Ngày 13-1 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ chính thức thông qua nghị quyết luận tội đương kim Tổng thống Donald Trump với 232 phiếu thuận (10 phiếu là của nghị sĩ Cộng hòa)/197 phiếu chống, theo tờ The Financial Times. Hiện Hạ viện đang chuẩn bị gửi điều khoản luận tội lên Thượng viện để mở phiên xét xử. Ngày trước đó, Hạ viện cũng đã thông qua nghị quyết đề nghị Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án số 25 bãi nhiệm ông Trump nhưng ông Pence không làm theo.
Ông Trump sẽ bị xét xử khi nào?
Với các diễn biến trên, ông Trump trở thành tổng thống đầu tiên bị luận tội hai lần trong cùng một nhiệm kỳ. Tuy nhiên, mọi việc vẫn phải chờ vào động thái sắp tới của Thượng viện, bởi chỉ có cơ quan này mới có quyền kết án, buộc ông Trump rời nhiệm sở.
Theo đài CNN, hiện các thượng nghị sĩ (TNS) vẫn đang trong kỳ nghỉ, phải đến sớm nhất là ngày 19-1 mới quay lại làm việc. Tuần trước, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer tỏ ý muốn đẩy nhanh phiên xét xử trước ngày ông Trump mãn nhiệm nhưng ông McConnell phản hồi rằng nếu muốn triệu tập Thượng viện trước hạn thì phải được cả 100 TNS đồng ý.
Tiêu điểm Theo cổng thông tin chính thức của Hạ viện Mỹ, cơ quan này từ năm 1789 đến nay đã khởi động hơn 60 tiến trình luận tội. Trong số này, 20 cá nhân là quan chức cấp liên bang gồm 15 thẩm phán, ba tổng thống, một bộ trưởng và một thượng nghị sĩ. |
Ngày 13-1, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell chính thức bác lời kêu gọi đưa Thượng viện họp lại sớm. Ông McConnell cũng khẳng định phiên tòa luận tội ông Trump sẽ không diễn ra trước khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống vào ngày 20-1, tờ The Hill đưa tin.
Thông thường, tiến trình xét xử luận tội sẽ kéo dài từ vài ngày đến vài tuần để đại diện Hạ viện hoàn thành thủ tục khởi tố và các luật sư của ông Trump có thời gian chuẩn bị. Hơn nữa, để kết tội được ông Trump thì phải cần ít nhất 2/3 Thượng viện bỏ phiếu thuận, tức khoảng 67/100 TNS. Dù về mặt lý thuyết đúng là đảng Dân chủ đã kiểm soát Thượng viện sau khi thắng được hai ghế cuối cùng ở bang Georgia, hai tân TNS đó đến nay vẫn chưa nhậm chức (hạn chót là ngày 22-1) nên hiện tại Cộng hòa vẫn đang là đảng chiếm ưu thế (tỉ lệ 50-48). Do đó, việc kết tội ông Trump có khả năng thành công thì phe Dân chủ ít nhất phải thuyết phục được ít nhất 17 TNS Cộng hòa về phía họ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước người ủng hộ tập trung gần
Nhà Trắng ngày 6-1. Ảnh: Evan Vucci/AP
Có thể xét xử cựu tổng thống hay không?
Như vậy, khả năng cao là khi bị xét xử thì ông Trump đã rời Nhà Trắng. Tương tự, chuyện bị luận tội hai lần, đây sẽ là một tiền lệ nữa bởi chưa từng có cựu tổng thống Mỹ nào trước đây bị xét xử sau khi đã hết nhiệm kỳ.
Xét về mặt nội dung, khoản 4 Điều 2 Hiến pháp Mỹ quy định hình phạt đối với những cá nhân bị kết án trong các phiên xét xử luận tội là cách chức. Ông Trump lúc đó đã mãn nhiệm và trên danh nghĩa thì không thể cách chức của một người đã không còn đảm nhận chức vụ đó.
Giải thích thêm về hướng diễn giải này, trong một bài viết đăng trên tờ The Washington Post, cựu Thẩm phán Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực 4 John Michael Luttig nhấn mạnh mục đích của khoản 4 Điều 2 là nhằm ngăn chặn lãnh đạo đương nhiệm làm tổn hại thêm nữa lợi ích quốc gia. Khoản 3 Điều 1 Hiến pháp cũng quy định rõ là phạm vi yêu cầu của điều khoản luận tội mà Hạ viện gửi lên chỉ được dừng ở việc bãi nhiệm cá nhân có liên quan, cấm cá nhân đó giữ các chức vụ công quyền và hưởng các ưu đãi kèm theo trở về sau.
Tuy nhiên, theo một bài báo khoa học của GS Michael J. Gerhardt thuộc ĐH North Carolina (Mỹ) được trang nghiên cứu pháp lý Just Security dẫn lại thì nội dung khoản 4 Điều 2 không quy định thời gian cụ thể nên các cá nhân dù đã mãn nhiệm vẫn bị đem ra xét xử như bình thường vì những hành vi bị xét xử diễn ra trong lúc người đó vẫn còn tại nhiệm. Ngoài ra, do trường hợp của ông Trump là trường hợp đặc biệt nên không thể diễn giải các điều khoản Hiến pháp một cách cứng nhắc về mặt ngữ nghĩa mà phải xét tới khả năng áp dụng của chúng. Just Security còn đặt câu hỏi giả sử những sai phạm của ông Trump chỉ bị phát hiện sau khi ông rời nhiệm sở thay vì còn tại chức như hiện nay thì sao? Ông vẫn sẽ được miễn trách nhiệm trong khi những hậu quả (nếu có) sẽ để lại cho chính quyền kế nhiệm giải quyết?
“Một trong những nguyên tắc hàng đầu của hiến pháp Mỹ là không ai được đứng trên pháp luật, kể cả tổng thống trước và sau khi rời nhiệm sở. Hơn ai hết, ông Trump phải hiểu được là quyền lực đi kèm với trách nhiệm vì rõ ràng ông ấy rất muốn được ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa” - theo Just Security.
Do tính chất phức tạp của vấn đề, nhiều khả năng Quốc hội sẽ phải nhờ tới sự can thiệp và diễn giải cuối cùng của Tòa án tối cao. Chưa rõ quyết định của tòa sẽ ra sao nhưng một điều cần lưu ý là chức năng bảo hiến vẫn là chức năng chính của Tòa án tối cao Mỹ, nên dù vụ của ông Trump có đặc biệt đến mức nào thì tòa vẫn sẽ khó có thể diễn giải quá xa rời nội dung gốc của hiến pháp.•
Ai sẽ đại diện Hạ viện tham gia phiên xét xử? Tờ The New York Times dẫn phát biểu mới đây của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết đã bổ nhiệm xong chín hạ nghị sĩ tham gia phiên xét xử luận tội ông Trump với vai trò công tố viên. Nghị sĩ Dân chủ Jamie Raskin của bang Maryland, một cựu giáo sư luật hiến pháp sẽ giữ vai trò công tố viên dẫn đầu. Những người còn lại gồm các nghị sĩ Dân chủ khác là bà Diana DeGette của bang Colorado, ông David Cicilline của bang Rhode Island, ông Joaquin Castro của bang Texas, ông Eric Swalwell, ông Ted Lieu của bang California, ông Joe Neguse của bang Colorado, bà Madeleine Dean của bang Pennsylvania và bà Stacey Plaskett của quần đảo Virgin (lãnh thổ thuộc Mỹ). |