Ban Kinh tế Trung ương vừa có báo cáo sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2010.
Kiểm toán Nhà nước báo cáo Ban Kinh tế Trung ương về việc chi Quỹ BHYT không đúng quy định hàng tỉ đồng.
Theo đó, ngoài những việc đã làm được thì việc phổ biến, quán triệt Nghị quyết ở một số nơi chưa sâu rộng, còn hình thức, chủ yếu mới chỉ đến cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đảng viên trong hệ thống chính trị mà chưa đến đối tượng đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT là người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp và những người mới tham gia lực lượng lao động.
Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên chưa quán triệt sâu sắc yêu cầu, nội dung, quan điểm chỉ đạo của nghị quyết, do vậy chưa nhận thức được đầy đủ. Theo đó, việc thực hiện mục tiêu cơ bản như đến năm 2020 “có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp” khó đạt được…
Ngoài ra, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế-xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Quy định về BHXH bắt buộc còn chưa bao gồm một số nhóm đối tượng như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc linh hoạt hoặc có quan hệ lao động đặc biệt (quan hệ lao động chuyển sang quan hệ kinh tế không có hợp đồng lao động như lái xe Uber, Grab...).
Đặc biệt, việc nâng cấp hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin thường chậm so với việc điều chỉnh các thể chế, chưa đáp ứng được nhu cầu kết nối đối tượng và công tác quản lý.
Cụ thể, ứng dụng công nghệ thông tin, nối mạng liên thông kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung giữa BHXH với các bộ, ngành và với trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa tốt. Ngành BHXH mới chỉ thực hiện dưới hình thức trao đổi, chia sẻ ở phạm vi hẹp dẫn đến tình trạng kê khai, đăng ký thông tin về BHXH, BHYT bị trùng lặp với thông tin quản lý của các bộ, ngành, người lao động trục lợi quỹ BHTN. Nối mạng dữ liệu giữa các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và cơ quan BHXH chưa đồng bộ, còn sai sót trong thực hiện chính sách, lỗi kỹ thuật dẫn đến chưa thực hiện công khai minh bạch trong việc tham gia BHXH và thanh toán chế độ, chính sách BHTN.
Việc đầu tư Quỹ BHXH hiện nay chủ yếu thông qua mua trái phiếu Chính phủ (thời hạn đầu tư dài) và gửi tiền ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại hoạt động lành mạnh theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước mà chưa đa dạng các hình thức đầu tư khác có lợi nhuận cao hơn nên chưa tận dụng hết khả năng sinh lời của quỹ. Còn tồn tại các khoản nợ đầu tư quá hạn chưa thu hồi được.
Tại một số địa phương còn có hiện tượng cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách được Ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng, dù đã phát hiện nhưng chưa khắc phục triệt để. Chi quỹ BHYT không đúng quy định hàng tỉ đồng.
Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, BHXH TP Đà Nẵng chi trợ cấp ốm đau thai sản không đúng chế độ là 50,8 triệu đồng, BHXH TP.HCM chi trả trợ cấp thai sản trùng 47,3 triệu đồng, chi cho dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định 8,6 tỉ đồng, thuốc 2,78 tỉ đồng…
Với những hạn chế trên, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị BHXH Việt Nam, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử. Triển khai thực hiện liên thông dữ liệu điện tử về tiền đóng bảo hiểm xã hội trên toàn quốc. Tiến tới thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Đặc biệt, BHXH phải có giải pháp xử lý tài chính đối với BHXH, BHYT như nộp ngân sách cấp trùng, thu hồi chi phí khám chữa bệnh BHYT sai quy định. Có biện pháp tích cực, hiệu quả thu hồi các khoản nợ đọng, hạn chế tình trạng nợ phổ biến, kéo dài dẫn đến thất thu các quỹ bảo hiểm…