Chậm cấp LLTP cho dân: Sở Tư pháp nhận trách nhiệm

Theo đó, ngày 9-3, ông Đ. đến làm thủ tục và được hẹn trả kết quả vào ngày 30-3. Đến ngày hẹn, Sở cho biết hồ sơ vẫn đang xác minh. Ba tháng sau, ông Đ. nhận được tin nhắn từ bộ phận trả hồ sơ thông báo có kết quả và mời đến nhận hồ sơ. Tuy nhiên, khi đến Sở thì lại được cho biết do trục trặc kỹ thuật nên thông báo nhầm. Ông Đ. làm đơn khiếu nại đến giám đốc Sở và đến lần thứ hai thì được tiếp. Tại buổi làm việc này (16-8), ông nhận được phiếu lý lịch tư pháp sau 157 ngày thụ lý.

Ngày 28-8, ba ngày sau khi bà Oanh đăng thông tin trên mạng xã hội, Sở Tư pháp đã có buổi trao đổi nhanh với báo chí về vụ việc trên. Phó Giám đốc Sở Lê Thị Bình Minh khẳng định: “Không cần biết lý do gì, chậm trả kết quả lý lịch tư pháp cho dân trước hết Sở xin nhận trách nhiệm. Chúng tôi sẽ xin lỗi người dân”.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Lê Thị Bình Minh thông tin nhanh với báo chí về vụ việc của chồng bà Oanh. Ảnh: VIỆT HOA

Theo bà Minh, ngay khi nhận hồ sơ của ông Đ., Sở đã có công văn gửi hồ sơ xác minh đến Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (trung tâm) theo quy định. Đến ngày hẹn vẫn chưa có kết quả nên Sở gửi thư xin lỗi đến ông Đ. bằng hình thức nhắn tin.

Hơn một tháng sau, trung tâm gửi công văn phản hồi cho biết năm 1996, ông Đ. bị VKSND Tối cao tại TP.HCM bắt, lập căn cước về vi phạm quy định quản lý và bảo vệ đất đai. Tuy nhiên, trung tâm lại yêu cầu Sở xác minh tiếp do chưa có đủ cơ sở để kết luận về tình trạng án tích. Khi tiếp nhận phản hồi này, cán bộ phụ trách đã in phiếu lý lịch tư pháp nên hệ thống tự động gửi tin nhắn báo trả kết quả cho dân. “Đây đúng là sự cố kỹ thuật rất đáng tiếc, người dân bức xúc là đúng” - bà Minh nói.

Ngày 9-5, Sở gửi công văn đến VKSND Cấp cao tại TP.HCM. Một tháng sau, VKS trả lời cơ quan này không có thẩm quyền bắt và lập căn cước nên Sở phải gửi công văn tới VKSND Tối cao, TAND Tối cao, đại diện Văn phòng VKSND Tối cao tại TP.HCM và TAND TP.HCM cùng phối hợp xác minh. Đến tháng 8, VKS trả lời Sở không có hồ sơ lưu trữ vụ việc của ông Đ. nên Sở đã cấp phiếu lý lịch tư pháp cho ông.

“Có thể thấy Sở đã liên tục tác động để giải quyết hồ sơ nhanh chóng. Chúng tôi khẳng định không có tiêu cực gì trong vụ việc của ông Đ.” - bà Minh nhấn mạnh.

Theo bà Minh, luật chưa quy định rõ thời gian xác minh lý lịch tư pháp cho người dân. Đối với những trường hợp người dân từng bị các cơ quan tố tụng bắt, điều tra, khởi tố, truy tố nhưng không có thông tin về việc xét xử, hồ sơ sẽ kéo dài do phải xác minh thông tin phức tạp.

Phó Giám đốc Sở hứa sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình, đồng thời Sở sẽ kiến nghị sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp theo hướng không tính thời gian xác minh vào thời gian giải quyết hồ sơ. Bên cạnh đó, “xây dựng cơ chế hữu hiệu hơn trong việc cung cấp thông tin xác minh. Cụ thể, Sở sẽ gửi văn bản xác minh thông tin tại các cơ quan có liên quan bằng thư bảo đảm có hồi báo. Sau 30 ngày, nếu không có phúc đáp, Sở sẽ cấp phiếu lý lịch tư pháp theo hướng có lợi cho dân” - bà Minh kiến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm