Đồng Nai: Phường giúp người tâm thần bán đất

Ở khu phố 5, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Đồng Nai) ai cũng biết ông Trần Văn B. (74 tuổi, quê Quảng Nam) bị tâm thần nặng. Năm 1980, ông B. bị cục sứ cách điện rơi xuống ngay đỉnh đầu gây chấn thương sọ não, để lại di chứng bị mất trí nhớ. Năm 1985, để chữa bệnh cho chồng, vợ ông B. đưa ông và các con từ Quảng Nam vào Biên Hòa sinh sống. Vào thời điểm đó, vợ ông B. mua một ha đất rẫy ở khu phố 5, phường Trảng Dài với giá một triệu đồng. Vợ ông dựng nhà tạm, canh tác và đóng thuế đầy đủ.

Mất đất bất ngờ

Năm 2001, đang sinh sống yên lành thì gia đình ông B. bị UBND TP Biên Hòa ra quyết định cưỡng chế buộc tháo dỡ nhà để giao đất cho bà D. Thì ra ông B. đã ký giấy bán phần đất này cho ông T. (ngụ ở Biên Hòa) từ tháng 9-1990. Ông B. còn bán 1,7 ha của hai hộ lân cận. Ngay sau đó, ông T. bán đất lại cho bà D. Năm 1997, bà D. được cấp chủ quyền đất.

Ngoài ra, theo hồ sơ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, bà Trần Thị Thêm có 2,4 ha đất (gần đất của gia đình ông B.). Gia đình bà đã cất nhà sinh sống trên miếng đất này. Năm 1998, bà Thêm xin hợp thức hóa thì mới biết đất của gia đình bà đã được UBND tỉnh cấp chủ quyền cho ông T. từ năm 1997. Theo tờ trình nguồn gốc đất, ông T. khai do ông B. khai phá từ năm 1972, đến năm 1990 ông B. về quê nên bán lại cho ông T. (?). Giấy chuyển nhượng này cũng được chủ tịch UBND phường Trảng Dài lúc đó xác nhận. Ngay khi có “giấy đỏ”, ông T. đã bán lô đất của bà Thêm cho người khác với giá hàng tỷ đồng.

Cho rằng có người lợi dụng bệnh tật của ông B. để cấu kết với cán bộ phường Trảng Dài làm giả hồ sơ mua bán để chiếm đất của mình, vợ ông B. và ba hộ liên quan nêu trên đã làm đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan có thẩm quyền.

VKSND tỉnh đã tổ chức xem xét lại vụ việc. Qua thẩm tra, VKSND tỉnh kết luận “UBND tỉnh ra quyết định công nhận quyền sử dụng đất cho bà D. là không có cơ sở”. Bởi lẽ cán bộ địa chính phường lúc đó không đi kiểm tra thực tế sử dụng đất nên đã xác nhận không đúng vào tờ trình nguồn gốc đất của bà D. VKSND tỉnh đề nghị UBND tỉnh thu hồi quyết định này, đồng thời xem xét trách nhiệm của cán bộ địa chính và chủ tịch UBND phường Trảng Dài lúc đó về sai phạm trên. Thế nhưng sự việc không được giải quyết rốt ráo.

Gian nan đi tìm công lý

Cuối năm 2002, UBND tỉnh thu hồi quyết định công nhận quyền sử dụng đất cho bà D. Năm 2003, vợ ông B. đã yêu cầu được công nhận quyền sử dụng đất (một ha) nhưng không được UBND TP Biên Hòa chấp thuận, viện lẽ đất của bà đã được ông B. bán cho ông T. Vợ ông B. đã khởi kiện UBND TP Biên Hòa ra tòa hành chính.

Tháng 8-2004, tòa sơ thẩm xử vợ ông B. thua kiện. Tháng 5-2005, TAND tỉnh xử phúc thẩm nhận định hợp đồng mua bán đất giữa ông B. và ông T. là trái luật vì ông B. bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Vợ ông B. có quá trình sử dụng đất hợp pháp nên cần bảo đảm lợi ích hợp pháp cho bà. Tòa tuyên hủy quyết định giải quyết khiếu nại và yêu cầu UBND TP Biên Hòa có trách nhiệm giải quyết lại khiếu nại của vợ ông B. Nhưng khi bà B. yêu cầu thi hành án thì UBND TP Biên Hòa “im re” hơn ba năm qua.

Bà Thêm còn gian nan hơn. Bản chất vụ kiện tương tự như vợ ông B. nhưng cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều bác đơn của bà Thêm.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vào cuộc

Thấy khiếu nại của vợ ông B. và ba hộ dân có nhiều tình tiết uẩn khúc, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã vào cuộc. Sau khi thẩm tra, xác minh, đoàn kiểm tra kết luận khiếu nại của các hộ dân trên có cơ sở. Đoàn kiểm tra đề xuất cơ quan điều tra làm rõ hành vi ông T. và một số cán bộ tiếp tay để chiếm đất của bốn hộ dân trên. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh thu hồi quyết định công nhận quyền sử dụng đất của ông T. đối với 1,7 ha đất của hai hộ lân cận... Đối với trường hợp bà Thêm, kiến nghị TAND tối cao, VKSND tối cao xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm.

Nhận được kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh, VKSND tối cao yêu cầu TAND tỉnh Đồng Nai chuyển hồ sơ vụ án đến cơ quan này xem xét, giải quyết. Mới đây, Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã có công văn đề nghị UBND tỉnh làm việc với TAND tỉnh, VKS tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy và Văn phòng Đoàn ĐBQH để giải quyết vụ việc, không để kéo dài và báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy.

Kết quả giám định của Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 kết luận: “Ông Trần Văn B. lúc tỉnh tiếp xúc được, nhớ tên tuổi, nhớ năm sinh nhưng không nhớ có mấy người con, tên tuổi các con không nhớ. Ông không nhớ tên tuổi của vợ... Năng lực hành vi của đương sự bị hạn chế nhiều”.

TRUNG DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm