Ông N. còn bị chủ nhà liền kề khiếu nại, cho rằng ông xây lấn chiếm không gian. Tháng 9-2008, UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM có Quyết định (QĐ) 6441 xử phạt hành chính, buộc phá dỡ phần xây dựng ở ngoài ranh cấp phép. Do ông N. không thực hiện nên tháng 8-2014, UBND có QĐ 6209 cưỡng chế thi hành.
Một tháng sau, ông N. khởi kiện yêu cầu tòa hủy QĐ 6209. Khi tòa đang giải quyết thì ngày 5-7, ông N. kiện bổ sung yêu cầu hủy cả QĐ 6441. Xử sơ thẩm, TAND quận nhận định ông N. kiện bổ sung sau ngày Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực (1-7-2016) nên thẩm quyền thụ lý là của TAND TP.HCM. Từ đó tòa án quận đình chỉ xét xử, chuyển hồ sơ lên.
Mới đây, ông N. đã nhận được quyết định của TAND TP theo hướng tách yêu cầu của ông ra thành hai vụ kiện khác nhau.
Tòa này cho rằng đối tượng khởi kiện của vụ án là QĐ 6209 đã được TAND quận thụ lý sơ thẩm vào ngày 6-10-2014. Căn cứ khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 104 ngày 25-11-2015 của Quốc hội (về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính 2015) thì đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện đã được TAND cấp huyện thụ lý giải quyết trước ngày 1-7-2016 thì tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết, không chuyển cho TAND cấp trên. Do đó, thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy QĐ 6209 là của TAND quận Bình Thạnh. Việc TAND quận chuyển hồ sơ lên là không đúng quy định, cần chuyển về lại để tiếp tục giải quyết.
Đồng thời, TAND TP.HCM đã ra thông báo thụ lý mới hồ sơ ông N. khởi kiện yêu cầu hủy QĐ 6441 của UBND quận Bình Thạnh.