. Tuy nhiên, những tuần gần đây, chúng ta đã chứng kiến các cuộc tấn công ngày càng tăng của các chiến binh Houthis vào các tàu đi qua Biển Đỏ. Mối đe dọa này khiến nhiều công ty vận tải biển thông báo ngưng vận chuyển hàng hóa qua tuyến Biển Đỏ. Tôi dự đoán rằng mối đe dọa từ Houthis sẽ còn kéo dài và khiến các công ty vận tải phải chuyển hướng đi vòng qua châu Phi, gây tốn thời gian và chi phí.
+ TS Andrew Thomas: Ukraine được mệnh danh là “rổ bánh mì của châu Âu”, xuất khẩu hầu hết sản phẩm nông sản của mình ra quốc tế và chủ yếu sang các quốc gia kém phát triển. Do đó, không khó hiểu cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực trên khắp châu Phi và Trung Đông.
Ngoài ra, đây là cuộc chiến quy mô lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Do vậy, những nỗ lực cô lập Nga về mặt kinh tế đã ảnh hưởng đến an ninh năng lượng toàn cầu.
. Xin cảm ơn các chuyên gia đã nhiệt tình chia sẻ.•
Tác động từ hai cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas đến các nỗ lực hành động khí hậu?
Không chỉ ảnh hưởng đến chính trị và phúc lợi của con người mà hai cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas còn ảnh hưởng đến sự bền vững của môi trường và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Theo tờ Alarabiya News, các cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas nói chung tiêu tốn nhiều tài nguyên và thường gây thiệt hại đáng kể về môi trường. Các hoạt động quân sự cũng phá hủy cơ sở hạ tầng, làm gián đoạn các chính sách và dự án năng lượng xanh.
Theo ông Andrea Zanon, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn WeEmpower Capital (Mỹ), xung đột Israel - Hamas có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về lĩnh vực khí hậu ở các nước, đặc biệt tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
“Các chính phủ thường ưu tiên các vấn đề quốc gia trong thời kỳ khủng hoảng, có khả năng gạt bỏ các mục tiêu trung hòa carbon” - ông Zanon nói.