Góc nhìn:

'Xả rác là chuyện nhỏ, có gì mà lên án?'

Mấy năm trước, khi mới ra ngoại thành (TP.HCM) sinh sống, thấy miếng đất trống bên nhà bị biến thành nơi đổ rác, vợ tôi lên tiếng thì bị hàng xóm chửi té tát. Họ nói xả rác ra đất trống là chuyện bình thường, là chuyện “nhỏ như con thỏ” có gì mà phản ứng? Quá ngán ngẩm với cảnh xả rác gây ô nhiễm triền miên nên vợ chồng tôi phải bán nhà, chuyển đi nơi khác.

Dù được xem là thành phố văn minh, hiện đại nhất nước nhưng hiện nay tại TP.HCM nạn xả rác vẫn còn rất phổ biến, diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc. Cách không xa trung tâm thành phố, nhiều dòng kênh bị người dân xả rác tràn ngập đến mức nước không chảy được. Ngay trong nội thành, trên đường phố lúc nào cũng thấy cảnh xả rác, nhất là những loại rác như hộp xốp, ly nhựa. Thậm chí nhiều người đi trên xe hơi sang trọng cũng vô tư mở cửa vứt rác ra đường…

Hành  vi xả rác vào hệ thống thoát nước khá phổ biến ở TP.HCM nhưng chưa thấy ai bị xử phạt (ảnh: K.B)

Không phải chỉ có trẻ em mà cả người lớn khi được hỏi về nạn xả rác, họ chỉ cho rằng đây là hành vi không đẹp, gây mất vệ sinh chứ không gây ra thiệt hại  gì đáng kể. Song trên thực tế đâu phải như vậy.

Tại TP.HCM, chỉ tính chi phí vớt rác một số tuyến kênh rạch lớn, mỗi năm đã tốn hàng chục tỉ đồng. Thêm chi phí nạo vét cống thoát nước (rác cũng chiếm số lượng lớn) mỗi năm lên đến hàng trăm tỉ đồng… Đó là chưa kể những thiệt hại khác do nạn xa rác gây ra như gây ngập nước, ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh…

Hình ảnh rất xấu ở những con kênh ở ngoại thành TP

Nếu quy ra tiền và thống kê đầy đủ sẽ thấy nạn xả rác gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước thật khủng khiếp. Mà ngân sách chính là tiền đóng góp của người dân.

Hiện nay, ngoài Nghị định 179 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định 167 xử phạt hình chính về an ninh – trật tự cũng có quy định cụ thể mức xử phạt cho từng hành vi xả rác. Theo đó, hành vi xả rác nơi công cộng bị phạt từ 100.000 đồng – 200.000 đồng; xả rác trên đường phố, xả rác vào hệ thống thoát nước v.v.… bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng. Thế nhưng, hầu hết các thành phố lớn vẫn chưa tổ chức thực hiện quyết liệt việc này. Lẽ nào cơ quan nhà nước cũng xem xả rác là “chuyện nhỏ”?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm