Sau khi Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Tự giữ xe vi phạm: Luật có, vì sao không áp dụng?” đăng ngày 8-1, nhiều bạn đọc đã gửi câu chuyện của họ về báo. Qua đó thể hiện một vấn đề đáng lưu ý là có nhiều trường hợp người vi phạm được CSGT cho biết sẽ giam xe dù lỗi vi phạm rất đơn giản. Điều này vừa gây bức xúc vừa gây khó hiểu cho đông đảo người dân.
Theo lời kể của chị NTP (quận Phú Nhuận), hôm đó chị đi trên đường 1011 rẽ vào đường Phạm Thế Hiển (quận 8) nhưng quên bật đèn xi nhan nên bị CSGT thổi phạt. Sau khi chị xuất trình giấy tờ, một CSGT nói sẽ giam xe vì lỗi vi phạm này. Hốt hoảng nghĩ đến đủ thứ phiền phức, chị P. vội vàng xin một hình thức phạt khác, miễn không phải giam xe.
Trường hợp khác, một lần chị NT (quận 8) đi trên xa lộ Hà Nội hướng từ quận 2 về Bình Thạnh. Do không chú ý, chị đã đi vào đường cấm. Khi bị thổi phạt, chị T. cũng xuất trình đầy đủ giấy tờ và nhận lỗi sai ngay. Dù vậy, CSGT vẫn nói sẽ giam xe vì lỗi đi vào đường cấm. “Lúc đó đã khuya, tôi không có thời gian tra cứu xem có quy định giam xe nếu đi vào đường cấm hay không nên đành phải năn nỉ lực lượng chức năng cho một hình thức xử phạt khác”.
CSGT chở xe vi phạm về đội xử lý. Ảnh: HTD
Anh Ngô Phong (Long An) kể lại: “Tôi chạy xe máy từ Long An lên TP.HCM qua quốc lộ 1A, do không chú ý nên đã lấn tuyến và bị CSGT thổi vào. Xui là hôm đó tôi không mang theo giấy tờ. Thấy vậy CSGT nói nếu không có giấy thì phải tạm giữ xe chứ không thể đợi. Thấy tôi bối rối, anh CSGT nói tiếp nếu tôi nộp phạt tại chỗ thì sẽ cho đi ngay, mức phạt cho lỗi này là 400.000 đồng. Tất nhiên tôi đồng ý giải pháp này. Có điều hôm đó cảnh sát nói không lập biên bản, vì nếu lập là… phải giữ xe”.
Các lỗi vi phạm bị tạm giữ phương tiện 7 ngày: - Điều khiển ô tô, mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. - Điều khiển ô tô lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe. - Người điều khiển ô tô, mô tô, xe máy trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. - Điều khiển ô tô, mô tô, xe máy không có giấy đăng ký xe. - Điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. - Người điều khiển mô tô, xe máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ. - Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển mô tô, xe máy và các loại xe tương tự mô tô hoặc điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô. - Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên; - Người điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới sáu tháng; - Không chấp hành việc kiểm tra tải trọng. (Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP) |
Khá nhiều bạn đọc cho biết mình gặp phải tình huống tương tự. Người dân nghi ngờ có hay không việc CSGT nói “giam xe” như một thói quen đối với mọi lỗi để khiến người vi phạm hoảng sợ? Hơn nữa, trong điều kiện các bãi giữ xe vi phạm đều kêu trời vì quá tải và việc bảo quản xe không thể đảm bảo thì biện pháp giam xe nên hạn chế sử dụng. Chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng nhằm tạo thuận lợi cho cả CSGT và người dân.
Trả lời vấn đề này, lãnh đạo một đội CSGT ở TP.HCM cho biết về nguyên tắc, khi cán bộ chiến sĩ ra đường phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, phát biểu đúng theo pháp luật, nếu nói sai mà bị người dân bắt bài thì sẽ làm xấu hổ cả lực lượng. “Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có một số trường hợp CSGT dọa sẽ giam xe của người vi phạm dù lỗi đó không buộc phải tạm giữ xe, mục đích là răn đe để người dân sợ, lần sau không tái phạm và chịu hợp tác xử lý với cơ quan chức năng nên mới nói vui là “chạy đàng hoàng chứ không là giam xe”. Nếu có người dân không hiểu biết, nghe CSGT “có một mà nói hai” và cảm thấy nghi ngờ thì có thể phản ánh với lãnh đạo đội để xử lý”.
Hãn hữu lắm mới giam xe vi phạm giao thông Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc tạm giữ xe theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết như để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Hoặc để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; hoặc để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Cần lưu ý là trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự sau đây: Giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có các giấy tờ nói trên thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ xe. Đáng lưu ý thêm là ngay cả khi các xe thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, trừ các xe chưa rõ chủ sở hữu, xe mù, xe tự chế…, các xe còn lại (nhất là những xe đã có đủ giấy tờ) có cần thiết bị “giam” không và nếu có nhiều trường hợp “giam” không đúng thì CSGT đã kiểm tra, xử lý thế nào nhằm chấn chỉnh nạn CSGT vòi vĩnh, bắt chẹt người vi phạm? Tiếp nữa, theo Nghị định 115/2013 và Thông tư 47/2014 của Bộ Công an, muốn khỏi bị “giam” xe, cá nhân có thể đặt tiền bảo lãnh hoặc phải gửi đơn kèm theo bản sao hộ khẩu hoặc sổ tạm trú. Thời hạn để CSGT trả lời 2-5 ngày. Thử hỏi, khi thủ tục giao xe cho người vi phạm tự giữ có phần nhiêu khê, lê thê khiến trước giờ ít có trường hợp được giải quyết chính thức, CSGT đã làm gì nhằm giảm thiểu tình trạng xe trở thành phế liệu? Tôi đề nghị Bộ Công an và công an các tỉnh, thành khẩn trương rà soát việc thực thi biện pháp “giam” xe để sớm chỉnh sửa cách làm và các quy định có liên quan không phù hợp, chấm dứt ngay nạn lạm dụng việc “giam” xe để tư lợi khiến người dân bị nhiều thiệt thòi. Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM |