Đói, khát, dịch bệnh rình rập

Lũ rút, trong hôm qua, các tỉnh miền Trung đã tập trung toàn lực để khắc phục hậu quả và cứu đói cho dân.

Trực thăng cứu đói cho dân Quảng Ngãi

Theo báo cáo của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, sau năm đợt lũ chồng liên tiếp và một tháng tắc đường, hơn 10 ngàn dân Tây Trà đang đứng trước nguy cơ thiếu đói trầm trọng vì bị tắc đường do lở núi.

Tỉnh đã “cầu cứu” C94-B72 của Quân khu V viện trợ khẩn cấp bằng phương tiện trực thăng. Hôm qua (15-11), C94 đã thực hiện thành công bốn chuyến bay cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào huyện miền núi Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi. Chiếc MI16 số hiệu 411 dự kiến cất cánh tại sân bay quân sự Đà Nẵng vào lúc 8 giờ sáng đã phải hoãn bay một giờ đồng hồ vì thời tiết xấu.

Sau khi tiếp nhận hàng cứu trợ gồm một tấn mì gói, cá hộp tại sân bay dã chiến Quảng Ngãi, chiếc trực thăng thẳng tiến hướng Tây Trà. Từ ngày 16-10 đến nay, bảy xã của Tây Trà là Trà Xinh, Trà Thọ, Trà Khê, Trà Nham, Trà Trung, Trà Thanh và Trà Phong đã bị cắt đứt liên lạc hoàn toàn cho đến nay do lở núi.

Ông Lê Trường Sơn - Phó Chủ tịch huyện Tây Trà cho biết chính quyền địa phương đã xuất khẩn cấp 20 tấn gạo hỗ trợ cho đồng bào. Việc vận chuyển lương thực cho bà con hết sức khó khăn. Huyện phải huy động hàng vạn lượt đoàn viên, thanh niên xung kích, đồng bào các bản cõng gạo xẻ núi, vượt sông.

Trong tổng số 2.000 tấn gạo được trung ương hỗ trợ, 325 tấn gạo cứu đói từ kho dự trữ quốc gia khu vực Nghĩa Bình đã được chuyển về bốn huyện miền núi là Minh Long, Nghĩa Hành, Lý Sơn và Sơn Tịnh.

“Cầu lũ rút để được ăn bữa cơm” - cụ Hoàng Thị Ái (75 tuổi) sống độc thân ở thôn Quán Hòa, xã Quảng Thành (Huế) mong ước. Ảnh: H.LINH

Chiều hôm qua, toàn bộ trên 14 ngàn giếng nước bị ngập lũ đã được Trung tâm y tế dự phòng khử trùng cho bà con sử dụng. Cũng trong ngày, ngành giao thông đã tập trung máy móc nhân lực lên sửa đường ở huyện Tây Trà để hôm nay tiếp tục chuyển gạo và hàng cứu trợ.

Đã xuất hiện bệnh sau lũ

Hôm qua, mực nước trên các sông ở Quảng Nam đã rút. Tất cả các huyện miền xuôi đều đã tiếp cận được. Người dân bắt đầu quay về dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, ngay sau đó là hàng loạt những thiếu thốn đang chồng chất lên người dân vùng lũ.

Tiểu đoàn Bộ binh 2, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đang giúp Trường THCS Quảng Thành (Huế) vệ sinh trường lớp. Ảnh: NGUYÊN LINH

Tại bệnh viện đa khoa khu vực Điện Bàn (Quảng Nam), nhiều bệnh nhân mới chuyển đến vì bị mắc kẹt trong vùng cô lập. Bác sĩ Nguyễn Côn Tân - Giám đốc bệnh viện cho biết sau ba ngày lũ số bệnh nhân trong bệnh viện lúc nào cũng gấp đôi số bệnh nhân ngày thường. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh về đường ruột, hô hấp và sốt xuất huyết rất lớn.

Hiện nay trong huyện đã xuất hiện bệnh đỏ mắt và bệnh ngoài da do lội nước. Bệnh viện đang phối hợp cùng Trung tâm Y tế dự phòng khẩn trương phun Cloramin B khử trùng và xử lý nước uống cho người dân vùng lũ. Tuy nhiên, việc này như muối bỏ bể bởi Điện Bàn có 100% số xã bị ngập, 70% người dân dùng nước giếng bơm nên công tác xử lý nước khó khăn vì thiếu người, phương tiện và thuốc Cloramin T loại viên để xử lý nước.

Tỉnh Quảng Nam đã đề nghị trung ương hỗ trợ gấp 34 máy phun thuốc, 1.200 kg Cloramin B, 2 triệu viên Cloramin B và hơn 200 cơ số thuốc để khử trùng dập dịch. Tỉnh cũng đã xuất 16 tỷ đồng, 2.000 tấn gạo, 600.000 gói mì tôm, mua thêm 1.000 tấn gạo để tiếp tục cứu trợ cho dân.

Giá cả tăng chóng mặt

Sáng (15-11), tại Đà Nẵng, giá thịt và rau xanh bắt đầu tăng vọt. Tại Cẩm Lệ, rau muống vọt giá 10.000 đồng/bó. Thịt heo ở chợ Mới được rao 85.000 đồng/kg. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại chợ Cồn, chợ Hàn, chợ đầu mối Hòa Cường hay chợ Đống Đa...

Tại Huế, nhiều tư thương cũng đã lợi dụng tình hình này nâng giá cao ngất. Ở các huyện bị ngập sâu như Hương Trà, Quảng Điền, nhiều quán tạp hóa đã “cháy” hàng. Giá một gói mì lên đến 2.000-2.500 đồng/gói, thịt heo cũng tăng giá lên 60.000-65.000 đồng/kg, rau sạch khan hiếm ở các chợ, bó rau muống giá 5.000 đồng so với 1.000 đồng trước lũ.

Sáng qua, sau khi nước lũ rút bộ đội và công an đã được điều động đến giúp dân dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa đường và làm sạch môi trường. Ông Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế, lo ngại nguy cơ dịch bệnh xảy ra là rất lớn. Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cấp 60 cơ số thuốc và 300.000 viên hóa chất Cloramin B cho các huyện ngập lũ để xử lý nước.

Tỉnh đã hỗ trợ thêm 600 tấn gạo, 30 tấn mì tôm để cứu đói đồng bào bị ngập lụt. Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm nguồn hàng, vận chuyển, cấp 100 tấn mì ăn liền cho tỉnh Thừa Thiên-Huế để kịp thời cứu trợ cho nhân dân vùng bị ngập lụt, không để dân bị thiếu đói.

NHÓM PV-CTV MIỀN TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm