Diễn đàn: Vì sao CSGT thường xuyên bị chống đối?

Một số CSGT ‘tranh thủ’ dân thiếu hiểu biết

Vì sao CSGT hay bị chống đối? Theo tôi, đó là vì tâm lý khó chịu, ác cảm mà người dân dành cho lực lượng này từ những điều mắt thấy tai nghe. Chính lãnh đạo ngành công an cũng phải thừa nhận một bộ phận không nhỏ trong lực lượng có sai phạm và kêu gọi người dân mạnh dạn tố giác để xóa tiêu cực.

Vì sao vẫn có hiện tượng một số CSGT có thể vòi tiền của người dân? Một trong những lý do là đa số người dân còn thiếu hiểu biết về quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Ai cũng biết phải đội nón bảo hiểm ra đường, phải dừng đèn đỏ, đi đúng làn… nhưng nếu hỏi lỗi không đội nón bảo hiểm, rẽ phải khi đèn đỏ phạt bao nhiêu tiền, khi nào bị giam xe… thì rất nhiều người không biết. Chính từ kẽ hở này nên khi mắc lỗi tâm lý chung là hoang mang, sợ bị phạt nhiều, sợ giam xe và ngay lập tức dễ dàng thỏa hiệp, chấp nhận một mức nào đó mà phía CSGT đưa ra.

Nhiều người dân còn thiếu kiến thức về các mức phạt khi vi phạm giao thông. Ảnh minh họa

Tôi từng bị CSGT phạt vì lỗi bật xi nhan sai quy định. Hôm đó, khi bị “ngoắc” vào, câu đầu tiên tôi nghe được là: “Tại sao rẽ trái không bật xi nhan? Lập biên bản giam xe nha” (thật ra là tôi có bật nhưng nhầm bên). Vì đang bận việc nên nghe chữ “giam xe” là tôi hoảng hồn vội trình bày đủ thứ nhưng các anh ấy vẫn kiên quyết đòi giam xe. Lát sau một người có vẻ trưởng nhóm ra nói “có muốn nộp phạt tại chỗ không?”, tôi gật đầu ngay và anh nói luôn “500.000 đồng”. Tôi sai tôi chịu phạt nhưng nếu biết theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP lỗi này chỉ bị phạt 300.000-400.000 đồng, không giam xe, tước bằng lái gì hết thì người ta nghĩ sao về cách làm trên của CSGT?

Lần khác, tôi đi xe khách 15 chỗ về Vũng Tàu, vừa ra khỏi Bến xe Miền Đông thì bác tài có cho lên xe thêm hai mẹ con. Không may, vừa qua cầu Bình Triệu xe bị CSGT thổi lại kiểm tra. Không biết bác tài xuống làm việc thế nào, khi quay lên mặt bác đầy tức giận và thốt ra những lời rất không nên nói. Hỏi mới biết bác muốn xin cho qua lỗi với “giá” 1 triệu đồng nhưng CSGT nói hoặc nộp 2 triệu đồng hoặc sẽ thu bằng lái vì lỗi chở quá số người quy định. Làm tài xế kiếm cơm mỗi ngày làm sao có thể để bị tước bằng lái, không còn cách nào khác bác phải bấm bụng chịu mức phạt tiền trên. Trong khi theo quy định, xe 15 chỗ phải chở vượt quá từ ba người trở lên mới bị phạt từ 400.000-600.000 đồng trên mỗi người. Tính ra, CSGT đã “lời” quá chăng?

Một trường hợp CSGT cố tình ghi biên bản sai với lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tại Long Điền, TP Vũng Tàu được người dân quay lại, phát tán lên mạng.

Thay vì chỉ dẫn, giúp cho dân làm đúng thì một số cảnh sát lại kiếm thêm tiền trên sự thiếu kiến thức pháp luật của dân. Người hiền thì chịu phạt rồi đi lan truyền hình ảnh xấu ấy cho người khác; người dữ thì họ chống đối, phản kháng. Chưa kể trường hợp nhiều tài xế thiếu kiềm chế, thiếu cả hiểu biết sẽ chống người thi hành công vụ đến mức gây hậu quả không thể vãn hồi.

Vẫn biết là đây chỉ là thiểu số, bởi đa phần các anh cảnh sát giao thông phải vất vả dầm mưa dãi nắng mà vẫn luôn liêm khiết, hết lòng phục vụ nhân dân. Thế nhưng, thiểu số ấy đã làm cho hình ảnh CSGT đã có mảng không đẹp trong mắt người dân.

Tôi rất mong dự thảo Quy tắc ứng xử của công an nhân dân (đang được Bộ Công an lấy ý kiến) sẽ sớm được thông qua, ban hành và áp dụng trên thực tế để hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân đẹp một cách trọn vẹn hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm