Thời gian qua, liên tiếp các trường hợp vi phạm giao thông có hành vi lăng mạ, chửi bới lực lượng CSGT. Không ít người đã bị xử phạt hành chính.
Nhiều người đặt câu hỏi CSGT nên làm gì và khi nào thì được sử dụng công cụ hỗ trợ để trấn áp.
Để giải đáp vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi cùng Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật (Cục CSGT, Bộ Công an).
Chỉ sử dụng công cụ trấn áp khi khẩn cấp
. Phóng viên: Thưa ông, trước tình trạng người vi phạm giao thông có hành vi chống đối, CSGT nên xử lý như thế nào?
+ Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Thực tế, do bị xử lý vi phạm, có một số người vi phạm có thái độ không phục, thậm chí là bất mãn nên đã có thái độ không phù hợp với lực lượng chức năng. Khi đó đòi hỏi chiến sĩ CSGT phải xử lý sao cho vừa hợp lý lại vừa hợp tình, cần ứng xử khéo léo, kiên nhẫn, không nên để chuyện nhỏ thành lớn nhằm tránh phức tạp tình hình.
. Nếu người vi phạm chửi bới, lăng mạ, thậm chí là có hành vi đe dọa đến an toàn bản thân, CSGT có được trấn áp?
+ Khi người dân có hành vi không đúng chuẩn mực, CSGT cần kiên trì giải thích để họ hiểu và chấp hành. Nếu người dân có hành vi xúc phạm, lăng mạ thì CSGT có thể ghi nhận lại sự việc bằng cách sử dụng trang thiết bị nghiệp vụ hoặc điện thoại để sau này làm căn cứ xử lý.
Nếu quá hơn nữa, CSGT có thể thông báo với lực lượng công an phường sở tại hoặc cảnh sát trật tự đến giải quyết theo thẩm quyền.
Còn trường hợp sử dụng vũ khí hoặc công cụ hỗ trợ để trấn áp thì phải tuân thủ chặt chẽ theo pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Khi sử dụng phải đặt an toàn cho người dân và bản thân người CSGT lên hàng đầu, chỉ sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp.
Tại khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có nêu bảy trường hợp được nổ súng, chẳng hạn như đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;…
Cục CSGT đã có chỉ đạo lực lượng CSGT các tỉnh/TP ngoài những kỹ năng về pháp luật, nghiệp vụ thì cũng cần đào tạo kỹ năng về ứng xử. Hiện một số tỉnh như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Bình… đã có những lớp tập huấn kỹ năng xử lý tình huống và văn hóa ứng xử cho cán bộ CSGT.
Khi bị lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe để xử lý thì người đàn ông tên Ph. chống đối, đánh đội phó CSGT Cát Lái. (Ảnh cắt từ clip)
Bản thân CSGT cũng là con người, ngoài những yếu tố môi trường làm việc độc hại như mưa, gió, bụi, khói… thì còn chịu ảnh hưởng về tâm lý. Do vậy, các chiến sĩ phải kiên nhẫn giải thích, thuyết phục dù bị người vi phạm phản ứng, điều đó thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ CSGT.
Có trường hợp buộc phải truy đuổi
. Vừa rồi, một chiến sĩ CSGT tỉnh Đồng Nai hy sinh trong quá trình chặn phương tiện vi phạm, nhiều ý kiến băn khoăn CSGT có nên dừng phương tiện bằng mọi giá?
+ Khi phát hiện phương tiện vi phạm, CSGT cần kiên quyết xử lý, thậm chí là truy đuổi nếu có thể. Nếu không thể truy đuổi, CSGT có thể ghi nhớ dấu hiệu nhận biết của phương tiện như biển số, màu xe… để thông báo cho các chốt sau.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn nhận sao cho đầy đủ nhất. Bản thân một phương tiện không đơn thuần chỉ là hoạt động đi lại trên tuyến giao thông mà còn ẩn chứa nguy cơ tội phạm. Nhiều trường hợp CSGT còn trực tiếp và phối hợp bắt ma túy hoặc phát hiện vũ khí trên xe…
Vì vậy, việc không chấp hành hiệu lệnh của CSGT là biểu hiện ban đầu của hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là có dấu hiệu tội phạm, cần phải cương quyết xử lý. Ví dụ, đối tượng khủng bố sử dụng xe hoặc người điều khiển say rượu…, nếu không cương quyết ngăn chặn thì hậu quả xảy ra có thể là khôn lường.
. Xin cám ơn ông.
• Ngày 8-4-2017, Đội CSGT Cát Lái (PC67, Công an TP.HCM) phát hiện NHPh (38 tuổi, trú quận 5) điều khiển xe máy chạy quá tốc độ nên yêu cầu dừng xe xử lý. Tuy nhiên, Ph. không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì và có biểu hiện say xỉn nên công an đã yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Liên tục trong gần một giờ đồng hồ, Ph. văng tục to tiếng và xô đẩy một CSGT. Thấy Ph. thiếu hợp tác, Trung tá Bùi Minh Phước, Đội phó CSGT Cát Lái, đã tới khuyên can thì Ph. lao tới đánh. Công an quận 2 sau đó đã ra quyết định tạm giữ hình sự Ph. để điều tra, xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ. • Ngày 13-10-2016, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 3 (PC67 Hà Nội) phát hiện NTT (26 tuổi, trú quận Hoàng Mai) không đội mũ bảo hiểm. Khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra, T. không chấp hành và tăng ga bỏ chạy. Đến chốt tiếp theo, một chiến sĩ CSGT khác tiếp tục dừng xe kiểm tra nhưng nam thanh niên này vẫn không chấp hành mà nhấn ga đâm thẳng vào người chiến sĩ CSGT. Lúc này, cả CSGT và nam thanh niên này cùng ngã xuống đường, bất ngờ nam thanh niên vùng dậy dùng tay đấm liên tiếp vào mặt chiến sĩ CSGT. Hậu quả, chiến sĩ CSGT bị gãy hai răng cửa, mất rất nhiều máu. Ngay sau đó, T. bị tạm giữ để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. |