“Bí”... đầu ra

Hai năm qua, bà Nguyễn Thị Thục ở thôn Chùa, xã Xương Giang, TP Bắc Giang (Bắc Giang) đã liên tục gõ cửa nhiều cơ quan chức năng kêu cứu bởi nhà bà không có chỗ thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt hàng ngày mà không nơi nào giải quyết.

Lấp rãnh nước làm khó hàng xóm

Theo bà Thục, ngay từ khi được cấp đất ở đây hơn 30 năm trước, nhà bà đã dành ra một phần đất liền kề với nhà hàng xóm để làm rãnh thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt. Khi gia đình hàng xóm “bán” đất cho bà Đỗ Thị Tư, trong giấy tờ “mua bán” có ghi rõ: Rãnh nước chảy là của hai nhà đối diện liền kề với đất được “bán”, trong đó có nhà bà Thục.

Tuy nhiên sau đó, không hiểu sao UBND thị xã Bắc Giang (nay là TP Bắc Giang) cấp “giấy đỏ” cho nhà bà Tư lại có cả rãnh thoát nước của hai nhà đối diện. Đầu năm 2006, gia đình bà Tư đã âm thầm lấp rãnh nước này. Thấy nước thải sinh hoạt bỗng nhiên dềnh lên, nhà bà Thục tức tốc đi thông rãnh mới té ngửa là rãnh thoát nước bao năm qua đã bị nhà bà Tư lấp. Trong khi nhà bà Thục thì đông người, có cả trẻ nhỏ, nước phục vụ cho nhu cầu ăn uống, rửa ráy, tắm giặt... không thể thiếu mỗi ngày, cùng với đó thì nhu cầu về chỗ xả nước thải cũng cấp bách tương ứng.

Bà Thục đề nghị bà Tư cho thông rãnh như cũ nhưng không được đáp ứng nên đã khởi kiện đề nghị TAND TP Bắc Giang buộc UBND TP sửa lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà bà Tư theo đúng diện tích đã “mua bán” trước đây để trả rãnh thoát nước cho gia đình bà.

Dưới công nhận, trên bác yêu cầu

Trước tòa, ngoài việc khẳng định mình lấp rãnh thoát nước là đúng khi căn cứ vào “giấy đỏ”, nhà bà Tư còn đưa ra lý do: “Có rãnh nước thải trước cửa, nhiều lúc nhà tôi phải hứng mùi khó chịu. Chưa hết, khi trời mưa, nước từ mái tôn nhà đó xả vào sân nhà tôi bắn tung tóe. Nước của nhà đó mà nhà tôi lãnh đủ, làm sao chịu nổi!”.

Tuy nhiên, phía bà Thục lại cho biết: “Trước đây, tình làng nghĩa xóm giữa hai bên rất đầm ấm, tối lửa tắt đèn có nhau. Đánh được mẻ cá, nhà bên đó cũng ới nhà tôi lại sẻ cho. Vậy mà từ khi họ có rãnh nước “nhảy vào” “giấy đỏ” thì sinh chuyện này nọ, hai nhà không còn nhìn mặt nhau nữa!”.

Tháng 11-2006, TAND TP Bắc Giang đã tuyên buộc bà Tư phải trả lại diện tích đất có phần rãnh thoát nước cho bà Thục, đồng thời kiến nghị UBND TP Bắc Giang đính chính lại “giấy đỏ” của hai nhà. Sau đó, tháng 1-2007, TAND tỉnh này xử phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu của bà Thục, xác định rãnh nước đó không thuộc nhà nào mà là đất công do cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Tuyên chung chung, thi hành án bó tay

Theo Thi hành án dân sự TP Bắc Giang, phán quyết trên của tòa phúc thẩm tuyên rất chung chung nên đến nay vẫn không thể thi hành được. Đây là vụ việc đang vướng nhất đối với cơ quan này và thuộc loại “hiếm” trong hoạt động thi hành án ở địa phương.

Ông Trần Văn Thùy, Trưởng Thi hành án TP Bắc Giang gay gắt: “Tòa không xác định ai là người phải thi hành án; không xác định vị trí cụ thể của rãnh nước; không kiến nghị thu hồi và xác định cơ quan nào phải đứng ra thu hồi phần đất có rãnh nước này; cơ quan quản lý rãnh nước đó là cơ quan cụ thể nào cũng không nói tới. Vì thế, chúng tôi không thể làm gì được với bản án này!”.

Vẫn tiếp tục “bí” đầu ra, gia đình bà Thục phải tới gõ cửa nhiều cơ quan của TP Bắc Giang đến chùn chân, mỏi gối. UBND TP Bắc Giang cũng đã nhắc nhở địa phương phối hợp với cơ quan tài nguyên môi trường giải quyết nhưng đến nay, những nơi này vẫn chưa có động cựa gì bởi họ cũng bị vướng bản án “mông lung” của tòa.

“Tòa tuyên rãnh thoát nước là của ai chúng tôi cũng ưng hết, miễn là làm sao nước nhà tôi nhanh chóng có chỗ thoát là được. Không biết gia đình tôi còn phải sống trong cảnh “đau đẻ chờ sáng trăng” đến bao giờ nữa!” - bà Thục than thở.

Theo một luật sư, trước nhu cầu bức bách và chính đáng về chỗ thoát nước thải của gia đình bà Thục, các cơ quan chức năng của TP Bắc Giang hoàn toàn có thể giải quyết theo hai hướng: Thứ nhất là THA TP Bắc Giang làm công văn đề nghị TAND tỉnh giải thích những điểm chưa rõ để đưa vào đó thi hành án. Nếu TAND tỉnh không giải thích được thì kiến nghị Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án để sửa sai. Thứ hai là tòa đã tuyên phần rãnh nước đó là đất công, tức không thuộc quyền sử dụng của gia đình bà Tư nữa thì cơ quan chức năng có thể linh động cho bà Thục khơi lại rãnh làm chỗ thoát nước thải tạm như thực tế hiện hữu bao năm qua...

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm