Tự giữ xe vi phạm: Luật có, vì sao không áp dụng?

Trước tình trạng các bãi giữ xe vi phạm quá tải, UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu triển khai một số giải pháp tháo gỡ các bất cập trong xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính. Theo đó, công an cần hạn chế việc giữ phương tiện của người vi phạm. Trường hợp bắt buộc phải tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt thì có thể để người vi phạm giữ dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền...

Kho tạm giữ như các… bãi phế liệu

Thực tế là luật đã có quy định về việc cho người vi phạm được tự giữ phương tiện nhưng chẳng ai làm khiến các bãi giữ xe vi phạm ngày càng quá tải.

Hiện Phòng CSGT Công an TP.HCM có bốn kho lưu giữ tang vật vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tùy vào đặc điểm của mỗi khu vực mà các loại xe ở các kho lưu giữ này cũng khác nhau, trong đó chủ yếu xe cũ nát sẽ được chuyển về các khu vực ngoại thành.

Theo ghi nhận của PV, tại khu lưu giữ ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, dù khá rộng nhưng bãi này chật cứng các loại xe máy, trong đó có cả đống xe không có chỗ để, gỉ sét đang chờ thanh lý.

Phòng PC67 cho biết tính đến ngày 5-12, số phương tiện giao thông vi phạm hành chính bị tạm giữ là 8.471, đa số là mô tô hai bánh.

Ngoài các xe chưa rõ chủ sở hữu, xe mù, xe mờ, xe tự chế... thì đa số xe còn lại có giấy tờ nhưng chủ xe không rõ vì lý do gì không đến nhận. Theo quy định, nếu quá thời hạn tạm giữ người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm Phòng PC67 sẽ làm thủ tục xử lý, chuyển sang Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP để bán đấu giá theo quy định.

Vì nhiều lý do, trong đó có quy trình xử lý các xe từ lúc tạm giữ đến lúc bán đấu giá còn rất nhiêu khê, có khi cả năm chưa bán xong một lô xe thanh lý nên các bãi giữ xe vi phạm càng ngày càng phình ra.

Một bãi giữ xe vi phạm lộ thiên đang quá tải. Ảnh: NT

Tự giữ xe vi phạm: Quá nhiêu khê

Để hạn chế tình trạng biến các xe thành bãi phế liệu, UBND TP.HCM đã yêu cầu công an nghiên cứu cho phép người vi phạm được tạm giữ phương tiện.

Nghị định 115/2013 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính... đã có quy định cho phép người vi phạm có thể tự giữ, bảo quản phương tiện nhưng không ai thực hiện việc này vì quá nhiêu khê: Người dân chẳng biết phải làm thủ tục gì để được tự giữ phương tiện còn cơ quan chức năng không có văn bản hướng dẫn để cụ thể quy định trên cho các địa phương thực hiện.

Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp, Phó Trưởng phòng PC67 Công an TP.HCM, cho hay: Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện, đóng tiền bảo lãnh… thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hiện các quy định vẫn coi tạm giữ là một hình thức xử phạt nhưng bản chất việc tạm giữ lại là để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính chứ không phải là một hình thức xử phạt. Việc gắn tạm giữ xe với xử phạt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải của các bãi giữ xe vi phạm. Do vậy, cần hạn chế tối đa việc tạm giữ phương tiện bằng việc giữ giấy tờ hoặc tăng nặng hình phạt…, có thể tính toán đến việc sửa luật để đưa vấn đề nhận thức như đã nói ở trên thành nguyên tắc.

Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) 

“Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được giải quyết để tự giữ phương tiện tại nhà. Đối với các trường hợp cần xác minh, làm rõ tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; hoặc cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội như vi phạm nồng độ cồn… thì không thể giải quyết để tự giữ phương tiện” - Thượng tá Diệp nói.

Thượng tá Diệp phân tích: Muốn tự giữ phương tiện tại nhà, người vi phạm cần có giấy tờ đầy đủ, phải làm đơn yêu cầu được giữ phương tiện, về địa phương để cơ quan có thẩm quyền địa phương giám sát; chưa kể muốn tự giữ thì nhà phải có điều kiện bảo quản đúng quy định... “Thủ tục quá nhiêu khê nên thực tế chẳng ai làm việc này cả. Thời gian qua chưa có trường hợp nào tự đề nghị được giữ phương tiện, nếu có thì phòng sẵn sàng hướng dẫn theo đúng Nghị định 115” - Thượng tá Diệp cho hay.

Thượng tá Diệp cũng thông tin: Hiện Phòng PC67 chỉ tạm giữ phương tiện trong trường hợp thật sự cần thiết như vi phạm nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe và các trường hợp cần phải xác minh.

UBND TP yêu cầu Công an TP phải chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát tổng thể, đánh giá, phân loại các phương tiện vi phạm đang tạm giữ, xây dựng phương án xử lý đối với từng loại phương tiện, trình UBND TP phê duyệt.

Trong trường hợp phải tạm giữ phương tiện vi phạm để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng triệt để quy định về việc giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ.

Công an TP đề xuất các bộ, ngành theo hệ thống dọc sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chặt chẽ, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện vi phạm, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý các phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm