Bão cấp 12 , Nam Trung Bộ rùng rùng di dân

Ninh Thuận, Khánh Hòa: Di dân, kiểm tra chặt hồ chưa nước

Tại Ninh Thuận, hai cảng cá Cà Ná và Đông Hải có gần 1.500 tàu thuyền neo đậu trú bão. Hồ chứa nước Sông Trâu, do mưa nhiều nên đã vượt dung tích thiết kế, đang xả lũ với lưu lượng 10 m3/giây. Tỉnh đang sơ tán dân những vùng biển, ven sông, vùng trũng thấp về nơi an toàn. Lực lượng vũ trang hỗ trợ nhân dân chằng, chống nhà cửa, kho tàng, các công trình công cộng và chuẩn bị phương tiện hộ đê ngăn lũ. Dự kiến tất cả sẽ hoàn tất vào sáng nay. Theo đại tá Huỳnh Xuân Hiệp, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, tính đến tối qua, hầu hết các tàu thuyền trong và ngoài tỉnh hoạt động trên vùng biển Ninh Thuận đã cập bờ trú bão.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng đã quyết định dời Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 7 đến TP Nha Trang. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tính đến 17 giờ chiều qua, mọi công tác chuẩn bị đối phó với cơn bão đã cơ bản hoàn tất. Khánh Hòa đã di dời được gần 4.000 hộ với hơn 17 ngàn dân đến nơi an toàn.

Không thể tiếp cận đảo Phú Quý bằng trực thăng

Theo dự kiến, bảy giờ sáng qua trực thăng quân sự sẽ đưa đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận tỉnh Nguyễn Văn Thu, dẫn đầu tăng cường đến huyện đảo Phú Qúy. Tuy nhiên, vào giờ chót chuyến bay được lệnh tạm hoãn do ngòai khơi gió giật rất mạnh, mưa lớn mù mịt.

Lực lượng cứu hộ tại đảo Phú Quý dù đã tăng cường phương tiện, vật lực quần nát khu vực Bãi Phủ nhưng vẫn chưa tìm được xác anh Nguyễn Văn Tài, chủ tàu BTH-8368TS bị mất tích một ngày trước đó. Ông Hùynh Văn Hưng, Chủ tịch huyện đảo Phú Quý, cho biết đến trưa qua toàn huyện đảo đã tập kết gần 600 tàu thuyền lên bờ an toàn, neo đậu tại bến hơn 500 chiếc và đã kéo hơn 100 tàu lớn vào Phan Thiết để tránh bão. Bình Thuận đã lên phương án, địa điểm cụ thể để di dời hơn 102 ngàn người dân vào điểm trú an toàn.

Do ảnh hưởng gió giật mạnh, tại huyện Tánh Linh đã có năm căn nhà bị tốc mái, tại phường Phước Lộc, thị xã La Gi do ảnh hưởng bão, biển xâm thực khiến 15 căn nhà ven biển của dân bị sạt lở có nguy cơ bị đổ sụp

Chiều qua, ông Huỳnh Văn Tí, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã đến xã Tiến Thành (Phan Thiết) chỉ đạo công tác ứng phó với tình huống mưa trong và sau bão do ở đây này luôn bị sạt lở xuống hàng trăm nóc nhà.

Trong ngày 23-11, lợi dụng khi bão di chuyyển chậm và đổi hướng có 20 tàu thuyền (Phan Thiết bốn chiếc/20 lao động, La Gi 16 chiếc/106 lao động) vẫn cố tình ra biển đánh bắt. Lực lượng bộ đội biên phòng đã cho tàu cao tốc ra khơi ngăn chặn, kiên quyết yêu cầu tất cả trở lại bờ.

Bình Định, Phú Yên: Nhiều tàu cá bị nạn trên đường tránh bão

Toàn tỉnh Phú Yên đã sơ tán hơn 6.000 dân các khu vực xung yếu ven biển và đưa hơn 3.000 tàu đánh cá vào nơi trú ẩn. Tại Tây Hòa có một người bị nước cuốn mất tích. Tại TP Tuy Hòa, chính quyền đã tiến hành di dời 63 hộ với khoảng 218 nhân khẩu ở thôn Long Thủy, xã An Phú. Đây là xã biển theo dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão. Chiều qua bộ đội biên phòng tỉnh đã dùng canô, thuyền máy, di dời 78 hộ với hơn 300 người dân ở xóm đảo Phước Giang, xã Hòa Tân, huyện Đông Hòa, đến nơi trú an toàn.

Tuy nhiên, vẫn còn 30 người và một tàu đánh cá còn mắc kẹt ở Hòn Lao Mái Nhà, xã Hải An, huyện Tuy An. Trước đó, huyện này đã sơ tán khẩn cấp 329 hộ nằm trong vùng triều cường.

Cũng trong ngày hôm qua, tại Phú Yên, Quân khu V đã thành lập ban chỉ huy tiền phương giúp dân đối phó với bão số 7 tại Phú Yên.

Tại Bình Định, nhiều tàu cá đã mắc nạn trên đường tránh bão. Sáng qua, tại đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, tàu cá Philippines mang ký hiệu 02059 đã vớt được bảy ngư dân Bình Định trên tàu cá ĐB-2483-TS. Hai ngày trước đó, tàu này bị nạn, hai ngư dân được một tàu cá Bình Định đưa vào bờ, bảy ngư dân ở lại để sửa chữa tàu nhưng tàu đã bị chìm và tàu cá Philippines đã kịp thời cứu vớt.

Trước đó, ngày 22-11, hai tàu cá BĐ-1176-TS, BĐ-2506-TS với 16 ngư dân, trên đường vào khu vực Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa để tránh bão thì bị mắc cạn, có nguy cơ bị sóng đánh vỡ tàu, rất may các ngư dân đã được các tàu đánh cá khác cứu vào bờ an toàn.

Sáng qua, tàu cá BĐ-1905-TS với bảy ngư dân trên đường vào đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa để tránh bão thì gặp nạn, các ngư dân trên tàu đã phát tín hiệu cứu nạn khẩn cấp. Đến 10 giờ 40 cùng ngày, tàu cứu nạn của bộ đội hải quân đã tiếp cận và đưa bảy ngư dân cùng phương tiện vào bờ an toàn.

Bão số 7 mạnh cấp 12, giật trên cấp 12

Hồi 19 giờ ngày 23-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc, 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 200km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật trên cấp 12.

Bão cấp 12 , Nam Trung Bộ rùng rùng di dân ảnh 1

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 7 di chuyển chậm theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Đến 7 giờ ngày 24-11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,9 độ Vĩ Bắc, 110,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 180km về phía Đông.

Trong 12 đến 24 giờ tới, bão số 7 hầu như ít di chuyển và có khả năng đổi hướng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do bão số 7 di chuyển chậm và có khả năng đổi hướng, cần chủ động đề phòng khả năng tâm bão đi vào vùng bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, cùng với việc phòng tránh ảnh hưởng của bão trên khu vực giữa và Nam Biển Đông.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) và vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió bão mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12. Biển động dữ dội.

Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ bốn đến năm mét.

Ở các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Bị kỷ luật nếu để dân chết khi đang ở ngoài biển

Hôm qua 23-11, Ban Phòng chống lụt bão (PCLB) trung ương -Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có công điện khẩn gửi các địa phương từ Đà Nẵng đến Cà Mau và các cơ quan chức năng. Theo đó phải kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của các tàu đánh bắt ven bờ và cấm các phương tiện ra biển trong khu vực nguy hiểm.

Các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận phải luôn sẵn sàng sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Các tỉnh phải có phương án đối phó với lũ, dự trữ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống... sẵn tại những vùng có nguy cơ bị chia cắt do lũ gây ra. Đồng thời, phải bố trí lực lượng, phương tiện thường trực để tìm kiếm cứu nạn.

Lực lượng cứu hộ giúp gia đình chị Phạm Thị Cảnh (phường Đông Hải, TP Phan Rang, Tháp Chàm, Ninh Thuận) neo chằng nhà cửa. Ảnh: MINH TRÂN
Lực lượng cứu hộ giúp gia đình chị Phạm Thị Cảnh (phường Đông Hải, TP Phan Rang, Tháp Chàm, Ninh Thuận) neo chằng nhà cửa. Ảnh: MINH TRÂN

Phát biểu chỉ đạo khi thị sát việc phòng chống bão tại Khánh Hòa sáng qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đến thời điểm này, nếu để xảy ra người chết khi đang ở ngoài biển, lãnh đạo địa phương sẽ bị kỷ luật

Tại huyện Cần Giờ, TPHCM, đến chiều tối qua đã có 1.400 phương tiện đánh bắt thủy sản vào đất liền trú bão. Trong số 25 tàu đánh bắt xa bờ của huyện có 21 tàu về lại địa phương. Riêng bốn tàu (36 thuyền viên) đang tạm lánh bão tại một đảo thuộc Indonesia. Còn lại 1.368 phương tiện đánh bắt ven bờ, chính quyền địa phương đã ban hành lệnh cấm, không cho xuất bến.

Từ 19 giờ tối qua, Vịnh Nha Trang đã có gió cấp 7 giật cấp 8. Sóng đánh cao từ 3 m đến 4 m dọc bờ kè Trần Phú. Đoạn đường Trần Phú từ nhà văn hóa tới cầu Trần Phú dài hơn một km do sóng đánh quá cao đã bị cát bồi lấp hơn ba tấc khiến giao thông trên tuyến đường này bị tắc nghẽn cục bộ.

Sóng đánh cao gần 4 m trước nhà khách T 378 Bộ Công an trên đường Trần Phú. Ảnh chụp lúc 21g 30 (đêm 23-11). Ảnh Viễn Sự
Sóng đánh cao gần 4 m trước nhà khách T 378 Bộ Công an trên đường Trần Phú. Ảnh chụp lúc 21g 30 (đêm 23-11). Ảnh Viễn Sự

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm