Giả bắt cóc con để lừa tiền của người thân

* Chỉ sau 1-2 phút bị hại chuyển, các đối tượng bên Trung Quốc đã rút được tiền qua thẻ thanh toán quốc tế.

Từ tháng 7/2013, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra thủ đoạn vờ bắt cóc để lừa tiền chuộc của người thân. Sau một thời gian lắng xuống, chỉ trong vòng 1 tháng (từ 12/10 đến nay), trên địa bàn Hà Nội lại liên tiếp xảy ra hơn 20 vụ giả bắt cóc con cái trong nhà để lừa đảo tiền chuộc của người thân. Tốc độ các vụ việc xảy ra dày đặc và tăng nhanh một cách chóng mặt, ngay lúc 17h ngày 13/11, khi chúng tôi đang tiếp cận các trinh sát của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội, một vụ việc khác vừa xảy ra tại phường Hàng Mã (Hoàn Kiếm) và đã được ngăn chặn kịp thời. Chính vì thế, theo lãnh đạo Công an TP Hà Nội, cần khẩn trương thông tin thủ đoạn phạm tội của các đối tượng nói trên đến người dân để phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm.

Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm Công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội cho biết, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng trở lại đây, đơn vị này đã liên tục nhận được thông tin trình báo liên quan đến 20 vụ lừa đảo tống tiền với thủ đoạn trên, trong đó điển hình là một số vụ như: Ngày 9/10, ông Nguyễn Văn Kháng (65 tuổi) trú tại 45 Lò Sũ, Hoàn Kiếm, Hà Nội đến cơ quan Công an trình báo với nội dung, trưa 9h 30 ngày 9/10, gia đình ông nhận được điện thoại từ số thuê bao đầu số lạ (+36022…) gọi tới máy điện thoại bàn và máy điện thoại di động của ông thông báo con trai của ông đang bị bọn chúng bắt giữ, yêu cầu gia đình ông phải chuyển gấp 100 triệu đồng vào số tài khoản mang tên Đỗ Hữu B. tại Ngân hàng Sacombank. Sau khi bị chúng đe dọa, do lo sợ cho tính mạng của cậu con trai cưng, ông Kháng đã thực hiện theo yêu cầu của chúng. Chuyển tiền xong, ông Kháng gọi điện cho con trai mới biết mình bị lừa.

Hay một vụ khác, ngày 11/10, bà Ngô Tuyết Khanh trú tại tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) đến cơ quan Công an trình báo với nội dung: Khoảng 8h sáng 11/10, gia đình bà nhận được điện thoại từ số thuê bao tới số máy bàn và thông báo việc con trai bà nợ chúng với số tiền 175 triệu đồng nhưng 2 năm nay chưa trả, hiện nay đang bị bọn chúng bắt giữ. Đồng thời, trong khi nghe điện thoại của đối tượng, bà Khanh cũng nghe thấy tiếng con trai “văng vẳng” kêu: “Mẹ ơi! Cứu con với” qua điện thoại. Bối rối và lo sợ cho an nguy tính mạng con trai, gia đình bà Khanh đã ngay lập tức nộp tiền vào số tài khoản mà bọn chúng đã cho tại Ngân hàng Sacombank. Khi chuyển tiền xong, bà nhấc máy gọi điện cho con mình mới tá hỏa, con trai bà không nợ tiền ai và cũng không hề bị đối tượng nào bắt giữ.

Giả bắt cóc con để lừa tiền của người thân ảnh 1
Các điều tra viên PC50 Công an TP Hà Nội đang tích cực điều tra phá án. 

Khi tìm hiểu về các vụ việc này, chúng tôi phát hiện, các đối tượng thường nhằm vào bị hại là phụ nữ và người già. Chúng cũng nghiên cứu khá kỹ, thường chọn thời điểm gây án là khoảng 9-10h sáng, khi ở nhà thường chỉ có người già trông nhà (ông bà) hoặc phụ nữ (làm công việc nội trợ). Do quá lo lắng nên nhiều người đã vội vàng chuyển tiền cho các đối tượng ngay. Một số trường hợp khác chưa bị mất tiền vì tình cờ chính những người được các đối tượng thông báo đang bị chúng bắt cóc liên lạc về hoặc đang có mặt ở nhà. Như trường hợp của chị Trần Thu Thủy, trú tại phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy).

Sáng 5/11, đối tượng gọi điện đến máy cố định nhà chị thông báo con trai chị đã bị bắt giữ do vay nặng lãi số tiền 300 triệu đồng. Chúng yêu cầu chị Thủy lập tức chuyển ngay vào một tài khoản của Ngân hàng Sacombank 100 triệu đồng. Nhưng trước khi chị Thủy thực hiện giao dịch thì con trai chị đã gọi điện về nhà nên chị đã không mắc bẫy bọn chúng...

Qua điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm và Phòng Cảnh sát hình sự đã phát hiện 2 bị hại là ông Nguyễn Văn Kháng và bà Ngô Tuyết Khanh đã chuyển tiền cho một tài khoản tại Ngân hàng Sacombank mà người đứng tên là Đỗ Hữu B., một lái xe taxi quê ở Hưng Yên. Tuy nhiên, tiến hành xác minh, cơ quan Công an xác định, B. chỉ là một người đứng ra làm thẻ debit (thẻ thanh toán quốc tế) giúp cho một đối tượng người Việt Nam khác hiện đang sinh sống ở Trung Quốc. Ngoài mua thẻ debit của B., đối tượng này còn nhờ B. đi thu gom thẻ này của những người quen với giá 800 ngàn đồng/thẻ. Tự nhiên chỉ việc mở thẻ tại ngân hàng mà được 800 ngàn đồng, nhiều người không cần biết mục đích của người mua thẻ là gì vẫn bán ngay.

Theo điều tra của Công an Hà Nội, các đối tượng thực hiện việc lừa đảo ở bên Trung Quốc. Khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng thường sử dụng mã điện thoại gọi quốc tế (có đầu +31, +36). Chúng tìm số điện thoại cố định của các gia đình trên các danh bạ, sau đó gọi một cách hú họa đến và dựng màn kịch con cháu họ bị bắt cóc, đòi tiền chuộc.

* Khuyến cáo của Công an TP Hà Nội:

Khi nhận được điện thoại với phương thức như trên, gia chủ cần bình tĩnh, khéo léo thuyết phục, trì hoãn, kéo dài thời gian thực hiện yêu cầu chuyển tiền của đối tượng, đồng thời kiểm tra các thông tin và báo cho cơ quan Công an phối hợp xác minh thông tin.

Và cách phòng ngừa tốt nhất xuất phát từ chính mỗi cá nhân, bản thân mỗi người dân cần tự có ý thức trong việc quản lý thông tin và bí mật cá nhân, số điện thoại của mỗi người, nhất là không nên đưa thông tin về đời tư và hình ảnh của mình lên các trang mạng xã hội.
 

Theo T.Hòa - P.Tâm (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm