Ngày 13-4, đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng chống mua bán người đã làm việc với các sở, ngành của UBND TP Cần Thơ.
Ông Nguyễn Văn Pha đề nghị các sở, ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đối tượng là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Ảnh: N.NAM
Báo cáo với đoàn giám sát, đại tá Nguyễn Văn Thuận – Phó Giám đốc Công an TP cho biết, tình hình mua bán người ra nước ngoài là một vấn đề rất khó kiểm soát. Hầu hết các nạn nhân bị mua bán đều có những lý do hoàn cảnh khác nhau. Thủ đoạn của tội phạm mua bán người thường là lừa gạt, ép buộc nạn nhân, đặc biệt là những người có học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp trắc trở trong tình cảm… để giới thiệu đi làm việc nước ngoài có thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài có kinh tế khá giả hoặc mời đi du lịch nước ngoài rồi tìm cách lừa bán nạn nhân.
Thời gian gần đây, thủ đoạn của loại tội phạm này tinh vi hơn, thường lợi dụng việc môi giới hôn nhân bất hợp pháp để đưa phụ nữ ra nước ngoài rồi sau đó thực hiện việc mua bán.
Theo ông Thuận, phần lớn nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán sang Trung Quốc, Malaysia và Campuchia với mục đích bóc lột tình dục, gả bán để kiếm lời
Báo cáo của Công an TP cũng cho thấy, năm năm qua TP đã tiếp nhận 16 tin tố giác tội phạm về mua bán người, trong đó đã khởi tố tám vụ với 16 bị can… Số nạn nhân bị mua bán và có nghi vấn bị mua bán trong năm năm qua là 55 trường hợp. Trong đó, số bị mua bán là 37 người, số nghi vấn là 18 người
Công an TP đã kết hợp cùng các sở, ngành liên quan và Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an tiếp nhận và giải cứu 24 nạn nhân gồm 12 người bị bán sang Malaysia, bảy người bị bán sang Trung Quốc, ba người bị lừa qua Campuchia, một người bị lừa qua Nga. Hiện còn 17 nạn nhân bị mua bán qua Malaysia và Trung Quốc, Công an TP đã đề nghị Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an hỗ trợ giải cứu.
Dương Thành Thủy bị TAND TP Cần Thơ tuyên phạt tù chung thân về ba tội mua bán trẻ em, hiếp dâm trẻ em và cưỡng đoạt tài sản năm 2015. Ảnh: N.NAM
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp lưu ý các ngành chức năng của TP về việc, Cần Thơ là trung tâm của cả vùng, đô thị đang phát triển, điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn các địa phương xung quanh nên tội phạm mua bán người sẽ chọn nơi đây làm địa bàn tập kết để đưa nạn nhân đi các nơi.
Thiếu tá Nguyễn Minh Kiệm, Phó Trưởng phòng thường trực Chương trình mua bán người – Cục Tham mưu cảnh sát (Bộ Công an) cũng lưu ý đối với những cơ sở núp bóng giới thiệu việc làm, lợi dụng việc giới thiệu việc làm để đưa nạn nhân ra nước ngoài rồi thực hiện việc mua bán ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá, công an TP có nhiều cố gắng trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm này. Tuy nhiên, đoàn cũng đánh giá tình hình tội phạm mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp, việc điều tra và xử lý tội phạm theo báo cáo chưa tương xứng với tình hình và nguy cơ của địa bàn này. Việc tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua, bán người còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu, một bộ phận người dân chưa cảnh giác với loại tội phạm này, dễ bị lợi dụng…
“Nạn nhân mua bán người thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, tâm lý chưa ổn định, đa số không có nghề nghiệp, không khai báo chính quyền địa phương do sợ bị kỳ thị cộng đồng. Do đó, chúng tôi cũng đề nghị những cơ quan liên quan cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp để tiếp tục có những quan tâm cụ thể hơn, thiết thực hơn trong việc giúp đỡ nạn nhân mua bán người cả về mặt pháp lý và về kinh tế xã hội” – ông Pha nói.