Người Việt xấu xí khi đi du lịch

LTS: Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du khách Trung Quốc hiện được biết đến với nhiều hành vi xấu, tuy nhiên khách du lịch Việt Nam cũng đang có dấu hiệu tương tự.

Vừa rồi trên một diễn đàn nổi tiếng, có tác giả không dám nhận mình là người Việt Nam khi ở nước ngoài. Còn tôi, tôi luôn nhận mình là người Việt Nam, chỉ có điều đôi khi không dám, không muốn nhận một số người Việt mình gặp ở xứ người là đồng hương.

Nói tục, thiếu ý thức nơi công cộng

Cô bạn của tôi đi Thái Lan thường xuyên, nhiều lần gặp du khách Việt ở Thái mà không dám nhận đồng hương vì sợ bị đánh giá lây. “Giữa chỗ đông người mà họ nói tục chửi thề, ồn ào, bát nháo, ăn xong xả rác bừa bãi làm em mắc cỡ quá” - bạn tôi than. Đạo Phật là quốc giáo ở Thái, chùa chiền là chốn tôn nghiêm nhưng nhiều người Việt vẫn mặc áo quần cũn cỡn hở hang bước vào. Đương nhiên là họ không được vào hoặc phải quấn khăn áo do nhà chùa cho mượn. Tôi không hiểu những du khách này nghĩ gì khi ăn mặc như thế, bởi đó là những ý thức cơ bản, văn hóa tối thiểu.

Có lần tôi làm thủ tục ở sân bay, gặp một nhóm các cô gái trẻ xinh đẹp ăn mặc gợi cảm, trang điểm đậm chuẩn bị bay sang Malaysia du lịch. Trong lúc xếp hàng, họ túm tụm bình luận, bàn tán về kích cỡ ba vòng, màu sắc, thể loại các loại… nội y kể cả loại họ đang mặc, tự nhiên như đang ở nhà mình, như không thấy có bao nhiêu người xung quanh. Tôi đã hiểu tại sao Singapore, Malaysia và ngay cả Thái Lan bây giờ cũng làm khó dễ các cô gái Việt khi nhập cảnh vào nước họ. Nếu tôi là nhân viên hải quan, tôi cũng sẽ không thích chào đón những người như vậy vì thiếu tin tưởng họ sẽ đem lại điều gì hay ho cho xứ mình. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!

Chuyện ăn uống thì thôi rồi, dù thức ăn buffet ê hề thì nhiều người vẫn không đi theo vòng mà thích chen lên lấy trước, lấy thật nhiều, ăn không hết thì bỏ lại.

Thông báo của cửa hàng buffet ở Thái Lan đối với du khách Việt (tháng 9-2012). Ảnh: INTERNET

Thích lách luật vì tiếc vài đồng lẻ

Trên mạng vừa có câu chuyện tự thuật của một cô gái đi du học ở châu Âu. Ở nước này, xe buýt, tàu điện ngầm không có người bán vé hay camera, họa hoằn lắm mới bị kiểm tra đột xuất. Theo tính toán của cô thì tỉ lệ bị phát hiện chỉ chừng vài phần trăm, trong khi “trốn vé” thì tiết kiệm cũng kha khá và quan trọng nhất là khi bị phát hiện cũng chẳng bị chế tài gì, chỉ phải mua lại vé. Sau mấy năm, cô tốt nghiệp loại giỏi, một ngành rất “hot”. Nhưng lạ lùng là cô đi xin việc lại bị nhiều nơi từ chối. Đến lần thứ bảy, không kiềm được ấm ức, cô hỏi vì sao không được nhận. Một công ty trả lời: Vì trong lý lịch đã có mấy lần cô trốn vé xe buýt. “Chúng tôi không tin tưởng sự trung thực của bạn để giao cho bạn những việc hệ trọng” - họ cho hay. Cô gái có lẽ đã thấm thía lắm những chuyện mình từng làm.

Dám bỏ số tiền không nhỏ đi du lịch nước này nước nọ, ảnh chụp thì lung linh long lanh nhưng nhiều người tiếc vài đồng lẻ tiền vé vào cổng tham quan. Chẳng những vậy, họ còn thoải mái chia sẻ cho nhiều người khác như một “kinh nghiệm” đáng tự hào. Tôi có một người quen, hễ nhắc đến Myanmar là anh khoe về “thành tích trốn vé rực rỡ” của mình. Để tiết kiệm vài đô mua vé vào chùa Vàng hay quần thể hồ Inle, anh ta mua một cái khố quấn như người địa phương, không mang theo ba lô cồng kềnh, không mở miệng vì sẽ bị lộ và nhất là tạo vẻ mặt thật tự nhiên, thế là qua cửa trót lọt. Anh ta còn khuyên bảo mọi người… học theo để đỡ tiền mua vé (?). Khi tôi bày tỏ bức xúc, không ít người lại nói rằng: “Thấy bình thường thôi, có gì đâu mà lên án”. Trong khi đó, việc trốn vé không khác gì hành vi lừa đảo, ăn cắp. Một người bạn của tôi làm hướng dẫn viên chuyên dẫn tour Campuchia. Thông thường trong tour sẽ có một buổi tối khách được tặng một suất massage chân miễn phí nhưng phải tự trả tiền tip cho nhân viên, chừng 2-5 USD. Thế nhưng mấy lần anh phải móc tiền túi ra gửi vì khách “trốn”. “Khó chịu nhất là có lần một khách đưa cho cô bé Campuchia tờ tiền Việt Nam 5.000 đồng. Cô bé không dám nói vì không nhớ rõ mặt khách, bèn nhờ một cô đồng nghiệp lớn hơn gặp tôi. Hỏi không ai nhận mình “nhầm”, tôi bỏ tiền túi ra gửi. “Nhầm sao được, họ cố ý thôi” - anh bạn tôi bất mãn. Người ta nghĩ gì về người Việt Nam mình khi có những người “khôn lỏi”, ranh ma?

Bỗng nhớ đến anh hướng dẫn viên du lịch người Mông Cổ nổi tiếng trên trang thông tin du lịch tripadvisor. Khi gặp nhau, anh nói đã từng suy nghĩ rất nhiều khi tôi liên hệ mua tour của anh. Anh rất e ngại người Việt Nam. Tôi gặng hỏi mãi, anh cho biết bạn anh đã từng dẫn một nhóm khách Việt. “Bạn tôi nói rất nhiều điều không tốt về nhóm khách Việt trên và khuyên tôi cẩn thận” - anh bảo. Anh cũng ấn tượng không tốt về một số người Việt sống ở Mông Cổ, bởi họ không tuân thủ pháp luật trong làm ăn. Nghe những lời thẳng thắn này mà thấy buồn và ngượng...

Giàu có nhưng vẫn tham lam

Cuối năm 2015, tôi cùng gia đình mua tour đi Hàn Quốc của Vietravel. Buổi tối, một nhóm khách tách đoàn đến khu mua sắm Kangnam. Sau đó, họ gọi taxi về khách sạn. Trên xe có một cô gái trẻ ngồi băng ghế phía sau tài xế và hai phụ nữ lớn tuổi. Mọi người đang trò chuyện thì tài xế tìm chiếc điện thoại mà anh để ở băng ghế sau nhưng ai cũng nói không thấy. Đến khi tài xế nói với người phụ nữ bên cạnh là anh sẽ báo cảnh sát, chị ấy dịch lại cho hai khách du lịch đi cùng thì cô gái trẻ mới bối rối lấy chiếc điện thoại trong túi ra trả lại.

Sau đó, anh tài xế đã bỏ cả ba người xuống và bật đèn thông báo cho các taxi khác không đón. Ba người phải đi bộ về khách sạn. Sau đó, gần như mọi người trong đoàn biết việc này. Tôi biết cô gái trẻ "táy máy" chiếc điện thoại đó, vợ chồng cô ấy là chủ một doanh nghiệp, kinh tế rất khá giả. Nhưng cô ấy đã không vượt qua được một chút lòng tham.

Cũng trong chuyến đi ấy, thêm một chuyện làm tôi suy nghĩ. Tôi đến một quầy, mua một ly cà phê và đưa cô chủ quầy 100 USD. Cô ấy thối lại cho tôi một ít tiền. Sau đó, tôi hỏi hướng dẫn viên về tỉ giá và biết rằng chủ quầy đã thối nhầm. Hướng dẫn viên tới trình bày. Cô chủ quầy bèn kiểm tra lại và vội vàng tới bàn tôi khom người xin lỗi, nói rằng nhìn nhầm tờ tiền của tôi là tiền lẻ. Sau đó, khi quán bớt khách, cô ấy lại đến xin lỗi. Cô ấy bối rối thực sự, còn tôi thì thấy rất thương cô ấy. Quầy của cô ấy rất đông khách, nếu như cô ấy chối ngay việc đã đổi tiền cho tôi thì cũng không bắt bẻ được vì tôi đã không kiểm tiền tại quầy.

Chị HỒ MINH NGUYỆT, BTV Đài PTTH Tây Ninh

Không tôn trọng người khác

Tôi đã đi theo một số tour xuyên Việt để học hỏi kinh nghiệm. Có nhiều du khách không bao giờ chịu xếp hàng và rất hay làm ồn ở nơi công cộng. Ngay cả khi vào tham quan các địa điểm tâm linh như chùa chiền, nhà thờ, họ cũng chen lấn ồn ào. Vào đền chùa họ hay rải tiền lẻ khắp nơi.

Trong ăn uống, họ lại càng không chịu xếp hàng. Họ có tâm lý mình đã đóng tiền thì mình phải được ưu tiên. Hoặc có những khách giàu có nên họ tự cho quyền thích làm theo ý mình mà không chịu làm theo chỉ bảo của hướng dẫn viên.

Chị ĐINH THỊ HẰNG, hiện đang học năm cuối Trường CĐ nghề - du lịch Huế 

H.MINH ghi

Một bộ phận khách du lịch Việt Nam đã tạo nên hình ảnh xấu xí về du khách Việt. Các hành vi được nhận diện gồm: Chen lấn xô đẩy, không xếp hàng, lấy thức ăn thừa nhưng không sử dụng, gây ồn ào, mất trật tự… Thậm chí là các hành vi vi phạm pháp luật như lấy cắp hàng trong siêu thị, lợi dụng đi du lịch để trốn ở lại…

(Theo Tổng cục Du lịch)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm