Thân chủ kiện luật sư

Bà H., ngụ tỉnh Bình Phước vừa gửi đơn đến tòa án một quận ở TP.HCM kiện đòi luật sư X. phải trả lại hơn 20 triệu đồng mà bà bỏ ra nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi trong một vụ tranh chấp. Bà cũng yêu cầu tòa buộc luật sư phải xin lỗi bà vì đã có những lời lẽ miệt thị, xúc phạm đến danh dự, uy tín của bà.

Thiếu nhiệt tâm?

Theo đơn kiện, trước đây, bà H. cho người quen mượn tiền, thỏa thuận vài tháng sau sẽ trả cả vốn lẫn lời. Đến hẹn, người quen không trả nên bà H. khởi kiện. Nghe giới thiệu, bà tìm luật sư X. nhờ tư vấn. Tới lui vài lần, bà cảm thấy tin tưởng khả năng của luật sư nên đã nhờ luật sư bảo vệ bà trong vụ kiện với khoản thù lao gần 50 triệu đồng. Sau đó, bà ứng trước cho luật sư 30 triệu đồng để chi phí đi lại, nước nôi...

Theo bà H., dù bà đã tạo điều kiện hết sức cho luật sư tham gia vụ án như báo trước vài ngày thời điểm tòa mời lên làm việc để luật sư sắp xếp công việc lên tòa cùng bà nhưng luật sư nhiều lần viện lý do này lý do nọ vắng mặt. Trong vụ kiện, có nhiều nội dung lẽ ra cần hướng dẫn cách giải quyết cho bà thì luật sư lại... làm thinh. Tòa nói bà nộp thêm chứng cứ này, chứng cứ kia thì cũng tự bà phải làm lấy, luật sư “chỉ khoanh tay đứng nhìn”. Gần như luật sư đã để cho bà “tự bơi” trong suốt vụ kiện.

Bà H. nói còn bực hơn nữa là ngay ngày tòa xử, dù đã biết trước nhưng đến “phút 89” luật sư lại báo bận phiên xử khác, không tham gia được, chỉ có thể gửi bài bảo vệ quyền lợi đến tòa. Bà H. cho rằng nội dung bài bảo vệ này không có gì mới, không có gì đặc sắc, ngay cả bà cũng có thể soạn được. Thậm chí, nhiều nội dung trong bài bảo vệ do chính bà đưa ra những khi trao đổi với luật sư, luật sư chỉ còn mỗi việc lập lại mà thôi. Rồi bà kết luận: Luật sư bỏ công sức không đáng bao nhiêu so với số tiền mà bà bỏ ra.

Xúc phạm thân chủ?

Chưa hết, bà H. kể vì thấy luật sư làm ăn không đến nơi đến chốn nên bà đã đòi luật sư trả lại 20 triệu đồng thù lao ứng trước (10 triệu đồng còn lại bà coi như là khoản chi phí xác thực mà luật sư được hưởng). Nghe xong, luật sư “nổi đóa”, ban đầu to tiếng, đôi co một lúc thì rủa bà thậm tệ. Luật sư nói bà qua cầu rút ván, quên tình cạn nghĩa, đáng lẽ phải cảm ơn luật sư vì giúp đòi được nợ, đằng này lại quay sang “đá đít”, phủi tay... Bực, bà cũng nói toạc là “luật sư chỉ ăn tiền rồi thì sống chết mặc bay”. Luật sư đáp lại rằng bà “ăn ở thất đức nên mới vướng phải kiện tụng lung tung”. Luật sư còn đe sẽ kiện bà ra tòa đòi 20 triệu đồng còn lại theo thỏa thuận cho bà “vô phúc đáo tụng đình luôn”!

Nghe đến đó, bà chịu không nổi nên bỏ về. Càng nghĩ càng ức, bà bèn viết đơn kiện luật sư. Bà cho biết, dù hợp đồng với luật sư là lo vụ kiện hết gần 50 triệu đồng nhưng vì luật sư thiếu trách nhiệm, không hết lòng hết sức nên bà chỉ trả 10 triệu đồng. Luật sư ứng trước của bà 30 triệu đồng thì phải thối lại cho bà 20 triệu đồng.

Ngoài ra, bà phân tích: “Luật sư nói bà “ăn ở thất đức mới bị kiện” nhưng chuyện tranh chấp là chuyện phải xảy ra khi một bên không chịu trả nợ chứ chẳng phải là “vô phúc ác ôn” gì mới dính vào. Hơn nữa, bà đến gặp luật sư để “đàm phán lại” về thù lao, bà không phải là người cạn tàu ráo máng mà luật sư lại cho rằng bà phủi tay, tráo trở thì chẳng khác nào “bôi tro trát trấu” vào mặt ba”. Từ đó, bà yêu cầu luật sư phải xin lỗi vì đã có những lời lẽ miệt thị, xúc phạm đến uy tín, danh dự của bà.

Hay chỉ là chuyện nóng nảy bất chợt?

Ngược lại, luật sư X. cho hay: “Tôi khá thất vọng với cách hành xử của bà H.”. Theo luật sư, chuyện tiền nong giữa hai bên đã quá rõ ràng vì có thỏa thuận trong hợp đồng. Ông cũng đã làm hết chức trách, đã lên xuống tòa nhiều lần và bảo vệ được quyền lợi của bà H. Lẽ ra bà H. phải thanh toán thù lao sòng phẳng, đằng này lại đòi lấy tiền. Điều đó là không thể chấp nhận bởi bà vi phạm thỏa thuận, vi phạm giao dịch tự nguyện. Ông còn chưa kiện đòi bà H. phải trả lại số tiền còn thiếu là may chứ sao bà lại kiện ngược ông.

Mặc khác, luật sư H. nói việc đòi lại tiền thù lao của luật sư không khác nào “tát vào mặt” luật sư. Đồng nghiệp mà biết, người hiểu chuyện thì không nói gì, gặp người xấu tính lại tung tin ông làm ăn mất uy tín, luật sư “dỏm” mới bị thân chủ “đá hậu” thì ảnh hưởng đến công việc của ông. Do đó, khi bà H. đến gặp, ông có phân tích cho bà hiểu vấn đề, đồng thời yêu cầu bà thanh toán hết thù lao. Bà H. vẫn một mực không nghe và dọa kiện ông nên ông nóng giận, có đôi co vài câu với bà theo lẽ thường tình chứ tuyệt nhiên không có lời lẽ nào xúc phạm bởi ông thừa hiểu gây sự với thân chủ là điều cần phải tránh.

Theo luật sư H., việc bà H. kiện ông là quyền của bà. Ông không có gì phải lo lắng khi ra tòa vì đã xử sự đúng luật, chừng mực, chứ không phải như cái cách bà H. đã quy kết cho ông.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn biến mới.

Mới đây, trong một vụ thân chủ kiện luật sư tương tự, TAND TP Thanh Hóa đã tuyên buộc luật sư L.T.H (Trưởng Văn phòng luật sư VH) phải trả cho thân chủ Nguyễn Thị Hội 14,5 triệu đồng.

Theo đơn kiện của bà Hội, ngày 14-4-2005, bà và luật sư H. đã ký hợp đồng để luật sư H. bảo vệ quyền lợi cho bà trong một vụ tranh chấp đất đai. Sau đó, luật sư H. đã ứng trước của bà 19,5 triệu đồng. Sau một thời gian dài, luật sư H. không thực hiện đúng theo hợp đồng bảo vệ quyền lợi nên bà yêu cầu hủy hợp đồng và đòi trả lại tiền nhưng luật sư H. không chịu...

T.AN

HỒ KHẢI HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm