“Cao bồi vườn” tấn công công an, cảnh sát

Từ năm 2003 đến giữa năm 2008 đã xảy ra gần bốn ngàn vụ, trong đó có tới 3.400 vụ chống lại lực lượng công an, số còn lại là chống các lực lượng khác như cán bộ tòa án, viện kiểm sát, hải quan, kiểm lâm... Chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2008 đã có 520 vụ vi phạm làm 170 cán bộ cảnh sát bị thương, ba cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh. Đó là những thông tin đáng lưu ý tại hội thảo “Chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm an ninh trật tự của lực lượng công an nhân dân - Thực trạng và giải pháp” do Bộ Công an tổ chức sáng qua (17-10).

Tông xe, tấn công cảnh sát bằng dao, gậy...

Ngày 24-7, Nguyễn Hồng Thu (quận 10, TP.HCM) đi xe Wave gắn biển số giả chở theo Kiệt. Khi bị kiểm tra, Thu vứt xe bỏ chạy, Kiệt rút dao trong người tấn công các chiến sĩ cảnh sát. Hoặc như vụ Phạm Văn Cường (Củ Chi, TP.HCM) cùng đồng bọn đi bắt trộm chó năm 2006. Khi bị phát hiện, Cường dùng xe máy đâm vào lực lượng công an làm chết một chiến sĩ và một chiến sĩ bị thương.

Không chỉ CSGT bị người vi phạm chống đối mà lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa cũng gặp không ít tai nạn. Ngày 12-9-2007, trong phiên tòa xét xử vụ Nguyễn Ngọc Thành Hạnh (Hạnh Nhật), các bị cáo và người thân la ó, xô đẩy bàn ghế, ngăn cản không cho lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ, giật rơi nhiều phù hiệu cảnh sát, gây hỗn loạn phòng xử án...

Ngoài ra, hội thảo cho biết việc chống người thi hành công vụ còn xuất hiện khá nhiều trong lĩnh vực cưỡng chế thi hành án, giải tỏa mặt bằng thu hồi đất đai...

Xuất hiện “cao bồi vườn”

Tại hội thảo, đại tá Nguyễn Chí Phi - Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết 70% vụ vi phạm xảy ra ở nông thôn, đối tượng bị chống đối nhiều nhất là CSGT và công an xã. Thanh niên nông thôn không có chỗ sinh hoạt vui chơi như thanh niên các xã trung tâm vì vậy nhiều người chỉ biết nhậu rồi đánh nhau. Do đó xuất hiện khá nhiều “cao bồi vườn”.

Về việc này, bà Trần Thị Ngọc Đẹp - Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho rằng cần lập danh mục sưu tra đối với các trường hợp thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ly hôn phải sống chung với ông bà vì đây là đối tượng rất dễ phạm pháp.

Thiếu tướng Đỗ Việt Thắng - Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu bổ sung thêm, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, các thôn xóm nên hình thành các mô hình giáo dục con em tại địa phương. Nếu sau khi vụ việc xảy ra, đối tượng được bà con trong xóm khuyên răn, nhắc nhở thì họ sẽ hiểu rõ và không tái phạm.

Công an xã có phần lỗi

Kiến nghị đáng chú ý nhất, được nhiều đại biểu đề xuất là phải trang bị đầy đủ phương tiện cho cán bộ công an khi thi hành nhiệm vụ. Ông Huỳnh Thế Kỳ - Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận nói: “Cảnh sát ra đường tối thiểu trên người phải có bộ đàm, súng ngắn, còng và dùi cui. Vì thiếu “uy”, thiếu phương tiện thực hiện nhiệm vụ nên có nhiều trường hợp khi bị chống đối, công an phải... bỏ chạy”.

Nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng nhìn nhận rằng một phần nguyên nhân xảy ra vi phạm chống người thi hành công vụ xuất phát từ tác phong, đạo đức, thái độ chưa đúng của các công an viên. Trong sinh hoạt, công an xã có thể có xử sự không đúng nên người dân biết và không nể, không phục. Trong thi hành công vụ, đôi khi có chiến sĩ nóng nảy, không giải thích đầy đủ mà chỉ cứng nhắc thực hiện theo pháp luật khiến người vi phạm bức xúc và chống đối. Do vậy, phía lực lượng cảnh sát phải khắc phục cho được tình trạng này.

PHƯƠNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm