Chủ trì cuộc trao đổi là PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội, cùng với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về vấn đề thi, đo lường, đánh giá chất lượng giáo dục; về ứng dụng khoa học công nghệ thông tin tiên tiến trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ phục vụ hoạt động đào tạo.
Phát biểu tại đây, ông Trần Xuân Nhĩ cho biết thái độ của hiệp hội với dự thảo này là ủng hộ để làm thế nào cho kỳ thi đạt kết quả tốt, các trường tuyển được học sinh chất lượng vào để đào tạo. Điểm nào chưa phù hợp thì kiến nghị, cái gì phù hợp thì ủng hộ.
Theo TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam), nguyên là phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT cho rằng: Quan điểm của hiệp hội thể hiện trong hai công văn gửi Bộ từ tháng 3-2016 và tháng 7-2016 trong đó nội dung đều góp ý cho phương án tuyển sinh năm 2016 và 2017.
Kỳ thi THPT quốc gia thì phải đánh giá toàn diện, thể hiện ở tất cả môn thi chứ không phải là đánh giá lệch. Nhưng nếu đánh giá theo môn tự luận thì kỳ thi cực kỳ nặng nề. Trong trường hợp này phải chuyển sang trắc nghiệm một phần. Vấn đề môn nào trắc nghiệm cho hợp lý và tỉ lệ là bao nhiêu? Mỗi hình thức có một ưu điểm khác nhau.
Còn GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), chia sẻ đối với môn toán, sử có nhiều ý kiến không đồng tình thi trắc nghiệm.
Theo ông Thiệp, rất khó trả lời về việc Bộ có chọn được đề thi tốt hay không, việc tổ chức kỳ thi như thế nào cho tốt phụ thuộc vào việc Bộ có huy động được chuyên gia tốt tham gia vào xây dựng kỳ thi hay không.
Môn toán có thể dùng hình thức thí sinh tự tạo ra đáp án, như kỳ thi SAT của Mỹ có 10 câu hỏi mà thí sinh tự viết đáp án chứ không phải là chọn đáp án. Nếu môn toán thêm được vào đề thì có thể giảm bớt đoán mò, may rủi khi làm bài. Lâu nay, môn ngữ văn, lịch sử thi tự luận nhưng chấm như thế nào? Để chấm môn tự luận, kỳ thi gọi rất nhiều giáo viên, quy định barem chi tiết, biến đề tự luận thành cách đếm ý để tính điểm. Mà điều đó không khác phương pháp trắc nghiệm. Vô hình trung biến đề thi tự luận hay thành đề thi trắc nghiệm tồi.
Trong đề nghị cách đây hơn hai năm, hiệp hội cũng đề nghị cả ngữ văn, toán đều thi trắc nghiệm chính nhưng cả hai môn đều có phần tự luận 30 phút để đánh giá, bổ sung cho phương pháp trắc nghiệm. Ngữ văn dùng tự luận cũng không phải là tốt, không hiểu vì sao năm nay Bộ vẫn dùng phương pháp tự luận với phương pháp tự luận.
Ông Nhĩ bày tỏ: Thái độ của hiệp hội với dự thảo này là ủng hộ để làm thế nào cho kỳ thi đạt kết quả tốt, các trường tuyển được học sinh chất lượng để đào tạo. Điểm nào chưa phù hợp thì kiến nghị, cái gì phù hợp thì ủng hộ.
Theo PGS-TS Trần Thị Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, những năm trước đề thi tự luận truyền ra ngoài thì có nhóm người giải đề thi và truyền vào phòng, trường thi đầy phao, việc chấm điểm tự luận của thầy cô đôi khi cũng phụ thuộc vào tâm trạng của giáo viên. Điều đó để thấy rằng chấm bằng máy sẽ công bằng hơn. Việc thi tự luận hay trắc nghiệm thì không tác động nhiều đến việc học, thầy cô giáo cứ dạy đúng chương trình thì học sinh sẽ học tốt.
Bà Nga đề xuất Bộ nên chọn lọc trong ngân hàng câu hỏi của ĐHQG với mục tiêu thi tốt nghiệp THPT chứ không phải thi ĐH. Việc tuyển sinh ĐH do các trường tự chủ, hội đề nghị Bộ nên có chế tài buộc các trường công bố phương án tuyển sinh sớm để thí sinh được chủ động.