Lao động từ Libya về nước trước hạn: Được hỗ trợ cao nhất 12 triệu đồng

Chiều 2-8, Bộ LĐ-TB&XH đã công bố Quyết định số 940 “Về việc hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) phải đưa lao động làm việc tại Libya về nước trước hạn do khủng hoảng chính trị”. Văn bản này chú trọng hỗ trợ các lao động làm việc tại Libya dưới sáu tháng (tính đến ngày 15-2-2011). Ông Lê Văn Thanh, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết: “Theo báo cáo của các DN, mức tiền lương trung bình của lao động ở Libya sau bốn tháng sẽ đủ bù cho chi phí mà họ đã bỏ ra để đi XKLĐ. Do vậy, Bộ thống nhất với đề xuất hỗ trợ từ dưới sáu tháng để đề phòng trường hợp DN chậm trả lương”.

Nhận tiền hỗ trợ qua DN

Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Công ty Air-Serco, một DN XKLĐ cho biết việc chờ đợi văn bản hướng dẫn việc thanh lý hợp đồng và các mức hỗ trợ cho lao động từ Libya trở về đã diễn ra quá lâu (từ tháng 3 - PV) gây khó khăn cho người lao động và cả DN. Theo ông Vui, với mức hỗ trợ 50% phí môi giới DN phải trả cho lao động, DN vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo Quyết định 940, các DN XKLĐ có lao động làm việc tại Libya phải về nước trước hạn có trách nhiệm gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước và Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước đề nghị hỗ trợ, kèm theo danh sách người lao động đủ điều kiện được hỗ trợ theo từng đối tượng; danh sách người lao động thuộc đối tượng phải hoàn trả tiền môi giới theo quy định.

Lao động từ Libya về nước trước hạn: Được hỗ trợ cao nhất 12 triệu đồng ảnh 1

Lao động trở về từ Libya đang mong ngóng khoản tiền hỗ trợ để giải quyết khó khăn trước mắt. Ảnh: P.ĐIỀN

Sau khi nhận kinh phí chi hỗ trợ từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, DN sẽ hoàn trả tiền môi giới cho người lao động.

Người mừng, người lo

Chiều 2-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các lao động trở về từ Libya cho biết sau khi trở về, họ phải tự tìm kiếm việc làm để mưu sinh. Điều khiến họ băn khoăn là thời gian chờ đợi khoản tiền hỗ trợ quá lâu, trong khi đó, nhiều lao động lúc đi phải vay mượn để trả chi phí dịch vụ khá lớn và chưa biết lúc nào sẽ hoàn trả được. Trong khi đó, mức hỗ trợ đưa ra cũng chưa thể giải quyết được những khó khăn trước mắt mà gia đình họ đang gánh phải. Điều mà họ cần là công ăn việc làm lâu dài để ổn định cuộc sống và trả hết nợ.

Anh Nguyễn Văn Hải, thôn Bình An, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, rất mừng vì mình thuộc diện được hỗ trợ cao nhất. Anh Hải đã hơn 40 tuổi, đi Libya chưa đầy một tháng đã phải về nước nên khoản nợ 17 triệu đồng trước khi đi của anh vẫn còn lơ lửng. “Có tiền hỗ trợ may ra tôi cũng trả được bớt nợ, không phải để gia đình lo lắng” - anh Hải nói.

Anh Phan Văn Hòa, quê ở Nghệ An bộc bạch: “Với những lao động làm việc lâu năm, đã có tiền tích cóp sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, còn với lao động có thời gian làm việc ít hơn sẽ chịu thiệt thòi, vì chi phí họ bỏ ra khá lớn, trong khi thời gian làm việc ít nên khó có thể bù đắp được”.

Trong khi đó, vợ của anh Nguyễn Văn Điệp, quê Nam Định, cho biết chi phí cho chuyến XKLĐ của anh Điệp hết 2.000 USD nhưng làm việc được tám tháng thì xảy ra khủng hoảng. Đáng nói hơn, lương tháng cuối cùng của anh và nhiều lao động khác không được nhận vì chủ DN đã tháo chạy. “Những mong XKLĐ để thoát nghèo nhưng đến này chúng tôi vẫn chưa hết khó khăn, vì vậy chồng tôi phải tiếp tục chạy vạy tiền để sang một nước khác (Dubai) tiếp tục làm việc trả nợ” - vợ anh Điệp nói.

Anh Nguyễn Văn Hưng (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) cũng tỏ ra buồn rầu vì mình đi làm chưa đầy một năm, thu nhập cũng chưa đủ bù các khoản chi phí khi đi nhưng không thuộc diện được hỗ trợ.

Lao động từ Libya về nước trước hạn: Được hỗ trợ cao nhất 12 triệu đồng ảnh 2

Lao động được hỗ trợ về tín dụng

Người lao động tham gia XKLĐ sang Libya phải về nước trước hạn vay tín dụng tại ngân hàng chính sách xã hội được gia hạn nợ, khoanh nợ đối với khoản vay tín dụng trước khi đi làm việc ở nước ngoài; nếu có nhu cầu, được tiếp tục vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành.

(Theo công văn của Văn phòng Chính phủ ngày 22-7)

BẢO PHƯỢNG - PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm