Sáng 6-3, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
Uỷ ban Tư pháp tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm từ 2017 đến đầu năm 2019
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong các dịp tổ chức sự kiện quốc tế được bảo đảm tốt, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tình hình tai nạn giao thông trong các năm 2017, 2018 đều giảm so với năm trước trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương)…
Tuy nhiên, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến rất phức tạp; số người chết và số người bị thương tuy có giảm những vẫn rất nghiêm trọng (TNGT đường bộ và đường sắt trong năm 2018 làm gần 8.200 người chết và hơn 14.700 người bị thương).
“Trung bình mỗi ngày có khoảng 23 người mãi mãi không bao giờ về nhà nữa” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Bà Nga cho hay khi đặt ra yêu cầu tổ chức phiên giải trình này, có một số ý kiến cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nhưng quan điểm của Uỷ ban là với trách nhiệm của cơ quan dân cử, Quốc hội muốn chung tay cùng Chính phủ, để tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng tai nạn giao thông.
"Chúng tôi luôn trăn trở với câu hỏi, rằng với quy định pháp luật như hiện nay, nếu không cần đầu tư ngân sách lớn thì chúng ta có tìm ra giải pháp gì chặn đứng tình hình vi phạm an toàn giao thông hay không?" - bà Nga đặt vấn đề.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ sau đó nêu 11 vấn đề lớn đề nghị các cơ quan liên quan giải trình.
Thường trực Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ
Đáng chú ý, liên quan đến công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, theo Uỷ ban Tư pháp, một số trạm thu phí BOT có dấu hiệu đặt tại vị trí không hợp lý, gây bức xúc trong dư luận; thậm chí một số nơi, người tham gia giao thông đã tụ tập đông người tại các trạm thu phí BOT, sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ để nộp phí, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
“Trong khi đó, quyết định về việc thu phí điện tử tự động không dừng được ban hành từ năm 2017 đến nay chưa được thực hiện”- bà Thuỷ nói
Bà cho biết theo quyết định này, đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên thì chậm nhất đến ngày 31-12-2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí sử dụng đồng bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Bộ Công an giải trình khi việc răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao.
Bà cho là một số trường hợp còn có biểu hiện “nhờn” luật do cán bộ tuần tra, kiểm soát tiêu cực trong xử lý; hoặc có tình trạng bằng mắt thường có thể phát hiện xe vận chuyển quá tải nhưng thực tế các xe này vẫn vận chuyển trót lọt.
Bên cạnh đó, dư luận đã phản ánh tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy song công tác tuần tra, kiểm soát chưa tập trung nhiều vào việc kiểm tra tình trạng này. Chỉ đến khi xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do lái xe sử dụng ma túy gây bức xúc trong dư luận thì việc kiểm tra tình trạng này mới được chú trọng.
Đặc biệt, Bộ Công an được đề nghị giải trình về một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí có tình trạng “bảo kê” cho vi phạm. “Từ ngày 16-11-2016 đến ngày 15-2-2019 đã xử lý 344 cán bộ chiến sĩ vi phạm quy trình, chế độ công tác” – nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp trích dẫn báo cáo của Bộ Công an.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, Bộ GTVT được đề nghị giải trình về việc một số hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên; chưa chọn đúng, trúng vấn đề bất cập trong thực tiễn để thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất nên hiệu quả chưa cao.
“Công tác kiểm tra việc thu phí tại Trạm thu phí Dầu Giây chỉ được thực hiện sau khi xảy ra vụ cướp tại Trạm này và dư luận hoài nghi về tính chính xác của số tiền thu phí hàng ngày”- bà Thuỷ dẫn chứng.
Bên cạnh đó, một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ. Uỷ ban Tư pháp sau đó dẫn chứng vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Thanh tra Sở GTVT Cần Thơ. Theo đó, 7 cán bộ thanh tra thỏa thuận với một số doanh nghiệp, nhà xe để không bắt hoặc bắt nhưng phạt với các lỗi nhẹ khi vi phạm luật giao thông; hàng tháng hoặc mỗi lần vi phạm, các doanh nghiệp và cá nhân giao nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản cho các cán bộ thanh tra giao thông, với số tiền ít nhất là 1 triệu đồng/tháng, nhiều nhất là 28 triệu đồng/tháng.