1 phụ nữ chuyển khoản 15 tỷ sau khi nhận cuộc gọi từ người tự xưng công an

(PLO)- Một phụ nữ ở Hà Nội 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền 15 tỷ đồng sau khi nhận cuộc gọi từ một đối tượng tự xưng công an.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, tuần qua (Từ 6-5 đến 12-5-2024) ở nước ta xuất hiện các hình thức lừa đảo trực tuyến.

PLO gửi tới bạn đọc một số hình thức lừa đảo gần đây.

Mạo danh cán bộ thuế lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Đại diện Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng cho biết, tháng 4 các đối tượng lừa đảo còn làm giả cả giấy mời của Chi cục Thuế để gửi cho các hộ kinh doanh trên địa bàn.

Trong giấy mời thì có nội dung cần liên lạc qua Zalo với một số điện thoại lạ, nhằm mục đích tư vấn hoàn thuế, nhưng thực chất là khi người dân liên hệ sẽ đòi chi phí để thực hiện các thủ tục.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội.

công an
Đối tượng nói căn cước công dân của bà P có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Ảnh: Cục ATTT.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.

Cũng với thủ đoạn giả danh, Công an quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cho biết, đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 15 tỷ đồng.

Theo Công an TP Hà Nội, ngày 5-4, bà P. (SN 1956, trú tại Hà Đông, Hà Nội) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói căn cước công dân của bà P có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền.

Nếu bà P không chứng minh được mình không liên quan thì vài ngày tới sẽ bắt bà. Do lo sợ nên bà P đã chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để xác minh. Bà P đã thực hiện 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền là 15 tỷ đồng. Sau đó, bà P biết mình bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Điều đáng nói, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết, không minh mẫn của người cao tuổi để ra tay lừa đảo. Vì thế, để đối phó với các đối tượng lừa đảo qua điện thoại thì những người trong gia đình phải là người tiên phong tuyên truyền cho người cao tuổi trong gia đình để họ nhận biết và có ý thức cảnh giác, phòng tránh hiệu quả.

Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật; không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Mạo danh CTV, PV của một số báo, tạp chí để đe dọa người khác

Ngày 9-5, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa khởi tố đối với tám đối tượng về tội "Cưỡng đoạt tài sản", với thủ đoạn mượn danh, mạo danh cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí để đe dọa người khác chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng làm giả bằng cấp rồi sử dụng để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, các đối tượng đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh… với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên của báo, tạp chí để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở đó.

sau-khi-nghe-dien-thoai-cua-cong-an-gia-mot-nguoi-dan-chuyen-khoan-15-ty-2.jpeg
Đối tượng làm giả bằng cấp rồi sử dụng để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Ảnh: Cục ATTT.

Khi tìm ra các sơ hở, thiếu sót của các cơ sở, các đối tượng gây sức ép, gợi ý để các cơ sở biết rõ hoặc ngầm hiểu nếu không đưa tiền cho các đối tượng thì sẽ bị báo đến chính quyền địa phương và viết bài phản ánh trên báo chí.

Do lo sợ việc bị đưa thông tin trên báo chí sẽ ảnh hưởng đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất nên các cơ sở đã phải đưa tiền cho các đối tượng.

Các đối tượng tổ chức hoạt động theo từng nhóm liên huyện, liên tỉnh, trao đổi thông tin về các cơ sở cho nhau. Khi một đối tượng lấy được tiền ở một cơ sở bất kỳ thì sẽ thông tin lại cho các đối tượng khác biết để tiếp tục đến cơ sở đó, gây sức ép là phóng viên, cộng tác viên của báo, tạp chí khác nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm