Bộ Công an xử lý tình trạng CSGT liên tiếp bị chống đối

Chiều 25-7, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, có buổi làm việc với Cục CSGT về tình trạng chống đối lực lượng CSGT khi thi hành công vụ.

CSGT liên tiếp bị chống đối đang trở thành vấn đề "nóng" của Bộ Công an.

Đại diện lãnh đạo C67 cho biết tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân một phần do trình độ văn hóa, nhận thức và ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật; khi vi phạm thường có tâm lý trốn tránh, không hợp tác, cố tình gây sự, chống đối lực lượng CSGT.

Ngoài ra, công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX còn bất cập; một bộ phận người tham gia giao thông còn vô cảm, bàng quan, không có ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ người thi hành công vụ nên thường bỏ mặc, thậm chí cổ vũ và kích động để các đối tượng chống lại CSGT…

Trước tình trạng trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh C67 cần chú trọng tổ chức tập huấn nâng cao trình độ và văn hóa ứng xử cho toàn lực lượng, nhất là ứng xử với các tình huống trong quá trình tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự ATGT để CSGT có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm sẵn sàng đối phó khi bị đối tượng chống đối.

Đặc biệt, tăng cường trang bị công cụ hỗ trợ, thông tin liên lạc, phương tiện giao thông, đủ mạnh cho các hoạt động của lực lượng CSGT kịp thời trấn áp hành vi chống đối người thi hành công vụ, bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ. Tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như quá tốc độ, nồng độ cồn, chở quá tải…

Xử lý tình trạng chống đối CSGT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công an trong tháng 8-2017. Ảnh: Bộ Công an

Cùng ngày, tại cuộc họp giao ban, tình trạng chống đối CSGT cũng được bộ này đề cập. Thậm chí, vấn đề được Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nhắc đến trong công tác trọng tâm tháng 8-2017. Theo đó, công an các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng CSGT thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ về bảo đảm trật tự ATGT, trật tự công cộng, tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, chống lại lực lượng thi hành công vụ. 

Trước đó, Bộ này cũng đã có chỉ đạo với người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, chống đối người thi hành công vụ, CSGT được phép sử dụng mọi phương tiện, biện pháp công tác để ngăn chặn hành vi, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể hơn, C67 chỉ đạo CSGT toàn quốc bố trí lực lượng, trang bị vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ nhằm kiểm soát có hiệu quả đồng thời phòng ngừa và đấu tranh trấn áp, bắt giữ kịp thời khi có tội phạm xảy ra. CSGT các địa phương cần chú trọng bồi dưỡng, huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ sử dụng vũ khí, võ thuật, công cụ hỗ trợ…

Đặc biệt trong khi làm nhiệm vụ, CSGT phải khống chế các đối tượng khi bị kiểm tra có thái độ cản trở, lăng mạ, chống đối. Trường hợp cần thiết, lực lượng phải áp dụng biện pháp nghiệp vụ để khống chế, bắt giữ đối tượng, không để đối tượng tấn công bất ngờ. Đối với những trường hợp cố tình chống đối, dùng phương tiện giao thông quay ngang ra đường gây ách tắc giao thông, cần huy động lực lượng phân luồng, khống chế đối tượng, nhanh chóng giải quyết trật tự đám đông.

Như vậy, sau hàng loạt vụ chống đối CSGT, chỉ trong thời gian ngắn, Bộ Công an liên tiếp có các cuộc họp, chỉ đạo về việc xử lý tình trạng trên. Điều này cho thấy sự việc “ngày càng nghiêm trọng” theo nhận định của C67.

Theo C67, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn quốc đã xảy ra gần 30 vụ chống đối lại lực lượng CSGT trong khi làm nhiệm vụ, làm hai người hy sinh, nhiều người khác bị thương. Công an các địa phương đã khởi tố sáu vụ, chín đối tượng (chiếm hơn 21% so với số vụ xảy ra) với tội danh chống người thi hành công vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm