Ngày 8-10, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, tuyên y án tử hình đối với ba bị cáo Huỳnh Văn Tiếm, Lê Anh Kiệt và Nguyễn Văn Nhãn về ba tội giết người, cướp tài sản và tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng.
Đây là ba bị cáo đứng đầu băng cướp chuyên dùng súng cướp tiệm vàng liên tỉnh, từng gây rúng động dư luận.
Bắn thẳng vào nạn nhân để cướp vàng
Theo hồ sơ, Tiếm và Kiệt từng quen biết nhau từ khi ở tù. Đến khi mãn hạn tù, cả hai đã câu kết, rủ rê thêm đồng bọn lập thành băng cướp. Các bị cáo gom tiền mua súng, đạn, rồi lên kế hoạch cướp các tiệm vàng.
Thời gian gây án của băng cướp thường diễn ra vào lúc chập choạng tối, khi các chủ tiệm vàng vận chuyển vàng, tiền từ tiệm về nhà. Các bị cáo sử dụng tuýp sắt để tấn công họ và sẵn sàng nổ súng đáp trả nếu nạn nhân chống cự hoặc có người truy đuổi. Năm 2000-2005, băng này đã thực hiện tám vụ cướp khét tiếng ở các tỉnh Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long và TP.HCM chiếm đoạt khoảng 800 lượng vàng cùng nhiều tiền mặt và ngoại tệ. Trong đó, vụ cướp tiệm vàng Kim Thanh ở chợ Phạm Thế Hiển (quận 8, TP.HCM) vào chiều 2-10-2004, Kiệt cùng Nhãn đã bắn chết ông Doãn Mỹ, chủ tiệm vàng để cướp đi 50 lượng vàng, 150 triệu đồng và hơn 10.000 USD. Còn lại, trong các vụ cướp đã thực hiện, có ba nạn nhân khác bị thương 6%-31%, có người hiện vẫn còn mảnh đạn trong người.
Tháng 10-2004, băng cướp này đã phân công theo dõi thời gian biểu của vợ chồng chủ tiệm vàng Kim Thanh. Đến tối 2-10-2004, phát hiện vợ chồng ông Mỹ cất tiền, vàng vào hai giỏ xách để giữa xe máy, băng cướp này đi trên hai xe máy bám theo. Đến đoạn đường vắng, băng cướp này vượt lên, Kiệt ngồi sau rút súng K59 bắn thẳng vào người ông Mỹ rồi nhảy xuống xô đổ xe nạn nhân. Mặc dù bị trúng đạn nhưng ông Mỹ vẫn cố ôm Kiệt giằng co còn bà Thanh (vợ ông Mỹ) hô “cướp! cướp!”.
Ba bị cáo Tiếm (ngồi xe lăn), Nhã (giữa)và Kiệt tại phiên tòa. Ảnh: HY
Sau khi cắt dây buộc hai giỏ, thấy ông Mỹ giằng co, Nhãn liền chạy tới rút súng bắn thêm phát nữa làm ông gục chết tại chỗ. Trước khi lên xe tẩu thoát, băng cướp này còn bắn chỉ thiên để đe dọa người dân.
Bị bắt sau sáu năm “giải nghệ”
Ba năm trước, Tiếm để ý đến tiệm vàng Thanh Tâm ở thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.HCM) của vợ chồng ông Nguyễn Thông Tâm. Sau đó, Tiếm đến gặp Kiệt bàn bạc. Do tiệm nằm ở nơi đông dân, sợ mang súng đi lại nhiều sẽ bị phát hiện nên cả hai chôn khẩu K59 ở rẫy khoai mì gần đó nhưng hôm sau khi cả hai quay lại rẫy thì khẩu súng đã bị mất. Với quyết tâm thực hiện vụ cướp đến cùng, Tiếm và Kiệt cùng góp 10 triệu đồng mua hai khẩu súng khác và 14 viên đạn.
Ngày 7-11-2001, Tiếm, Kiệt cùng đồng bọn chuẩn bị súng đã lên nòng đi xe máy đến chợ Củ Chi chờ ông Tâm. Đến tối, thấy ông Tâm chở vợ bằng xe Vespa mang theo giỏ đựng vàng có ba người làm công hộ tống về nhà, băng cướp liền bám theo.
Gần đến nhà ông Tâm, Kiệt cử đàn em vượt lên trước, ngồi đợi ở ghế đá trước nhà. Khi ông Tâm và người nhà dừng lại, Kiệt giả là người bán dạo tiến lại gần rồi bất ngờ rút súng bắn vào ông Tâm. Do bị trúng đạn vào tay, ông Tâm bỏ chạy bộ và tri hô. Chỉ chờ có thế, Kiệt lao đến cướp giỏ vàng từ tay vợ ông Tâm.
Thấy mọi người tri hô cầu cứu, nhóm liền bắn nhiều phát thị uy. Trên đường tháo chạy, phát hiện có người truy đuổi, Kiệt bắn hai phát súng làm một người trúng đạn. Đến nước này, không ai dám đuổi tiếp...
Năm 2005, Kiệt và Tiếm giải tán băng cướp, vứt hai khẩu súng xuống sông Vàm Cỏ Đông (Tây Ninh) để phi tang. Đến ngày 8-11-2011, Tiếm và đồng bọn đang “nhóm họp” bàn bạc kế hoạch cướp tiệm vàng ở TP.HCM thì bị công an ập vào bắt giữ.
Tàn độc và chuyên nghiệp
Xử sơ thẩm tháng 5, TAND TP.HCM đã tuyên phạt ba bị cáo Tiếm, Kiệt và Nhãn tử hình, hai đồng phạm khác chung thân và 15 năm tù. HĐXX cũng buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho các gia đình nạn nhân hơn 33,3 tỉ đồng. Sau đó, Tiếm, Kiệt và Nhã kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Tiếm vì sức khỏe yếu nên được tòa cho ngồi, bị cáo Tiếm kêu oan và nói mình không trực tiếp giết người. Bào chữa cho mình, bị cáo nói bị liệt nên không tham gia đầy đủ các vụ cướp. Lập tức chủ tọa chỉnh ngay, rằng bị cáo mới bị liệt đây thôi, trước kia bình thường và tham gia đầy đủ các vụ cướp.
Bị cáo Kiệt thì không cần luật sư bào chữa, chỉ xin tòa giảm án. Bị cáo này nói: “Mỗi người có một cách nhận tội riêng, khi nào không có tiền bị cáo mới đi cướp. Dùng súng bắn không phải để giết người mà chỉ để cưỡng đoạt cho được tài sản”.
Tương tự, bị cáo Nhãn nại rằng mình cầm súng là để bảo vệ chứ không cố ý giết người. Chủ tọa chất vấn: “Cầm súng nhắm thẳng vào người khác bắn mà không giết người?”. Bị cáo im lặng, sau đó nói mong HĐXX khoan hồng cho bị cáo sống vài năm nữa vì hiện đang bị HIV. Bị cáo nói nếu được giảm án thì sẽ cố xin tiền của con để khắc phục một phần hậu quả...
Cuối cùng, HĐXX nhận định các bị cáo từng phạm tội nhiều lần, sau khi ra tù tiếp tục mua vũ khí để thực hiện việc phạm tội. Các bị cáo phạm tội có tổ chức, nguy hiểm, thủ đoạn tàn độc mang tính chuyên nghiệp, trong thời gian dài đã gây chết một người và thương tích nhiều người. “Dù các bị cáo có khai báo thành khẩn nhưng hàng chuỗi những hành vi phạm tội của các bị cáo quá dã man nên tòa không thể giảm án” - HĐXX cho biết như vậy.
HOÀNG YẾN