Hình ảnh người dân khi vi phạm giao thông lại có hành vi chống đối, quá khích với CSGT cho thấy hiện thực pháp luật đang bị xem nhẹ bởi một số đối tượng. Chuyện cự cãi xảy ra trong nhiều mối quan hệ xã hội, không chỉ riêng người dân và cảnh sát. Tuy nhiên, đến mức độ chống đối, hành hung, gây thương tích cho CSGT vì bị kiểm tra hay thổi phạt đã không còn bình thường nữa và theo tôi nó là hành vi của những người “cá biệt”.
Các đối tượng cá biệt này mang những đặc tính rất đặc trưng như nóng nảy thậm chí hung hãn, ít hiểu biết về pháp luật hoặc bản thân họ coi thường pháp luật, người trong trạng thái mất kiểm soát hành vi như ngáo đá, say rượu.
Một trường hợp lái xe say rượu chây ỳ, không chịu cho CSGT kiểm tra, xử phạt. Ảnh: Báo Công Lý
Có phê phán hay giáo dục đạo đức chưa chắc có tác dụng với các nhân vật muốn làm người hùng này. Tôi nghĩ việc rèn luyện văn hóa ứng xử, nguyên tắc đúng mực trong mọi mối quan hệ phải bắt đầu khi còn nhỏ. Từ cách dạy dỗ của gia đình, thầy cô, sinh hoạt ngoại khóa… Bên cạnh kiến thức phải chú trọng rèn luyện kỹ năng sống, hành xử trong gia đình, ngoài xã hội. Không phải dạy các em nín nhịn, yếu hèn mà dạy cách kiểm soát hành vi, cảm xúc, nhất là khi ra đường, không để cơn giận hay cái tôi quá lớn lôi kéo vào hành vi sai trái.
Việc học để lấy bằng lái từ xe máy đến ô tô đều phải chú trọng hơn ở phần thi lý thuyết lấy bằng lái, lồng vào chương trình học tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức của công dân đối với giao thông và người thi hành công vụ.
Với những vụ chống người thi hành công vụ gần đây cho thấy vấn đề nhận thức về an toàn giao thông, văn hóa ứng xử đáng báo động. Việc sai phạm và chống đối như trên của một số người không thể thay đổi bằng việc thuyết phục, lý thuyết được. Chỉ có việc xử phạt nghiêm ở khung cao nhất bằng tiền, gửi thông báo xử phạt về nơi làm việc thì mới có tác dụng cảnh tỉnh và ngăn ngừa về sau.
Chiến sĩ CSGT bị xe container vi phạm hất văng xuống đường.
Phạt nghiêm, xử lý nghiêm nhưng cụ thể là xử lý thế nào thì mới hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ? Theo tôi, một khi đã có hành vi vi phạm luật giao thông rồi mà còn chống người thi hành công vụ thì phải phạt ở khung cao nhất. Không thể để vụ việc xảy ra rồi thì giải thích lý do tôi bị cái này, ức chế, bức xúc cái kia mà hành xử như vậy.
Nguyên nhân của tình trạng chống đối CSGT ngày càng nhiều là do luật của chúng ta không đủ răn đe, chưa phù hợp với sự phát triển của xã hội. Phần nữa là thiếu chế tài xử lý mạnh đối với những người manh động hoặc chây lỳ, ngang bướng đôi co, chống đối với người thi hành công vụ.
Việc cần làm là sửa luật theo hướng xử lý nặng những người gây mất trật tự nơi công cộng và đặc biệt nặng đối với chống đối người thi hành công vụ.
Việc đúng sai sẽ được phân định tại tòa án, còn trách nhiệm công dân phải chấp hành tuyệt đối pháp luật.