Ý kiến khác nhau về cấm bán vé máy bay khi chưa có slot

(PLO)- Các hãng hàng không bày tỏ quan điểm khác nhau về quy định cấm bán vé máy bay khi chưa được nhà chức trách hàng không cấp slot (giờ cất, hạ cánh).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, các hãng bay mở bán vé nhiều hơn slot được cấp gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến và thiệt hại cho hành khách.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ GTVT đề xuất sửa Luật Hàng không, trong đó có quy định về thủ tục cấp quyền vận chuyển hàng không để ngăn chặn tình trạng bán vé khi chưa được cấp slot.

Bộ GTVT khẳng định “quy định này là cần thiết”

Theo đó, để hạn chế tình trạng trên, cơ quan soạn thảo của Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng các hãng hàng không (HHK) phải có xác nhận slot tại cảng hàng không, sân bay trong hồ sơ đề nghị cấp quyền vận chuyển hàng không, trừ trường hợp HHK là hãng tiếp thị (marketing) trong chuyến bay liên danh (codeshare).

Đồng thời, các hãng phải “báo cáo về đường bay và kế hoạch khai thác dự kiến, bao gồm xác nhận giờ hạ cánh, cất cánh tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam liên quan”.

“Quy định này đảm bảo việc HHK chỉ có thể mở bán các chuyến bay khi có slot, qua đó bảo vệ quyền lợi của hành khách. Tránh việc các hãng bay bán vé khi chưa có slot, bán nhiều hơn slot được xác nhận và việc khai thác không đúng với slot mở bán…” - Bộ GTVT cho hay.

Đồng tình với quy định này, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đề nghị bổ sung thông tư hướng dẫn và chế tài xử lý trong trường hợp HHK cố tình mở bán chuyến bay khi chưa có phép bay hoặc slot.

Trong khi đó, HHK VietJet cho rằng đề xuất trên là chưa phù hợp với thực tiễn. Vì để thực hiện chuyến bay quốc tế, cần được cấp quyền vận chuyển hàng không trước khi nộp hồ sơ thực hiện thủ tục với các cơ quan nhà nước tại nước ngoài, sau đó mới có thể mở bán vé.

Việc mở bán vé, đặc biệt là đường bay dài phải được thực hiện trước mùa lịch bay một khoảng thời gian đủ để HHK có thể chủ động cân đối hoạt động vận hành kinh doanh cụ thể.

P9_hinhbai.jpg
Bộ GTVT đề xuất sửa quy định về thủ tục cấp quyền vận chuyển hàng không. Ảnh: ĐÀO TRANG

Việc này tránh thua lỗ cho doanh nghiệp và hạn chế việc trả lại slot, gián tiếp khiến công việc điều phối của Cục Hàng không khó khăn hơn. Vì nhà chức trách hàng không thường xác nhận slot cho các HHK gần mùa lịch bay.

“Do vậy, chúng tôi cho rằng việc quy định phải có slot trước khi được cấp quyền vận chuyển hàng không để hạn chế các HHK mở bán vé vượt quá slot hay mở bán vé quá nhiều so với thực tế khai thác là không cần thiết…” - đại diện VietJet cho hay.

Phản hồi kiến nghị này, cơ quan soạn thảo cho biết quy định đã được đánh giá kỹ nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ vận chuyển. Từ đó hạn chế việc chậm, hủy chuyến, ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách đi máy bay cũng như giảm tải sức ép lên hạ tầng kết cấu cảng hàng không, sân bay.

“Nên chúng tôi khẳng định việc đưa quy định này là cần thiết” - Bộ GTVT cho hay.

Kiến nghị sửa đổi quy định tuổi đời máy bay

Theo hãng Vietjet, quy định hiện hành tuổi máy bay vận chuyển hàng hóa đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam là không quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê theo hợp đồng thuê.

Đại diện VietJet cho rằng quy định trên chưa phù hợp với tình hình thực tế. Vì hiện nay, theo quy định bảo hành quốc tế, các máy bay có thể sử dụng trên 25 năm cho mục đích vận chuyển hàng hóa.

Chính quy định về tuổi của máy bay tại Việt Nam đã gây khó khăn, hạn chế đối với hoạt động kinh doanh của các HHK trong nước. Đến nay, chưa có một HHK Việt Nam nào khai thác đội bay vận chuyển hàng hóa chuyên dụng.

Phần lớn thị trường vận tải hàng hóa đường hàng không tại Việt Nam đang được kiểm soát bởi các HHK nước ngoài, đặc biệt các chặng bay quốc tế. Theo VietJet, do không bị vướng quy định này nên các HHK nước ngoài có thể khai thác những máy bay có tuổi đời lên tới 35-40.

Theo đó, HHK này kiến nghị Bộ GTVT xem xét, sửa đổi quy định của Luật Hàng không về độ tuổi cho máy bay vận tải hàng hóa 35-40 năm với điều kiện bảo hành theo quy định quốc tế.

Phản hồi vấn đề trên, Bộ GTVT cho biết với mục tiêu bảo đảm an toàn hàng không, các quy định về bảo vệ môi trường, quy định về yếu tố kỹ thuật của máy bay sẽ được tiếp thu để tiến hành rà soát trong quá trình xây dựng các văn bản dưới luật, thay vì quy định trong luật.•

Một số quy định về tuổi đời máy bay trên thế giới

Theo số liệu thống kê của hãng Boeing (năm 2018), tuổi khai thác trung bình của máy bay chuyên chở hành khách đối với loại máy bay thân hẹp là khoảng 28 năm, máy bay thân rộng là 25 năm. Tuổi khai thác trung bình của máy bay chuyên chở hàng hóa tương ứng là 38 năm và 31 năm.

Trong khi đó, theo báo cáo phát hành của SGI Aviation, tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật trong các lĩnh vực máy bay, quản lý động cơ và các quy định an toàn hàng không của Singapore (năm 2016) về độ tuổi của máy bay:

Độ tuổi hoạt động trung bình của máy bay thương mại trong vòng 36 năm qua (từ năm 1980 đến 2015) là 26,5 năm; trong đó, độ tuổi khai thác trung bình đối với máy bay chở khách là 25,1 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm