Lớp học VNEN - Đổi món cũng phải tùy thể trạng

Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) là một dự án của Bộ GD&ĐT dành chuyên sâu cho khối tiểu học, đã triển khai được hơn hai năm và đang đi vào giai đoạn cuối. Phải ghi nhận đây là một trong những cố gắng của ngành, nhằm đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục và hiện đại hóa mô hình dạy học cho giống với bạn bè thế giới. Nhưng là một giáo viên đứng lớp, chúng tôi băn khoăn nhiều lắm. Nhất là về chuyện có thật vai trò của thầy và trò đã được thay đổi theo hướng tích cực, chất lượng dạy học được nâng cao... như đang được tung hô, hay không.

Lâu lâu lại thay đổi phương pháp, mô hình

Thừa nhận là theo mô hình VNEN, sau giai đoạn đầu phải trang trí lớp, phải xếp nhóm, thầy cô phải đổi sang “kiểu” hướng dẫn các em thay vì dạy học như trước đây, phải bầu các hội đồng tự quản của lớp... thì sang giai đoạn tiến hành thực, giáo viên được nhàn hơn rất nhiều. Chỉ có điều chúng tôi không thể yên tâm “hưởng nhàn” trên lớp khi thấy thực tế là kết thúc buổi học, may ra chỉ một vài em có được kiến thức, các em còn lại chỉ hiểu lớt phớt hoặc không hiểu gì về bài. Mô hình lớp học rất đẹp, có tính tương tác giữa học sinh với nhau, đề cao tinh thần làm việc nhóm; nhưng với học sinh tiểu học, kiến thức nền tảng đã không vững vàng thì đến các lớp sau các em khó mà học cho tốt được. Tôi dạy tiểu học, vẫn xót xa buồn khi trong những lần gặp gỡ, đồng nghiệp dạy các cấp học cao hơn hay than phiền: Chả biết ở lớp trước chúng nó học cái gì, mà đến giờ hỏi gì cũng không biết!

Đây cũng chẳng phải lần đầu tiên giáo viên chúng tôi phải theo chỉ đạo ngành dọc mà thay đổi phương pháp, thay đổi mô hình. Trước đây đã từng có nào là giáo án điện tử, bảng từ, bảng thông minh, thậm chí tới chỗ mỗi học sinh phải trang bị một máy tính bảng... Một đồng nghiệp sau quá trình soạn bài giảng bằng Powerpoint, nhìn giáo viên cả trường “bay nhảy, bùm chéo” theo các hiệu ứng màn hình, đã cảm khái: Bây giờ thầy trò chúng ta cùng đổi mới phương pháp, chuyển từ “đọc chép” sang “chiếu chép”! Chẳng biết kết thúc dự án này VNEN có nhận được một kết luận nào mang sức “khái quát cao” đến vậy không?

Một lớp học theo Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN). Ảnh: VŨ THỦY

Đừng biến món phụ thành món chính

Trải nghề dạy học mấy chục năm trời, giáo viên chúng tôi nhận thấy có những thứ vốn chỉ mang tính chất “gia vị”, hoặc nếu là món thì cũng chỉ để thỉnh thoảng đổi món cho vui lại được các nhà quản lý giáo dục của ta nhầm lẫn thành món chính, mang làm món thay thế cho cả bữa ăn. Suy cho cùng, bảng thông minh, máy tính bảng, hay mô hình xếp lớp ngồi theo cụm bàn... đều là những phương tiện dạy học, nếu khai thác đúng thế mạnh của nó thì hiệu quả của quá trình dạy học sẽ tăng. Dù vậy cũng không được quên, không được xem nhẹ cái lõi của quá trình dạy học, đó là khối lượng và chất lượng của kiến thức, cái còn lại trong học trò sau tất cả những màn trình diễn hợp thời, cái sẽ thành những viên gạch nền tảng ngôi nhà giáo dục mà mỗi người phải tự xây dựng cho mình.

Hành trình học tập nói riêng và hành trình nhận thức nói chung bản chất là một hành trình cá nhân. Mô hình mới là tốt thôi nhưng phải tuân thủ quy luật khách quan này.Dạy-học chẳng phải là một quá trình dễ dàng. Tố chất của người thầy, của học trò phương Đông bao đời nay đã ảnh hưởng quyết định đến mô hình lớp, đến phong cách dạy-học và nền nếp học hành sinh hoạt trong lớp. “Đổi món” cũng nên tùy thể trạng, tùy khẩu vị, tùy văn hóa của người học, người dạy, xin đừng vì vội vàng, mà rồi bỏ mất cái nền nếp tốt đẹp ấy đi...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm