Người nước ngoài đến Việt Nam điều họ sợ nhất là giao thông. Người trong nước lưu thông trên đường cũng phải thừa nhận ý thức tham gia giao thông của dân ta quá kém. Xem thường luật lệ, bất chấp người khác và hoảng hốt khi thấy bóng dáng CSGT là đặc điểm chung của người dân.
Đi trên đường nhiều khi bức xúc không chịu nổi với những người vô ý thức, đường rất vắng vẫn băng băng leo lề rồi tạt ngang xuống lòng đường khi thấy CSGT. Đi qua ngã tư dù tín hiệu bên mình đèn xanh mà cũng không dám tự tin vì sợ có kẻ vượt đèn đỏ.
Lạng lách, đánh võng, lấn làn, chạy bên trái ô tô rầm rầm… tôi tự hỏi những kẻ ấy không biết sợ chết hay sao, có nghĩ rằng lỡ như tông vào một ai đó, khiến họ tàn tật, mất mạng thì sao?
Khi đường vắng đã vậy, lúc đường đông lại càng kinh khủng hơn, mạnh ai nấy chen, mạnh ai nấy lấn. Nhìn vào những con đường ở thành phố giờ cao điểm cảm thấy xấu hổ vì khi đó ý thức của con người coi như bằng 0. Tín hiệu đèn ngã tư thành vô giá trị vì ai cũng nối đuôi vượt lên, làn đường cũng không còn ý nghĩa vì có những nơi ô tô, xe máy đã tràn cả mặt đường, không chừa khe hở cho chiều lưu thông ngược lại.
Ai cũng dễ dàng nói một câu “giao thông giờ loạn quá” nhưng có mấy ai nhận ra đôi khi chính mình góp mặt trong cái loạn đó. Vì sao số tai nạn giao thông ở nước ta quá cao? Tất cả là vì ý thức kém mà quản lý thì buông lỏng, vi phạm không bị xử phạt hoặc xử quá nhẹ làm sao đủ răn đe?
Mới đây, nghe TP.HCM có đề xuất sẽ tăng mức phạt vi phạm giao thông lên gấp đôi, tôi vô cùng ủng hộ. Không phải là gấp đôi mà phải gấp ba, gấp bốn… làm sao để mức phạt vi phạm giao thông trở thành “khủng khiếp” đối với người lái xe, khi đó trật tự mới được bảo đảm.
Đừng mất sức ngưỡng mộ nước ngoài. Ở Mỹ, Nhật… hay gần hơn là Thái Lan, dù có CSGT hay không, dù đường vắng hay đông cứ đèn đỏ là nghiêm túc dừng đúng vạch. Vì sao vậy? Vì họ áp dụng mức phạt rất khủng khiếp, thực sự là vậy. Mức phạt đó có thể là mấy tháng tiền lương của người lưu thông, phạt lao động công ích, hồ sơ bị ghi xấu, giam xe, treo bằng lái v.v… nói chung là hậu quả kéo theo cho một lần coi thường luật lệ là rất đáng sợ. Và vì thế, họ không bao giờ liều.
Với mật độ dân số, xe cộ, tình hình đường sá ở nước ta hiện nay, tôi cho rằng không còn cách nào khác hữu hiệu hơn để giảm thiểu sự rối ren trong giao thông, sự mất an toàn trong lưu thông của chúng ta bằng cách “cháy túi” người vi phạm.
Các hình thức phạt như hiện nay chỉ như “gãi ngứa” và thực trạng người phạm lỗi “xin xỏ” lực lượng CSGT là được cho qua chỉ khiến ý thức người lưu thông ngày càng thấp và vấn nạn giao thông hỗn loạn ngày càng tăng, kéo theo nhiều hệ quả xã hội khó lường. Tôi cho rằng mạnh tay xử phạt là giải pháp lý tưởng, điều này đã được chứng minh ở nhiều nước, nhiều thành phố trên thế giới. TP.HCM có thể tiên phong, giải quyết vấn nạn này là rất đáng hoan nghênh.
Lời Tòa soạn: Trên đây là ý kiến cá nhân của bạn đọc gửi về cho báo Pháp Luật TP.HCM đóng góp ý kiến về đề xuất tăng mức xử phạt gấp đôi đối với những vi phạm giao thông trong nội đô mà Sở GTVT TP.HCM vừa trình lên HĐND thành phố.
Còn ý kiến của bạn thì sao, ủng hộ hay phản đối đề xuất này? Vui lòng đóng góp ý kiến của mình dưới bài viết trong phần “Bình luận”.