Ý kiến khác nhau về ưu ái DNNN

Ngay sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ cuối tháng 4 đã có nhiều ý kiến khác nhau khi Dự luật Doanh nghiệp (sửa đổi), có thêm một chương quy định riêng về doanh nghiệp nhà nước (DNNN). TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, đã có một số trao đổi về vấn đề này.

Dễ tái sinh lại Luật DNNN cũ

. Phóng viên: Thưa ông, nhận xét chung của ông về việc dự án Luật DN sửa đổi lần này như thế nào?

+ TS Nguyễn Ngọc Sơn: Trong thời gian gần đây, chúng ta đã sửa trên 10 đạo luật liên quan đến kinh tế như Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Phá sản… Việc sửa luật lần này là nhằm tạo ra những khung pháp lý cho việc thu hút đầu tư, vận hành quản lý DN.

Đối với Luật DN, việc sửa đổi lần này chắc chắn không thể tạo ra những đột phá vì nội dung sửa đổi được xây dựng trên những nguyên tắc đang được áp dụng. Điều đó, cũng dễ hiểu vì Luật DN 2005 đã bao hàm và được xây dựng trên những nguyên lý về tự do kinh doanh khá tiến bộ. Thế nhưng vẫn có một vài vấn đề khi sửa Luật DN khiến dư luận chưa yên tâm, đó là có thêm riêng một chế định dành cho DNNN.

. Về việc DNNN có riêng một chế định, phải chăng dự luật đã quá ưu ái “anh” nhà nước?

+ Trong dự án sửa đổi, tại chương 7, chúng ta thêm chế định về DNNN. Tôi e ngại, việc thêm chế định này có chăng sẽ tạo ra mầm mống cho việc tái sinh Luật DNNN năm 2003 đã từng có. Nếu Luật DNNN tái sinh lại thì có thể có nghi ngại về sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, khi mà DNNN có được những chế định riêng biệt.

 
Luật cần với đến những ngành độc quyền, nhạy cảm như xăng dầu. Ảnh: HTD

Vốn dĩ trước đây chúng ta từng có Luật DNNN, tồn tại từ những năm 1990 đến 2005. Luật DNNN ra đời ở thời điểm đó cũng đã tạo ra những cuộc tranh luận dai dẳng giữa nhà nghiên cứu, các DN với cơ quan quản lý. Vì dưới góc độ của khung pháp lý thì một thành phần kinh tế lại có luật riêng để điều chỉnh. Nhìn như vậy đã thấy không ổn, chúng ta phải xác định, đối với các DN phải bình đẳng như nhau.

. Nhưng có nhiều người cũng đồng tình cần có cơ chế quản trị khối DNNN vì đó là sở hữu toàn dân?

+ Đối với dự án sửa đổi luật lần này, chế định riêng về DNNN đặt ra ba vấn đề như quản lý của Nhà nước đối với DNNN, quản trị nội bộ trong công ty TNHH MTV có vốn 100% nhà nước và cuối cùng là vấn đề công bố thông tin của DNNN. Nếu chỉ có ba vấn đề này thì không thể gọi đó là một chế định về DNNN được mà chỉ là những quy định về quản lý sở hữu vốn nhà nước.

Từ đây, quan điểm tôi cho rằng không thể đưa vấn đề các DNNN thành một chế định, nếu có thì cùng lắm chỉ có thể là một quy định.

Luật và những ngành độc quyền

. Sửa luật liệu có giúp phá vỡ những thị trường bất khả xâm phạm, có tính nhạy cảm không, thưa ông?

+ Đó cũng là câu hỏi mà tôi băn khoăn trong thời gian gần đây. Bởi lẽ, Luật DN vốn dĩ đã rất thông thoáng, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh tham gia thị trường, thế nhưng cổng rộng mở mà cửa thì lại “đóng” hoặc quá hẹp thì cũng cần phải xem lại.

Ví như hiện thị trường xăng dầu sẽ có những quy định tương ứng về quản lý xăng dầu để điều chỉnh. Hay trong điện lực sẽ có Luật Điện lực điều chỉnh. Ở đây, tôi chỉ muốn đặt ra một vấn đề để mọi người cùng trao đổi, làm sao để tinh thần chung của pháp luật được phát huy tối đa.

. Vì sao ông muốn Luật DN với tay đến những thị trường nhạy cảm này?

+ Dĩ nhiên chúng ta không thể rà soát được từng mảng thị trường trong một lúc được. Nhưng khi sửa luật thì cũng nên xem xét những vùng thị trường đặc biệt và nhạy cảm. Vì những vùng thị trường này đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thiết yếu của người dân, sau nữa là ảnh hưởng đến an ninh kinh tế. Đây đều là những vấn đề quan trọng. Khi sửa luật, phải xem việc sửa luật có thể vươn đến những thị trường đó không?

Ngay cả cơ chế định giá trong xăng dầu chẳng hạn, liệu nó đã đảm bảo nguyên tắc về thị trường mà các luật khung như Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Giá đã từng chuyển tải chưa? Khi xây dựng một đạo luật lớn càng phải thận trọng càng tốt chứ không thể cứ soạn rồi ban hành.

. Xin cảm ơn ông.

MAI PHƯƠNG

Nên có “công ty cổ phần một thành viên”

Ngày 9-5, Trường ĐH Kinh tế - Luật cùng tạp chí Nghiên Cứu Lập Pháp tổ chức thảo luận về dự luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

PGS-TS Ngô Huy Cương (khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng luật có thiếu sót khi không quy định hình thức công ty cổ phần một thành viên. Ông cho rằng trong quá trình hoạt động, công ty cổ phần có thể chỉ còn có một thành viên mà thôi. Việc ép chuyển đổi công ty này sang hình thức khác là giải pháp vi phạm quyền tự do kinh doanh. “Năm 1990, luật quy định công ty cổ phần phải có ít nhất bảy thành viên, từ Luật DN 2005 đến nay đòi có ít nhất ba thành viên. Tại sao không là hai, là năm, là một? Triết lý nào đòi bảy, đòi ba? Cần làm cho rõ triết lý đó. Hình thức một thành viên đã có ở nhiều nước” - ông trình bày.

Góp ý về điều kiện kinh doanh, bà Trần Thanh Hương (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí) tỏ ý băn khoăn về chủ trương thông thoáng của dự thảo Luật DN (sửa đổi) liệu có đi vào cuộc sống. “Những văn bản dưới luật sẽ quy định ra sao? Liệu có đúng tinh thần như quy định của luật? Quy định cấm các bộ, ngành đặt thêm điều kiện kinh doanh, vậy Chính phủ đặt thêm điều kiện trong các nghị định thì sao?” - bà Hương cho biết.

Dự thảo Luật DN (sửa đổi) đề cao trách nhiệm tự khai của DN, còn cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ hậu kiểm. Thế nhưng theo ông Hồ Xuân Thắng (Trường ĐH Sài Gòn) thì: “Tôi làm ở Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM năm năm, chưa bao giờ thấy có quá bảy nhân viên thanh tra. Một ngày đến những 300 người đến thành lập DN mới, mà số thanh tra viên vậy thì làm sao kiểm tra cho nổi?”.

QUỲNH NHƯ

 

Hai luồng quan điểm

Có hai luồng quan điểm khi Dự luật DN (sửa đổi) đưa thêm chế định về DNNN vào. Luồng quan điểm tán thành cho rằng DNNN cần có quy định rõ và chặt chẽ hơn về quản trị DN, về hạn chế ngành nghề đăng ký kinh doanh, về yêu cầu công khai hóa thông tin ở mức độ cao hơn.

Luồng quan điểm thứ hai đề nghị không nên có chương riêng quy định về DNNN vì số lượng, tỉ trọng khối này sẽ giảm dần theo chủ trương chung về tái cơ cấu. Hơn nữa, việc thành lập, tổ chức và hoạt động DNNN phải tuân thủ như tất cả DN khác để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm