Y án 24 năm tù cựu nữ luật sư đòi tự tử

Sau hai ngày nghị án, ngày 31-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiến hành tuyên án vụ Phạm Thị Ái Liên (SN 1976) lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Xử sơ thẩm lần 2, Liên bị TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt 24 năm tù về hai tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngay lúc thẩm phán chủ toạ phiên phúc thẩm công bố “thay mặt HĐXX tôi tuyên án” thì bị cáo lao tới đập đầu vào bục khai báo. Sau đó, bị cáo cựu luật sư đã cầm vật gì đó để tự vẫn...

Nữ bị cáo Liên. Ảnh: H.Y

Tiếp đó, HĐXX quay trở lại xét hỏi, bị cáo nói mình không sợ chết, dùng cái chết để chứng minh mình vô tội. 

Do bị cáo đòi tự tử nên công an phải giữ chặt và không phải đứng nghe tuyên án. HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm đối với nữ bị cáo này. 

Tại phiên xử hai ngày trước, đại diện VKS đã đề nghị bác kháng cáo của bị cáo lẫn người liên quan.

Luật sư cho rằng hồ sơ còn mâu thuẫn, không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tài sản. Bản án sơ thẩm lần 2 là suy diễn và đã không xem xét các yêu cầu đặt ra của cấp phúc thẩm lần 1. Quan điểm của luật sư đồng ý với bản án phúc trước là giao dịch dân sự không có chiếm đoạt.

HĐXX nhận định bị cáo đưa thông tin gian dối để vay tiền. Thời gian làm luật sư, bị cáo đã chiếm đoạt tài sản của thân chủ.  Khi vay tiền bị cáo không dùng để đáo hạn ngân hàng, cấp sơ thẩm xử là đúng.

Bị cáo đã lợi dụng sự tin tưởng của bị hại để lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Cấp sơ thẩm xử 2 tội là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Bị cáo Liên khi toà nghị án. Ảnh: H.Y

Sau khi toà tuyên án xong, bị cáo Liên kiên quyết không đứng dậy và vẫn gào thét đòi chết.

Vụ án này, các cấp tòa trước có sự khác nhau trong nhận định tội danh, còn bị cáo kêu oan.

Theo hồ sơ buộc tội, năm 2010, bà Liên làm luật sư tại một văn phòng luật thuộc Đoàn luật sư Đồng Tháp. Đến tháng 1-2013, bà Liên tự thành lập văn phòng riêng.

Lợi dụng việc hành nghề, bà Liên quen và hỏi vay tiền một số người đã từng yêu cầu bảo vệ quyền lợi trong các vụ án dân sự với lãi suất 3-12%/tháng. Liên nói dối là cho người khác vay để đáo hạn ngân hàng.

Cụ thể, Liên vay 2 tỉ đồng của anh Trần Văn Phong, 200 triệu đồng của chị Cù Thị Lưu Tiếng. Năm 2012, Liên được bà Dương Thúy Loan ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án dân sự. Bà Loan thắng kiện và được 500 triệu đồng.

Muốn chiếm đoạt số tiền này, Liên đã làm giả hợp đồng ủy quyền tới Chi Cục thi hành án TP Cao Lãnh nhận tiền nhưng chưa chiếm đoạt được thì bị phát hiện. Cơ quan tố tụng ban đầu xác định Liên có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 2,7 tỉ đồng.

Từ ngày 25-12-2012 đến ngày 8-4-2013, Liên đã vay của bà bà Trần Thị Kim Hương (người thuê Liên làm luật sư bảo vệ quyền lợi trong các vụ án dân sự) năm lần với số tiền 2,6 tỉ đồng. Nhưng theo giấy xác nhận có nội dung Liên đã trả xong số tiền này và còn hùn vốn 2,2 tỉ đồng.

Bà Hương xác nhận chữ ký trong giấy là của bà nhưng nội dung là giả nhằm giúp Liên đối phó với CQĐT. Trong khi đó, bị cáo cho rằng giấy xác nhận là thật và bà Hương còn giữ vốn của mình.

Cùng thời điểm trên, bà Nguyễn Thị Phương Nga tin tưởng ký hợp đồng ủy quyền cho Liên tới Chi cục Thi hành án dân sự TP Cao Lãnh nhận số tiền 121 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Liên tiêu xài cá nhân và nói lại với bà Nga là chưa nhận được tiền. Khi bà Nga phát hiện sự việc thì Liên trả lại cho bà Nga một phần số tiền và chiếm đoạt 71 triệu đồng.

Theo cơ quan tố tụng, Liên đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với bà Hương và bà Nga. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt Liên 24 năm tù về hai tội danh trên. Bị cáo kháng cáo kêu oan. 

Năm 2018, TAND Cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm và hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. HĐXX phúc thẩm nhận định trong vụ án, bị cáo Liên có hành vi chủ yếu là vay tiền của bị hại và thông qua hợp đồng uỷ quyền để nhận tiền thi hành án sau đó chiếm đoạt là phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nhưng cấp sơ thẩm xét xử về hai tội danh trên là không đúng tội danh. Do đó, tòa chấp nhận một phần kháng cáo và huỷ án để điều tra xét xử lại.

Đáng chú ý, hành vi bị cáo Liên làm giả hợp đồng ủy quyền của bà Loan để nhận tiền thi hành án nhưng chưa chiếm đoạt được tiền thì bị phát hiện. Hành vi cho thấy yếu tố cấu hành tội lừa đảo nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất của tội này.

Ngoài dấu hiệu gian dối, người phạm tội còn phải có hành vi chiếm đoạt mới cấu thành tội lừa đảo. Trong trường hợp này, chỉ mới gian dối là giả chữ ký trong hợp đồng uỷ quyền thì đã bị phát hiện, chưa nhận được tiền thi hành án do đó chưa cấu thành tội lừa.

Kết quả điều tra lại , cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Tháp không còn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Liên trong hành vi làm giả hợp đồng ủy quyền của bà Loan. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng bảo lưu các nội dung còn lại trong vụ án và truy tố bị cáo Liên về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm