Mua bán người rất khó kiểm soát. Bọn mua bán người thường lừa gạt những người có học vấn thấp, kinh tế khó khăn, trắc trở tình cảm… bằng cách giới thiệu đi làm việc, du lịch, lấy chồng nước ngoài rồi tìm cách lừa bán nạn nhân. Gần đây, bọn mua bán người lợi dụng việc môi giới hôn nhân bất hợp pháp để đưa phụ nữ ra nước ngoài rồi sau đó thực hiện việc mua bán… Đại tá Nguyễn Văn Thuận, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, báo cáo với đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người ngày 13-4 như trên.
Theo ông Thuận, phần lớn phụ nữ, trẻ em bị bán sang Trung Quốc, Malaysia và Campuchia… với mục đích bóc lột tình dục, gả bán để kiếm lời.
Cũng theo Công an TP Cần Thơ, năm năm qua có 55 trường hợp mua bán và nghi bị mua bán (số nghi vấn là 18 người). Công an đã kết hợp cùng các sở, ngành liên quan và Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an tiếp nhận và giải cứu 24 nạn nhân gồm 12 người bị bán sang Malaysia, bảy người bị bán sang Trung Quốc, ba người bị lừa qua Campuchia, một người bị lừa qua Nga. Hiện còn 17 nạn nhân bị mua bán qua Malaysia và Trung Quốc, Công an TP đã đề nghị Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an hỗ trợ giải cứu.
Các nghi can trong một đường dây môi giới hôn nhân trái phép bị Công an TP Cần Thơ triệt phá vào tháng 4-2016. (Ảnh do công an cung cấp)
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, lưu ý các ngành chức năng là Cần Thơ đang phát triển, là trung tâm của cả vùng nên tội phạm mua bán người sẽ chọn làm địa bàn tập kết để đưa nạn nhân đi các nơi. Vì thế các ngành cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng này, đặc biệt là những cơ sở núp bóng giới thiệu việc làm, lợi dụng việc giới thiệu việc làm để đưa nạn nhân ra nước ngoài rồi thực hiện việc mua bán ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho là tội phạm mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp, việc điều tra và xử lý chưa tương xứng với tình hình và nguy cơ của địa bàn này. Việc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu, một bộ phận người dân chưa cảnh giác với loại tội phạm này, dễ bị lợi dụng…
“Nạn nhân mua bán người thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, tâm lý chưa ổn định, đa số không có nghề nghiệp, không khai báo chính quyền địa phương do sợ bị kỳ thị cộng đồng. Do đó chúng tôi cũng đề nghị những cơ quan liên quan cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp để tiếp tục có những quan tâm cụ thể hơn, thiết thực hơn trong việc giúp đỡ nạn nhân mua bán người cả về mặt pháp lý và về kinh tế-xã hội” - ông Pha nói.
Theo VKSND TP Cần Thơ, hiện nay do cuộc sống khó khăn, muốn đổi đời nên nhiều người đã rơi vào bẫy của bọn tội phạm buôn người. Nhiều phụ nữ bị đưa ra nước ngoài rồi ép bán dâm để trả nợ chi phí đưa sang nước ngoài. Nếu ai không đồng ý sẽ bị đánh đập, giam giữ không cho tiếp xúc với người xung quanh. Việc môi giới hôn nhân trái phép hiện nay cũng đang là vấn nạn nhức nhối làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều phụ nữ, nhiều gia đình ở nông thôn có con lấy chồng Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia… Sau khi đến nơi, do bất đồng ngôn ngữ nên cuộc sống hôn nhân không hòa hợp, bị chồng, gia đình chồng ngược đãi. Biện pháp ngăn chặn lâu dài là tuyên truyền, có giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, hỗ trợ vay vốn để người dân sản xuất, kinh doanh để cuộc sống ổn định. |