Một giấy cho nhà, đất

Hôm nay (21-2), Chính phủ sẽ họp về việc thống nhất một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, thay cho cả “rừng” giấy tờ về nhà, đất hiện nay (“giấy đỏ”, “giấy hồng” cũ, “giấy hồng” mới, “giấy trắng”). Tại cuộc họp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) sẽ trình Chính phủ các phương án “một giấy” cho nhà, đất.

Chỉ bổ sung “giấy đỏ” hiện thời

Phương án thứ nhất được Bộ TNMT đưa ra là sử dụng nguyên mẫu “giấy đỏ” của Bộ TNMT ban hành hiện nay, trong đó có mục tài sản gắn liền với đất. Mẫu “giấy đỏ” hiện nay sẽ được in thêm dòng cho mục tài sản gắn liền với đất để sử dụng trong trường hợp thửa đất có nhiều tài sản. Trường hợp đặc biệt, thửa đất có quá nhiều tài sản thì sẽ lập trang bổ sung cho “giấy đỏ” và đóng dấu giáp lai.

Ưu điểm của phương án này là có thể triển khai được nhanh (có thể bắt đầu từ 1-5). Việc chỉ in thêm số dòng hoặc trang cho mục tài sản gắn liền với đất sẽ bảo đảm sự ổn định, không gây xáo trộn trong hệ thống quản lý đất đai. Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là tên của “giấy đỏ” chưa phù hợp với nội dung của giấy, bởi trong đó có cả nội dung chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Đổi tên, đổi cả mẫu giấy

Theo phương án thứ hai, sẽ ban hành một mẫu giấy mới tên là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”. Mẫu giấy này bao gồm đầy đủ các thông tin về thửa đất, thông tin về tài sản gắn liền với đất.

Ưu điểm của phương án này là tên của giấy phù hợp với nội dung của giấy, chứng nhận cả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Hình thức của giấy chứng nhận sẽ được thiết kế lại, có thể sử dụng lâu dài do khả năng chỉnh lý biến động được nhiều hơn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện giấy mới này có thể sẽ chậm hơn do phải nghiên cứu, ban hành, in ấn mẫu mới.

“Một giấy” có tới hai luật “quản”!

Bộ TNMT cho biết theo kế hoạch, đến năm 2010 sẽ trình Quốc hội dự án Luật Đăng ký bất động sản. Nếu dự luật này đặt ra những yêu cầu mới của quản lý nhà nước đối với bất động sản thì sẽ không tránh khỏi việc bổ sung, thậm chí còn phải sửa đổi mẫu giấy đã ban hành lần này. Trong tương lai gần, khi công nghệ thông tin đã phát triển hơn, hệ thống đăng ký điện tử đã được triển khai trên phạm vi cả nước thì việc cấp loại giấy chứng nhận điện tử thay thế cho các loại giấy chứng nhận hiện nay có thể xảy ra.

Vì vậy, Bộ TNMT đề nghị lựa chọn phương án “một giấy” là “giấy đỏ” bổ sung để thực hiện xong việc hợp thức hóa nhà, đất trên cả nước vào năm 2010 theo Nghị quyết 07 năm 2007 của Quốc hội. Tuy nhiên, việc cấp “một giấy” đi vào thực tế sẽ bị vướng bởi Luật Đất đai quy định việc đăng ký quyền sử dụng đất được thực hiện bắt buộc đối với mọi trường hợp đang sử dụng đất, trong khi Luật Nhà ở lại quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở chỉ thực hiện đối với chủ sở hữu có yêu cầu.

Để tháo gỡ, Bộ TNMT kiến nghị thực hiện theo hướng mọi trường hợp đang sử dụng đất đều bắt buộc phải kê khai, đăng ký về quyền sử dụng đất. Riêng tài sản gắn liền với đất, nếu chủ sở hữu có nhu cầu và được nhà nước công nhận quyền sở hữu thì phải kê khai tài sản đó cùng với việc kê khai đăng ký quyền sử dụng đất.

Bộ TNMT đang soạn thảo nghị định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Bộ đang kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định này để triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước từ ngày 1-5. Bộ TNMT cũng đề nghị Chính phủ giao Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất làm đầu mối tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo “một giấy” mới.

Theo Bộ TNMT, phương án xử lý đối với các loại giấy đã cấp như sau:

- Đối với những trường hợp đã cấp “giấy đỏ”, nếu chủ sở hữu tài sản có nhu cầu thì đăng ký bổ sung và xác nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên “giấy đỏ” đã cấp.

- Trường hợp đã được cấp “giấy hồng” thì vẫn tiếp tục sử dụng, không phải cấp đổi sang loại giấy chứng nhận mới.

- Trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng mà chưa được cấp “giấy đỏ” thì kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận riêng về quyền sử dụng đất. Trường hợp chủ tài sản có nhu cầu cấp giấy chứng nhận chung cho đất với tài sản gắn liền với đất thì phải nộp cả giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đã cấp.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm