Xả rác - thói du lịch xấu xí

LTS: Cùng với việc TP Vũng Tàu đưa ra các quy định cấm đối với khách du lịch, Tổng cục Du lịch ngày 12-4 đã công bố dự thảo chiến dịch phát động phong trào ứng xử văn minh khi đi du lịch. Một bộ phận du khách Việt đã để lại hình ảnh rất tệ ở những nơi họ đến.

Tôi sinh sống và làm việc tại TP Vũng Tàu đã nhiều năm. Với những gì đã được tận mắt trông thấy nơi đây cũng như nhiều nơi khác, tôi hiểu không phải bỗng dưng mà chính quyền lại ra những quy định “khó khăn” với du khách.

Mọi nơi đều thành bãi rác

Nhà tôi ở Bãi Trước. Khu vực này từ lâu đã lắp đặt rất nhiều bảng tuyên truyền về cấm người dân ngồi trên thảm cỏ ăn nhậu xả rác, có cả quy định mức phạt. Mới đây, số lượng panô được lắp đặt thêm nhiều hơn cùng với những lời nhắc nhở rất lịch sự để người dân, du khách cùng thực hiện. Nhưng tôi xót cho bãi biển của TP mình bởi rất nhiều lần chứng kiến khách mua đồ ăn hàng rong, ăn nhậu rồi vứt vỏ cua, ghẹ ngay trên lối đi bộ, bãi tắm. Một số khác trải bạt ăn uống trên thảm cỏ công viên hay lối dành cho người đi bộ thể dục, dù sát bên đó đã có bảng không giẫm lên cỏ. Tuyến đường ven biển Hạ Long vòng từ Bãi Trước ra Bãi Sau được làm kè chắn, lát đá hoa cương rất đẹp. Đây là nơi người dân Vũng Tàu buổi chiều có những phút giây thư thái dạo bộ. Nhưng nhiều du khách vẫn tụ họp, ngồi trên bờ kè ăn uống rồi vô tư bỏ ly nhựa, túi nylon, đổ nước chấm thừa… ngay trên bờ kè dù cách đó chưa tới 1 m là thùng rác.

Tôi có người bạn là Việt kiều lâu năm về thăm trong dịp tết vừa rồi. Chứng kiến một bãi biển rác thải trôi lềnh bềnh, anh buông câu: “Nhiều năm rồi mà Vũng Tàu vẫn chưa thay đổi”. Tôi đã không giải thích gì được với anh. Thử hỏi bao nhiêu nhân viên vệ sinh cho đủ để chạy theo du khách mà dọn kịp những gì họ bày, thải ra?

Việc bán hàng rong và ăn uống trên bãi biển thường để lại các bãi rác gây nhếch nhác cảnh quan. Ảnh: K.LY

Có dịp đi nhiều nơi, mới thấy nhiều du khách xứ mình tệ hết chỗ nói. Nơi nào cũng có thể hứng rác của họ, nơi nào cũng có thể trở thành chỗ đánh bài, nhậu nhẹt. Những chỗ tôn nghiêm như đền chùa, họ sắm lễ cúng rồi cũng tỉnh bơ xả rác.

Ngồi trên xe, dù từng chỗ ngồi đều có ngăn để chai nước uống và bọc đựng rác, nhưng mỗi lần xe đến trạm dừng là mọi người túa xuống mua thức ăn, xong lại vứt vỏ đậu phộng, vỏ quýt, vỏ bánh kẹo xuống sàn xe. Thậm chí nhiều người sau chầu nhậu say sưa, xe đang chạy trên đường, họ nhăn nhó, gào lên đòi tài xế phải dừng để “tưới tiêu”. Tài xế thuyết phục ráng một chút tới trạm dừng thì lại bị chửi bới nặng lời. Có người say xỉn nôn mửa cả trên xe khiến khách cả xe chịu trận mùi hôi.

Đừng chỉ nhắc nhở chung chung

Chúng tôi - những người dân của TP biển - có quyền được hưởng một không khí biển trong lành, vệ sinh môi trường tốt chứ. Khi bãi biển, công viên ngập rác, có người sẽ chụp ảnh lại, đưa lên mạng xã hội chia sẻ, nơi chúng tôi ở bỗng được gọi là “biển rác”. Tại sao chúng tôi phải chịu những điều tiếng đó do hành vi kém ý thức của du khách?

Và chúng tôi, với tư cách là khách du lịch, cũng có quyền được hưởng thụ những chuyến đi thú vị, an toàn bên cạnh những du khách văn minh, biết giữ vệ sinh chung, ý thức những điều nên - không nên làm.

Tôi đề nghị chính quyền các nơi xử lý thật nghiêm tình trạng du khách xả rác, đừng lo du khách không đến nên chỉ nhắc nhở chung chung rồi bỏ qua. Bên cạnh đó phải tổ chức thông tin các dịch vụ, quán ăn, nhà hàng tin cậy để du khách yên tâm khi vui chơi, ăn uống mà không lo mang đồ ăn nhậu đi theo. Điểm đến nào cũng vậy, không chỉ người dân bản xứ mà chính du khách cũng muốn được nghỉ ngơi, thư giãn thật sự sau những bận rộn, lo toan của cuộc sống thường nhật.

NGUYỄN VĂN SỸ

(Còn tiếp)

Bị cự nự vì nhắc khách bỏ rác đúng chỗ

• Tôi dọn dẹp vệ sinh khu vực Bãi Sau, TP Vũng Tàu đã hơn chục năm. Lúc trước, sau mỗi dịp lễ, tết, bãi biển, công viên luôn ngập rác. Túi nylon, hộp xốp, đồ ăn thừa, vỏ hải sản đầy dưới bãi tắm. Gió thổi, nước cuốn rác đi rồi lại đẩy vào bờ... Gần đây, do TP tổ chức các đoàn kiểm tra, nhắc nhở nên tình trạng xả rác bừa bãi đã đỡ hơn rất nhiều. Nhưng những ngày cao điểm, tình trạng du khách ăn xong bỏ rác không đúng nơi quy định vẫn còn.

Rất nhiều du khách vô tư xả rác dù thùng rác chỉ cách đó hơn 1 m. Cũng có những trường hợp trải bạt ngồi nướng hải sản, ăn nhậu xong thì rũ cả tấm bạt cùng với rác bỏ lại trên biển. Có người còn tiểu tiện tùy tiện. Đêm, khi Bãi Sau được đóng lại để hạn chế khách xuống biển, nhiều thanh niên trèo qua rào, xuống biển nhậu tiếp rồi bỏ rác lại. Họ sẵn sàng gây hấn và la mắng chúng tôi nếu bị nhắc nhở. Họ còn bảo “mấy người được ăn lương nhà nước để dọn dẹp vệ sinh, nếu tôi không xả rác thì mấy người lấy đâu việc để làm?”.

Chị TRẦN THỊ ÁNH TUYẾT, nhân viên Công ty CPDV
môi trường và công trình đô thị TP Vũng Tàu

• Trước cửa quán ăn tôi làm ngày nào cũng rất nhiều rác vì ngay khu phố Tây. Trên các đường Đề Thám, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẩu có nhiều quán ăn, cửa hàng nổi tiếng nên lượng khách đến tham quan, du lịch rất đông, kể cả người Việt. Một số người dân mình mua đồ ăn vặt bên đường rồi cứ tiện tay quẳng bịch nylon, hộp xốp đựng thức ăn, ly nhựa xuống đường, dù thùng đựng rác cứ khoảng 100 m là có một cái. Rác theo gió bay khắp nơi làm nơi đây luôn có rác. Lực lượng vệ sinh đô thị tích cực đi dọn, ngày cũng phải năm lần nhưng đâu thể dọn kịp “tốc độ” xả rác. Vì vậy, rác “trú” trước quán nào thì quán đó tự dọn, có ngày quét đến 10 lần cũng chưa ăn thua. Nhiều khi mệt mỏi lắm nhưng đành phải chấp nhận chứ cứ để vậy thì mất cảnh quan lẫn ô nhiễm môi trường.

HOA, 195 Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM

• Ở Công viên Thủ Thiêm cứ đến chiều tối, đặc biệt là những ngày cuối tuần, rất đông khách vì nơi đây nhìn về phía trung tâm TP rất đẹp, lại nằm ngay bờ sông Sài Gòn. Khách đông, tụ tập thành nhóm tổ chức tiệc ngoài trời, ăn xong bỏ rác ngay vị trí ngồi rồi đi mất. Ở đây, các băng rôn tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định đều có, chính quyền đã tăng cường kiểm tra và nhắc nhở nhiều nhưng có những trường hợp vẫn lén đổ rác ngay tại chân cầu Ông Cậy. Rác thải, đồ ăn thừa bốc mùi rất khó chịu. Mỗi ngày đội vệ sinh môi trường đều dọn dẹp đến sau 10 giờ đêm và phải làm việc cật lực bởi lượng rác chất đầy.

Anh TRUNG QUÂN, dân quân tự vệ
phường Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM

TRÙNG KHÁNH - MINH HUỆ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm