Hiểm họa đáng lo từ mật ong giả

Mật ong được cho là một loại thuốc có tác dụng chữa bệnh khá tốt, đồng thời mật ong cũng mang lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chính vì thế, khá nhiều người sử dụng chúng, cũng vì vậy mà giá thành của mật ong khá cao. Vì lợi nhuận, không ít người sử dụng những nguyên liệu không rõ nguồn gốc để làm mật ong giả.

Tác hại khó lường từ mật ong giả

Một số người vì lợi nhuận nên dùng nước lã, đường, phèn chua, phẩm màu kèm theo hóa chất để chế biến thành mật ong. Những sản phẩm này được rao bán với lời quảng cáo là mật ong rừng. Một số người nếu sử dụng những loại mật ong này ảnh hưởng khá lớn tới sức khỏe. Đáng lo hơn nữa là trường hợp những người đang mắc bệnh tiểu đường, tim mạch mà sử dụng những sản phẩm này lại càng đáng nguy.

Nếu sử dụng phải mật ong giả sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội: “Việc bán mật ong giả rất đáng lên án, trường hợp nếu người làm mật ong giả bằng các chất phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu sử dụng mật ong giả có thể dẫn đến mất cân bằng tiêu hóa hoặc có nguy cơ mắc bệnh béo phì".

Cách nhận biết mật ong thật, mật ong giả

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh hướng dẫn chúng ta một số cách đơn giản để có thể phân biệt mật ong thật và mật ong giả, theo ông, để chọn được mật ong có chất lượng trước tiên người tiêu dùng phải biết cách quan sát sản phẩm, nên mua mật ong ở những nơi đáng tin cậy.

Ngoài ra, khi mua về chúng ta cũng nên kiểm ra xem đó có phải mật ong thật hay không, thông thường mật ong thật hay có mùi thơm rất đặc trưng. Mật ong thật thường rất sánh.

Một kinh nghiệm khác nữa là khi mua về, chúng ta có thể cho chiếc đũa vào mật ong sau đó cho chúng nhỏ thành giọt vào bát nước, nếu là mật ong thật thì sẽ không tan ra ngay, trường hợp là mật ong giả sẽ tan ra một cách dễ dàng.

Một cách khác nữa là chúng ta có thể cho mật ong vào một tờ giấy, sau đó để chúng ở những nơi kiến thường xuất hiện, nếu là mật ong thật kiến sẽ không vào ăn vì trong mật ong thật có chất kháng sinh kiến không dám ăn, nếu là mật ong giả kiến sẽ vào ăn ngay, ông Thịnh cho biết thêm.

Theo Điều 12 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, có nhiều mức phạt áp dụng, thấp nhất là 3 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 3 triệu đồng và cao nhất là 120 triệu đồng. Người có hành vi vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả. Ngoài ra, người vi phạm còn phải áp dụng biện pháp khắc phục như buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm